Nghệ thuật làm búp bê truyền thống Kyoto – Kyo Ningyo

Khi so sánh văn hoá búp bê giữa các quốc gia trên thế giới, có lẽ hiếm nơi nào mà búp bê được coi là biểu tượng của nghệ thuật và nghề thủ công như tại Nhật Bản. Búp bê (tiếng Nhật gọi là ningyo 人形) hiện diện ở nhiều mặt của đời sống hằng ngày, kể cả trong hoàng gia Nhật Bản và cuộc sống của người dân bình thường.

Giữa những mẫu búp bê truyền thống hàng trăm năm tuổi, bạn hãy cùng WAppuri chiêm ngưỡng vẻ đẹp và tìm hiểu sâu hơn về Kyo Ningyo (京人形) sản phẩm búp bê chế tác hoàn toàn thủ công tại cố đô Kyoto.

(ảnh: 京人形商工業協同組合)

Đôi điều về búp bê Nhật Bản

Ý nghĩa đầu tiên và quan trọng nhất của búp bê đối với dân Nhật là làm hình nhân thế mạng: chịu những xui xẻo, bệnh tật thay cho trẻ em trong gia đình.

Từ quan niệm này mà búp bê trở thành người bạn đồng hành xuyên suốt quá trình lớn lên của các em nhỏ Nhật Bản. Bên cạnh đó, mọi người cũng tổ chức hai ngày lễ đặc biệt gắn liền búp bê là Hinamatsuri (ひな祭り) và Kodomo no Hi (こどもの日).

(ảnh: 味岡人形 映水工房 )

Mỗi sản phẩm búp bê truyền thống không chỉ xuất phát từ tình yêu dành cho con trẻ mà còn là tiếp nối sứ mệnh lưu giữ các giá trị nghệ thuật vượt thời gian, bao gồm kỹ thuật chế tác thủ công, trang phục truyền thống, v.v..

Những đại diện của Kyo Ningyo

Kyo Ningyo (京人形) là tên gọi chung những mẫu búp bê truyền thống được chế tác hoàn toàn thủ công từ thời Heian, tại cố đô Kyoto và những vùng lân cận.

Hina Ningyo

Trào lưu Kyo Ningyo khởi đầu bằng Hina Ningyo (雛人形) món đồ chơi dành cho những trẻ em trong gia đình quý tộc xưa. Đây cũng là sản phẩm đóng vai trò chủ đạo cho dòng búp bê đến từ Kyoto.

(ảnh: 京人形商工業協同組合)

Ngày 3/3 hàng năm, khi Nhật Bản sang xuân, là thời điểm các gia đình tổ chức buổi lễ Hinamatsuri (ひな祭り) để cầu chúc sức khỏe và những điều tốt lành đến với các bé gái. Vào dịp này bạn sẽ được chiêm ngưỡng những tháp búp bê Hina lộng lẫy được trưng bày không chỉ trong nhà mà còn ở một số cơ quan, đền chùa.

(ảnh: 京人形商工業協同組合)
(ảnh: 京人形商工業協同組合)
Ở bục cao nhất của tòa tháp, có búp bê nam là odairi-sama (con trai của Thiên Hoàng) và tân nương là ohina-sama bên cạnh. Cách trang trí búp bê được mô phỏng theo lễ cưới Hoàng gia khoảng một ngàn năm trước đây. Quần áo cũng như các phụ kiện đi kèm cũng được tái hiện dựa trên phong cách của thời bấy giờ. Hinamatsuri – Lễ hội búp bê truyền thống Nhật Bản vào ngày 3 tháng 3 | WAppuri

Gogatsu Ningyo

Tương tự các bé gái, Nhật Bản dành riêng lễ Kodomo no Hi (こどもの日) vào ngày 5/5 để trưng bày Gogatsu Ningyo (五月人形) và cầu chúc cho các bé trai khoẻ mạnh, chóng lớn.

(ảnh: 京人形商工業協同組合)

Những mẫu búp bê được sử dụng lần này mang hình dạng chiến binh với chiếc mũ samurai – biểu tượng sức mạnh của người Nhật, cùng áo giáp sắt hay thanh kiếm trên tay. Hãy thử quan sát phần chỉ bện kumihimo bên ngoài áo giáp và bạn sẽ phải trầm trồ khi nhận ra các chi tiết được mô phỏng giống thực tế đến từ nút thắt đấy!

(ảnh: 京人形商工業協同組合)

Fuzoku Ningyo

Mẫu búp bê Fuzoku Ningyo (風俗人形) thường được đặt bên trong các hộp trưng bày trong suốt. Hình dáng và trang phục được lấy cảm hứng từ các nhân vật thuộc những loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống Nhật Bản như kịch Noh, kịch Kyogen, v.v..

(ảnh: 京人形商工業協同組合)

Với chất liệu sáng tạo đặc thù như vậy, để cho ra đời một tác phẩm Fuzoku Ningyo người nghệ nhân phải có sự hiểu biết chuyên sâu đối với mỗi loại hình nghệ thuật, cùng với đó là kỹ thuật chế tác tinh xảo.

Ichimatsu Ningyo

Ichimatsu Ningyo (市松人形) nổi bật với kiểu tóc ngắn ngang vai, mái bằng độc đáo. Được biết gương mặt búp bê được phác hoạ dựa trên hình mẫu có thật là Sanogawa Ichimatsu (佐野川市松) nghệ sĩ kịch Kabuki nổi tiếng từ thời Edo.

Đặc biệt, búp bê có các khớp nối ở tay và chân nên có thể thay đổi linh hoạt các tư thế kể cả đứng và ngồi. Ngoài ra, việc thay trang phục cho chúng cũng khá dễ dàng. Ichimatsu Ningyo thường mặc trọn bộ áo khoác haori và quần hakama.

Gosho Ningyo

Đại diện cuối cùng của Kyo Ningyo là búp bê Gosho Ningyo (御所人形). Vì mọi công đoạn đều cần thực hiện thủ công nên một mẫu Gosho Ningyo thường cần đến một năm thực hiện.

(ảnh: japaneseantiquestore)

Vẻ dễ thương của loại búp bê này xuất phát từ tạo hình em bé tròn trịa, mũm mĩm với làn da trắng như tuyết. Gương mặt của Gosho Ningyo luôn mỉm cười rạng rỡ, mang đến cảm giác tươi vui cho mọi người.

Cũng chính vì vậy mà búp bê Gosho thường được chọn làm quà tặng cho các dịp lễ quan trọng như kết hôn, hạ sinh em bé, v.v..

Những công đoạn chế tác cơ bản

Giá trị của các tác phẩm Kyo Ningyo không chỉ nằm ở lịch sử phát triển lâu đời mà còn là sự kết tinh giữa kỹ thuật chế tác thủ công và tâm huyết của những thế hệ nghệ nhân Nhật Bản.

Dưới đây là các công đoạn chế tác Hina Ningyo sản phẩm chủ đạo của Kyo Ningyo.

Tạo hình và trang trí phần đầu

Khuôn mẫu thường được điêu khắc trên gỗ, dựa trên đó người thợ sẽ dùng nhựa thông để chính thức tạo hình phần đầu. Cũng ở bước này, nghệ nhân sẽ đặt chi tiết mắt bằng gương ở bên trong hốc mắt.

(ảnh: 京人形商工業協同組合)
(ảnh: 京人形商工業協同組合)

Tiếp đến là bước tô vôi trắng cho toàn bộ phần đầu. Khi lớp sơn ngoài đã hoàn thiện thì người thợ sẽ tỉ mỉ tạo hình mắt, làm lộ chi tiết gương bên dưới.

Để búp bê nhìn chân thật nhất thì không thể bỏ qua bước trang điểm môi, mắt và thậm chí là vẽ đường chân tóc.

Tạo hình và trang trí mái tóc

Màu đen là màu tóc duy nhất được sử dụng cho búp bê truyền thống Kyoto. Phần tóc sẽ được cắt tỉa cẩn thận, riêng với Hina Ningyo thì tóc phải được bện kiểu như bên dưới.

(ảnh: 味岡人形 映水工房)

Tạo hình các bộ phận khác

Tiếp đến là công đoạn tạo hình các bộ phận khác như tay, chân hay thân búp bê.

(ảnh: 京人形商工業協同組合)

Tạo hình phụ kiện

Đi cùng búp bê thường có các phụ kiện như quạt, cung tên, gương soi, tủ kéo, v.v.. Những chi tiết phụ này cũng được nghệ nhân tỉ mỉ mô phỏng để mỗi sản phẩm Kyo Nigyo xuất hiện đều đạt đến độ hoàn thiện cao nhất.

(ảnh: 京人形商工業協同組合)

Chế tác trang phục và tạo hình phần thân

Trang phục của búp bê được làm từ dòng vải Nishijin-ori (西陣織) sản phẩm dệt cao cấp của vùng Kyoto.

(ảnh: 味岡人形 映水工房)

Đầu tiên, nghệ nhân sẽ phác hoạ các chi tiết bằng giấy washi, tiếp đến là dán vải bên trên và dùng chỉ khâu để hoàn thiện trang phục.

(ảnh: 味岡人形 映水工房)

Một bộ trang phục Hina Ningyo nam sẽ có 50 chi tiết và của nữ thì lên đến 120 chi tiết.

Cũng ở công đoạn này, các bộ phận như tay, chân và thân búp bê sẽ được nối vào nhau. Phần trang phục cũng được gắn song song.

Hoàn thiện

Bắt đầu bằng việc gắn tóc lên đầu và hoàn thiện tổng thể. Cuối cùng là trang trí các phụ kiện xung quanh.

(ảnh: 京人形商工業協同組合)

Bạn nghĩ sao về văn hóa búp bê Nhật Bản nói chung và nghệ thuật làm búp bê truyền thống Kyoto nói riêng?

Vẫn còn những mẫu búp bê độc đáo khác ngoài Kyo Ningyo đang đợi bạn khám phá trong thời gian tới. Theo dõi ngay các bài viết của WAppuri với từ khóa nghệ thuật thủ công truyền thống để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp vượt thời gian này bạn nhé!