Vài nét về gốm sứ Nhật Bản
Bạn đã bao giờ dừng chân trước một tiệm gốm trên phố hay ngõ nhỏ, rồi miên man tự hỏi có nên ghé vào hay không chưa nhỉ? Như có một điều gì đó vô cùng thu hút, bạn bước vào và biết rằng đây là tiệm gốm Nhật. Bạn say mê chạm nhẹ từng ngón tay, cảm nhận không một chút khiên cưỡng dư vị ấm áp, mộc mạc mà rất đời thực toả ra từ những chiếc cốc, ấm hay bộ chén dĩa xung quanh, trong tiệm gốm nhỏ ấy… Thêm một chút chất vấn nảy ra trong suy nghĩ của bạn, rằng tất cả những sống động này từ đâu ra? Vậy tại sao không thử lý giải điều đó ngay từ chính những sản phẩm gốm sứ be bé xung quanh nơi bạn đang chìm đắm ấy – gốm sứ Nhật Bản! 😉
Đôi nét khái quát gốm sứ Nhật
Gốm sứ Nhật nói chung được gọi là tojiki (陶磁器) hay yakimono (焼き物), là các vật dụng thiết yếu trong đời sống hằng ngày. Tên gọi yakimono bắt nguồn từ thực tế sản xuất gốm sứ được nhào nặn bằng đất sét và các khoáng chất rồi đem nung (yaki 焼き) ở nhiệt độ cao.
Theo dòng chảy lịch sử, gốm sứ Nhật Bản đã trải qua những giai đoạn thăng trầm và phát triển cho đến ngày nay. Tinh thần nghệ thuật Wabi Sabi được thổi hồn một cách hài hòa và sống động trong từng tác phẩm. Màu sắc gốm mộc mạc, mang đậm hơi thở của đất, nước, khí trời.
Vẻ xù xì, thô ráp nhưng ấm nồng của vỏ gốm càng như chứng minh sự cứng cỏi, kiên cường và thân thương của bản thân chúng qua thời gian. Tất cả được các nghệ nhân tỉ mỉ, trau chuốt và gửi gắm tình yêu của mình vào trong.
Ngày nay, gốm sứ Nhật Bản đang tận hưởng một thời kỳ phục hưng khi mọi người tìm kiếm sự độc đáo thay vì sản xuất hàng loạt, sự khác lạ thay cho sự thực dụng. Và các xưởng gốm địa phương rất khuyến khích du khách tự trải nghiệm xem các mẫu gốm sứ độc đáo của họ được tạo ra như thế nào. Bộ đồ ăn và bình hoa, trà cụ trong trà đạo là những sản phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật gốm sứ Nhật Bản. Bên cạnh đó, tượng nhỏ, ngói lợp và đồ thủ công từ gốm cũng khiến người ta gợi nhớ đến vẻ đẹp của dòng gốm sứ thủ công độc đáo này. Nếu như gốm sứ Trung Quốc nổi bật những đường nét họa tiết được tạo ra hàng loạt dán lên gốm trước khi nung để nó khắc sâu hơn vào thân gốm, gốm sứ Việt Nam nổi bật với các họa tiết cách điệu từ chim muông cây cỏ, nhân vật lịch sử thì họa tiết trên gốm sứ Nhật hoàn toàn được vẽ bằng tay riêng biệt trên từng tác phẩm và tối giản một cách mộc mạc nhưng đầy trầm ấm.
Đôi điều về thuật ngữ gốm sứ
Gốm sứ Nhật Bản về cơ bản được chia ra làm hai loại là đồ gốm và đồ sứ. Nhưng đi sâu vào chi tiết, người Nhật chia chúng thành bốn loại bao gồm đồ đất nung, đồ đất nung tráng men, đồ sành cứng hay bán sứ và đồ sứ với những điểm đặc trưng riêng biệt.
Đồ gốm
Đồ gốm Nhật được làm bằng cách tạo hình đất sét chuyên dụng và đem nung oxy hóa hoặc oxy hóa khử ở nhiệt độ 800°C đến 1300°C. Chúng có tính hút nước, dễ bị ám mùi nên nếu lật chân sản phẩm lên và chế nước vào nơi không có men, bằng mắt thường cũng có thể thấy nước bị hút vào.
Bằng cách tráng men bề mặt, các nghệ nhân đã cải thiện tính hút nước của sản phẩm. Dưới ánh sáng, dù cho lớp gốm có mỏng thì ánh sáng cũng khó có thể lọt qua. Ngoài ra, gốm có tính dẫn nhiệt thấp nên khó nóng và nguội. Cảm giác ấm áp khi chạm tay vào lớp vỏ xù xì, thô ráp và lớp men dày khiến bạn khó có thể quên được về một kết cấu đơn giản từ đất, được chế tác hài hòa với nước, lửa, không khí – vốn được xem là cội nguồn của sự sống. Khi gõ vào thân gốm, bạn có thể nghe thấy âm thanh thấp và trầm. Chính vì vậy, ấn tượng mộc mạc, giản đơn nhưng đặc biệt khó quên của gốm Nhật sẽ cứ vấn vương hoài nếu ai đã chạm ngỏ đến chúng. Đồ gốm Nhật bao gồm đồ đất nung doki (土器), đồ đất nung tráng men toki (陶器), và đồ sành cứng hay bán sứ sekki (炻器 ). Chúng đều được làm từ nguyên liệu chính là đất sét tsuchimono (土もの).
Đồ đất nung
Đồ đất nung doki (土器) là loại đồ gốm đầu tiên được làm ở Nhật Bản trong thời kỳ Jomon, nổi tiếng với hai dòng gốm Jomon và gốm Yayoi. Thời kỳ này không có lò chuyên dụng để chế tác mà đất sét được nhào nặn thành bát, nung trực tiếp trên lửa ngoài trời ở nhiệt độ thấp 700°C đến 900°C và không tráng men. Doki có khả năng chống cháy và ngày nay người ta vẫn còn sử dụng các chậu hoa đất nung.
Đồ đất nung tráng men
Cũng như doki, vì làm từ đất sét, toki (陶器) cũng có khả năng thấm nước. Để cải thiện điều này, sau khi được nhào nặn thành hình, chúng được tráng men phủ lên bề mặt rồi đem nung. Tùy vào mỗi loại men và cách chế tác mà cho ra đời các dòng gốm toki với các đặc trưng khác nhau, mang màu sắc riêng biệt. Bề mặt thành phẩm cũng mịn và ít thô ráp, có nhiều màu sắc hơn so với đồ đất nung doki.
Đồ sành cứng (bán sứ)
Đồ gốm sekki (炻器) có tính chất trung gian giữa gốm và sứ. Cũng chính vì vậy, sekki còn được gọi là đồ bán sứ hanjiki (半磁器) hay yakishime (焼き締め). Đồ sành cứng sekki được nung bằng kĩ thuật muyu yakishime (無釉焼き締め) trong lò nung nhiệt độ cao từ 1100°C đến 1250°C và không tráng men. Kĩ thuật này cũng là nguyên nhân đặc điểm đồ bán sứ kết khối chưa hoàn toàn, có độ hút ẩm không cao như đồ đất nung doki hay toki mà cũng không thấu quang (cho ánh sáng xuyên qua) và màu sắc không trắng trong như đồ sứ jiki. Sekki nổi tiếng được biết đến với dòng gốm Sue Nhật Bản.
Đồ sứ
Đồ sứ jiki (磁器) được tạo hình từ nguyên liệu chính là bột đá và đất sét trắng chuyên dụng đem nung bằng phương pháp giảm kích hoạt ở nhiệt độ từ 1200℃ đến 1400℃. Jiki có độ kết khối hoàn chỉnh nên rất cứng, chịu lực cao. Chính vì vậy, chúng còn được gọi là đồ đá ishimono (石もの). Ngoài ra, sứ có tính chống thấm nên hoàn toàn không hấp thụ nước mặc dù được tráng lớp men rất mỏng và thông thường hầu như không thể nhìn thấy.
Dưới ánh sáng, đồ sứ trở nên trong suốt và mỏng mịn với ánh sáng chiếu qua (thấu quang), đem đến một cái nhìn bắt mắt. Ngoài ra, đồ sứ có tính dẫn nhiệt cao, dễ nóng và nguội. Khi gõ, âm thanh trong trẻo bắt tai cũng là điểm độc đáo của mẫu sản phẩm thủ công này. Đồ sứ jiki bắt nguồn từ Trung Quốc. Sản phẩm sứ đầu tiên được sản xuất tại Nhật Bản là ở khu vực Arida.
Các dòng gốm sứ cổ xưa tiêu biểu
Ngày nay, bên cạnh sự đa dạng các dòng gốm hiện đại như Kakiemon, Imari, Kutani hay Nabeshima đúc kết tinh hoa nghệ thuật gốm truyền thống và đan xen học hỏi từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay châu Âu, nghệ thuật gốm sứ truyền thống Nhật Bản vẫn duy trì, bảo tồn và phát huy sáu dòng gốm từ xa xưa gọi là rokkoyo (六古窯). Sáu dòng gốm này đã có lịch sử trên 900 năm tính từ cuối thời Heian, và kéo dài đến hiện tại, bao gồm Shigaraki, Bizen, Tanba, Echizen, Seto và Tokoname.
Gốm Shigaraki
Đồ gốm Shigaraki (信楽焼) được sản xuất chủ yếu ở làng Shigaraki, thành phố Koka, tỉnh Shiga. Với bề dày lịch sử khoảng 1.200 năm, đây cũng là dòng gốm lâu đời nhất trong sáu dòng gốm cổ. Các sản phẩm đặc trưng với màu đỏ do hàm lượng sắt trong đất sét chuyển hoá thành dưới sức nóng của lửa lò. Sự kết dính men tro tự nhiên bao phủ lên thân gốm và cháy thành màu nâu sẫm hay xanh lá khi vùi trong tro củi làm phong phú thêm đường nét hoa văn của thành phẩm.
Gốm Bizen
Xung quanh thành phố Bizen, tỉnh Okayama, gốm Bizen được chế tác bởi các nghệ nhân và được công nhận là một nghề thủ công truyền thống quốc gia vào năm 1982. Sắc gốm Bizen đặc trưng với màu nâu đất mộc mạc, độ cứng cao, tạo bởi đất núi chứa nhiều thành phần sắt và loại đất ruộng đặc biệt có tên gọi hiyose.
Các sản phẩm gốm Bizen không được tráng men mà cũng như gốm Shigaraki, màu gốm tự biến đổi trong lò nung. Các lò gốm Bizen cũng thuộc hệ thống các lò làm gốm Sue, loại gốm màu xanh lam xám rất cứng được dùng nhiều trong cúng bái ở thành phố Okayama.
Gốm Tamba
Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, gốm Tamba được sản xuất xung quanh thành phố Tamba, Sasayama, tỉnh Hyogo. Những chiếc bình với trọng lượng vừa phải là đại diện cho dòng gốm cổ xưa này. Trong khi hầu hết các dòng gốm khác sử dụng bàn xoay phải thì gốm Tamba lại được tạo hình trên bàn xoay trái. Đây cũng là nhân tố tạo nên hình dáng độc đáo của sản phẩm. Nhiều đồ thưởng trà trong trà đạo cũng được các trà nhân nổi tiếng bàn bạc và yêu cầu do nghệ nhân gốm Tamba chế tác.
Gốm Echizen
Gốm Echizen (越前焼) bắt nguồn từ khu vực làm gốm thờ cúng quanh thị trấn Echizen chủ yếu ở các quận Miyazaki và Oda, tỉnh Fukui. Được làm từ đất sét Echizen có hàm lượng sắt cao nung ở nhiệt độ khoảng 1200℃ đến 1300℃, gốm Echizen rất cứng, không bị thấm nước hay lỗ khí. Màu sắc thay đổi từ tro đen sang nâu đỏ, và đôi khi gỗ cháy chuyển sang màu men tro tự nhiên tạo ra một phần đặc điểm vô cùng đẹp của Echizen, được các bậc thầy trà đạo đặc biệt yêu thích.
Đồ gốm Echizen đã được sử dụng làm đồ dùng hàng ngày, chẳng hạn như lọ lớn, lọ miệng rộng và bát mài. Khi chế tác, các nghệ nhân đã tự tay đóng các dây đất sét bằng cách đi vòng quanh các chậu lớn mà không cần dùng đến bánh xe. Kỹ thuật độc đáo này vẫn được ứng dụng cho đến nay.
Gốm Seto
Đồ gốm Seto (瀬戸焼) được sản xuất quanh khu vực thành phố Seto, tỉnh Aichi. Với những hình ảnh và đường nét đầy màu sắc do được sử dụng từ nhiều loại men khác nhau, xử lý và hoàn thiện bằng các kỹ thuật chuyển màu, sản phẩm gốm Seto cuốn hút và dễ dàng được yêu thích bởi nhiều nhóm tuổi.
Không chỉ giới hạn ở bộ đồ ăn và tượng nhỏ, các nghệ nhân làng gốm Seto còn chế tác nhiều loại gốm sứ mỹ nghệ, kiến trúc. Tượng búp bê Kato Pottery Maneki Neko cũng có nhiều màu sắc khác nhau và được du khách ghé thăm ưa thích chọn mua làm quà tặng.
Gốm Tokoname
Đồ gốm Tokoname (常滑焼) là tên của đồ gốm được làm xung quanh thành phố Tokoname, nằm ở trung tâm của bờ biển phía tây bán đảo Chita thuộc tỉnh Aichi. Đặc trưng của đồ gốm Tokoname là sử dụng loại đất gọi là bùn đỏ son, chứa một lượng lớn oxit sắt, khi nung lên sẽ có màu nâu đỏ với kết cấu độc đáo.
Những ấm trà đỏ không tráng men mang lại cảm giác cứng cáp khi chạm vào là sản phẩm tiêu biểu cho dòng gốm Tokoname. Vì được nung ở nhiệt độ nung cao trong lò kín, chúng rất bền và được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày.
Tổng kết
Đôi điều về gốm sứ Nhật Bản có lẽ đã giúp bạn phần nào có được câu trả lời cho riêng mình. Vậy bạn có biết rằng mỗi khi chạm vào một chiếc cốc, một ấm trà hay một dĩa gốm Nhật, bạn như được dẫn dắt đến một thế giới thi vị mới hay chăng? Thế giới ấy có thể đưa bạn đi đến đâu, tận hưởng và trải nghiệm điều gì khác lạ? Hãy tiếp tục chờ đón những điều thi vị ấy tại chuyên mục Nhật Bản đó đây của Wappuri sắp tới nha! ;