Nghệ thuật dây bện kumihimo ở Kyoto và tỉnh Mie
Bạn còn nhớ ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy trang phục kimono truyền thống Nhật Bản chứ? Có lẽ phần lớn chúng ta sẽ lập tức bị thu hút với sự cầu kì của các hoạ tiết hay chiếc thắt lưng to bản.
Tuy vậy, nếu thử quan sát chi tiết hơn bạn sẽ không thể rời mắt khỏi những dải dây với thiết kế độc đáo, đa dạng được trang trí bên trên bộ quốc phục Nhật Bản.
Đây là một trong các sản phẩm tiêu biểu của nghệ thuật dây bện kumihimo (組紐) đã hơn 1.400 năm tuổi của xứ sở mặt trời mọc.
Lịch sử phát triển
Từ thời tiền sử Jomon, người Nhật đã bắt đầu biết bện dây kumihimo bằng các vòng dây từ sợi cây. Trải qua nhiều thế kỷ, đến khi nước Nhật bước vào thời đại Heian, kỹ thuật dây bện kumihimo bùng nổ, đạt đến giai đoạn hoàng kim. Ở thời kỳ này, những sản phẩm bện phức tạp và tinh tế chủ yếu được dùng cho trang phục của giới quý tộc hoặc những mẫu trang trí mang tính chất tôn giáo.
Từ giữa thời Heian, các sản phẩm kumihimo gắn liền với hình ảnh cao quý của thần linh và giới quý tộc đã được lựa chọn để tạo nên các bộ giáp uy nghiêm dành cho tầng lớp võ sĩ đạo – tầng lớp đang dần chiếm uy thế trong xã hội lúc bấy giờ.
Mãi hơn 200 năm sau, đến thời Meiji các vòng dây bện thủ công mới đến gần hơn với những người dân bình thường và được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Lúc này, sản phẩm dây bện kumihimo lần đầu được dùng làm phụ kiện trang trí (với tên gọi là obijime) bên ngoài thắt lưng obi của trang phục kimono.
Theo thời gian, sự lan toả văn hoá kimono ra thế giới đã mang các sản phẩm kumihimo đến bạn bè quốc tế như một trong các biểu tượng nghệ thuật truyền thống Nhật Bản.
Hai trường phái tiêu biểu của nghệ thuật dây bện kumihimo
Từ khi được “phổ cập” rộng rãi, kỹ thuật bện kumihimo được phát triển ở hầu hết các địa phương trên khắp nước Nhật.
Tuy vậy, hai trường phái tiêu biểu nhất của nghệ thuật dây bện kumihimo là Kyo kumihimo của vùng cố đô Kyoto và Iga kumihimo (伊賀組紐) của tỉnh Mie.
Kyo kumihimo (京組紐)
Đặc trưng của Kyo kumihimo là các bước bện phức tạp và vẻ đẹp óng ánh từ những sợi tơ vàng kim được khéo kéo kết hợp xen lẫn.
Ngày nay, riêng dòng Kyo kumihimo đã có hơn 40 kiểu bện khác nhau.
Iga kumihimo (伊賀組紐)
Iga kumihimo đến từ tỉnh Mie lại gây ấn tượng bởi sự tương phản của màu sắc và kỹ thuật bện tay truyền thống vẫn còn được lưu giữ đến tận bây giờ.
Nguyên liệu và kỹ thuật bện truyền thống
Nguyên liệu
Với đặc điểm dễ buộc, khó tháo, dòng sợi tơ tằm được lựa chọn làm nguyên liệu duy nhất cho các sản phẩm dây bện kumihimo.
Người Nhật cũng sử dụng chất màu tự nhiên từ thực vật để nhuộm màu sợi tơ, đồng thời sáng tạo nên các gam màu đặc trưng thuần Nhật.
Kỹ thuật bện tay truyền thống
Để tạo ra một sản phẩm dây bện kumihimo, cần ba bước: chọn mẫu và màu sắc sợi tơ, nhuộm và se sợi. Như bài viết đã đề cập, nguyên liệu duy nhất cho các sản phẩm dây bện kumihimo là sợi tơ tằm.
Có ba kiểu bện khác nhau là bện tròn, bện vuông và bện dẹt. Ở bước tiếp theo, tùy theo kiểu bện mà nghệ nhân sẽ lựa chọn giá bện (gọi chung là kumidai 組み台) thích hợp.
Những giá bện truyền thống thường thấy gồm có kakudai 角台, maruidai 丸台, takadai 高台 (Takadai) và ayatakedai 綾竹台.
Đặc biệt, nếu từng xem qua bộ phim anime nổi tiếng Kimi no Na wa 君の名は (tiếng Anh: Your Name), nhất định bạn sẽ cảm thấy quen thuộc với hình ảnh bện dây sử dụng maruidai đấy!
Nghệ thuật dây bện kumihimo ngày nay
Với kỹ thuật bện tinh xảo và khả năng sáng tạo tuyệt vời, các nghệ nhân kumihimo liên tục mang đến những dáng vẻ mới đầy tính thời thượng cho dòng sản phẩm nghìn năm tuổi này.
Đầu tiên sẽ là những phụ kiện làm đẹp được kết hợp cùng các dải dây bện có hoạ tiết và màu sắc nhã nhặn.
Công dụng của dây bện kumihimo cũng trở nên đa dạng hơn với những sản phẩm thú vị dưới đây.
Tổng kết
Nhân dịp này WAppuri xin mời bạn ghé thăm buổi triển lãm online về nghệ thuật dây bện kumihimo do tạp chí điện tử Japan House tổ chức tại đây.
Bên cạnh hai trường phái tiêu biểu đã được giới thiệu là Kyo kumihimo của vùng Kyoto và Iga kumihimo của tỉnh Mie, vẫn còn rất nhiều dòng dây bện, kumihimo, nghệ thuật truyền thống Nhật Bản độc đáo khác mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trên khắp nước Nhật.
Nếu có dịp đến với Nhật, đừng quên sở hữu cho mình một sản phẩm thủ công hơn nghìn năm tuổi này bạn nhé!