Gốm sứ địa phương Nhật Bản – khu vực Kansai
Lần trước, chúng ta đã được tìm hiểu đôi điều về gốm sứ Nhật Bản, bắt nguồn từ cảm giác lâng lâng khó tả khi chạm vào nét mộc mạc, thô ráp của những đồ vật be bé trong tiệm gốm nhỏ. Khi ấy, bạn có để ý một góc nhỏ bài trí những chiếc cốc, bộ đồ ăn, bình hoa trong đó đến từ khu vực Kansai không? Càng nhìn bạn như càng bị thu hút vào. Vậy bạn có biết vì sao như thế không? Lần này, chúng ta cùng tiếp tục khám phá về gốm sứ vùng Kansai nhé! 😍
1. Gốm sứ Yokkaichi Banko (tỉnh Mie)
Đồ gốm Yokkaichi Banko (四日市萬古焼) gồm các sản phẩm đất nung tráng men có lịch sử từ giữa thời kỳ Edo, khi một thương nhân giàu có là Rouzan Nunami mở lò nung ở Obuke, thị trấn Asahi, tỉnh Mie và bắt đầu tạo ra các vật dụng từ đất sét.
Rouzan đã đóng dấu dưới những sản phẩm của ông các chữ banko (萬古) hoặc banko fueki (萬古不易) để các tác phẩm còn tồn tại đến ngày nay của ông không bị thay đổi. Người ta nói rằng tên của đồ gốm Banko có thể bắt nguồn từ đây.
Những chiếc ấm trà nhỏ kyusu và đồ dùng bằng đất nung tráng men là các sản phẩm tiêu biểu của đồ gốm Yokkaichi Banko. Ấm kyusu được những người yêu trà ưa chuộng và càng sử dụng lâu càng thấy bóng lên.
Bằng những nỗ lực và sự khéo léo của các nghệ nhân, suốt 300 năm qua đã có không ít sản phẩm đặc sắc được tạo ra, phù hợp với nhu cầu của từng thời đại. Màu sắc êm dịu của đồ gốm Banko thật khiến người ta thư thái, tĩnh tại.
2. Gốm sứ Iga (tỉnh Mie)
Gốm sứ Iga (伊賀焼) là những sản phẩm đất nung tráng men được chế tác xung quanh khu vực thành phố Iga, tỉnh Mie. Đồ gốm Iga được nuôi dưỡng từ đất sét lắng đọng dưới đáy hồ Biwa và củi than từ những rừng thông quanh hồ.
Chính nghệ thuật kết hợp giữa đất và lửa đã tạo nên linh hồn cho gốm sứ Iga. Lớp men tro tự nhiên màu xanh lá bám lên thân gốm ngẫu nhiên trong quá trình nung càng làm cho linh hồn ấy lung linh, sống động.
Đồ gốm Iga độc đáo về màu sắc và hình dạng, thường được dùng làm vật dụng nấu nướng, bàn ăn như nồi, ly, tô, chén, dĩa, v.v.. Cả màu sắc và hoa văn đều được cân nhắc kỹ lưỡng và hoàn thiện làm sao cho món ăn trông ngon hơn, bắt mắt hơn. Nồi đất Iga có độ chống cháy cao nên rất tiện lợi khi chế biến thức ăn, đặc biệt với các món kho hay hầm. Hương thơm ngào ngạt từ gia vị quyện với mùi thơm của đất trên lửa, làm người ta thật khó lòng cưỡng lại.
3. Gốm sứ Shigaraki (tỉnh Shiga)
Đồ gốm Shigaraki (信楽焼) được sản xuất chủ yếu ở làng Shigaraki, thành phố Koka, tỉnh Shiga. Với bề dày lịch sử khoảng 1.200 năm, đây là dòng gốm lâu đời nhất trong sáu dòng gốm cổ (rokkoyo) của Nhật Bản.
Các lò nung Shigaraki đầu tiên đã sản xuất những vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt của người nông dân như làm cối, bình đựng nước, chai lọ và đĩa sâu. Các đường nét đơn giản, thô sơ và góc cạnh của đồ gốm Shigaraki cũng bắt nguồn từ đây.
Hiện nay, đồ gốm Shigaraki được sử dụng rộng rãi trong đời sống từ bình hoa, bộ đồ ăn cho đến tượng nhỏ. Màu nâu đỏ đẹp mắt tạo ấn tượng ấm áp từ đất. Lớp men tro cháy và bám trên bề mặt sản phẩm đem đến ánh nhìn phong phú về hoa văn, trông có vẻ cố ý mà ngẫu nhiên của đồ gốm Shigaraki.
Sản phẩm gốm Shigaraki có khả năng chống cháy cao nên những món ăn được làm từ nồi đất hay trang trí trên đĩa gốm cũng nhờ đó mà tràn đầy hương vị, thơm ngon say đắm lòng người hơn.
4. Gốm sứ Kyo – Kiyomizu (phủ Kyoto)
Gốm sứ Kyo – Kiyomizu (京焼・清水焼) được sản xuất tại Kyoto và là một nét văn hoá đầy tự hào của vùng đất này. Những sản phẩm gốm được chế tác tinh tế và trang nhã từ những nghệ nhân bậc thầy trong nghề đi cùng dòng chảy lịch sử của cố đô Kyoto.
Được sản xuất với nhiều loại men chuyên dụng, đặc biệt là men màu, những sản phẩm gốm Kyoto mang nét đặc trưng rất riêng, khó có thể lẫn lộn với bất kỳ dòng gốm nào khác.
Nhiều sản phẩm gốm Kiyomizu không được đưa lên website sản phẩm Kyoto, bởi lẽ các nghệ nhân trân trọng việc khách hàng yêu thích dòng gốm này trực tiếp đến lò nung hoặc cửa hàng, tận tay sở hữu và tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chúng, càng nhiều càng tốt. Điều này có thể gây chút bất tiện, song giới nghệ nhân tâm huyết vẫn muốn truyền tải cái hay của nghề thủ công truyền thống đến tất cả khách hàng của mình.
5. Gốm sứ Tamba – Tachikui (tỉnh Hyogo)
Gốm sứ Tamba – Tachikui (丹波立杭焼) được sản xuất xung quanh khu vực Sasayama và Tachikui ở tỉnh Hyogo. Những sản phẩm đất nung tráng men chuyên về đồ dùng sinh hoạt như tách trà, đĩa, bình, lọ, v.v. đã có mặt và quen thuộc với người dân Nhật Bản từ xa xưa.
Cũng như gốm Shiragaki, gốm Tamba là một trong sáu dòng gốm lâu đời nhất Nhật Bản (rokkoyo). Gốm sứ Tamba – Tachikui đã xuất hiện từ thời Heian.
Gốm Tamba được nung trong lò nhiệt độ cao đến 1300℃, kéo dài khoảng 60 giờ, lớp men bám lên thân gốm chính từ men tro của gỗ thông cháy trong quá trình này. Sự bám dính ngẫu nhiên ấy đã tạo nên sự đặc biệt không trùng lặp ở bất cứ sản phẩm nào của đồ gốm Tamba.
Màu sắc và hoa văn đơn giản trên những món đồ thân thuộc chính là nét độc đáo của đồ gốm Tamba.
6. Gốm sứ Izushi (tỉnh Hyogo)
Gốm sứ Izushi nổi tiếng với những sản phẩm đồ sứ được chế tác quanh khu vực Izushi, tỉnh Hyogo. Đồ sứ Izushi hấp dẫn người nhìn bởi màu trắng tinh xảo, vẻ ngoài đẹp đẽ, trang nhã được chạm khắc tinh tế bằng công nghệ tiên tiến.
Không chỉ giới hạn ở đồ sứ trắng, đồ Izushi còn có men ngọc, đồ sứ vàng, mishima, các vật dụng như đồ cạo, mắt chải, đồ gốm bột và nhiều loại đồ gốm khác nữa.
Đồ sứ Izushi tiêu biểu trong những năm gần đây là những chiếc bình hoặc bộ ấm trà với bề mặt sứ trắng đã được cạo nhẵn mịn và hoa văn bông cúc được chế tác bằng tay một cách tỉ mỉ.
Bên cạnh những chiếc bình và đồ dùng trà thường được chế tác số lượng lớn, những chiếc đĩa nhỏ hoặc bình rượu phục vụ món mì soba đặc sản của Izushi cũng là mặt hàng chủ yếu và bắt nguồn từ văn hóa địa phương.
Tổng kết
Đến đây, những điều kỳ bí thu hút tâm hồn bạn đã phần nào được lý giải rồi đúng không nào? Gốm sứ vùng Kansai nói riêng và gốm sứ Nhật Bản nói chung luôn hấp dẫn người nhìn bằng một cách rất riêng nào đó. Để biết thêm, bạn đừng quên đón đọc những bài viết mới tại chuyên mục Tham quan du lịch của Wappuri nha! Hứa hẹn nhiều điều bất ngờ và thú vị lắm đấy! 😉