Những nhân vật nổi tiếng từ “Ghost” thành “God”

Không chỉ riêng người Nhật, mà hầu hết mọi người trên toàn thế giới đều cho rằng những người ôm mối hận lớn rồi qua đời, sau khi chết đi sẽ mang đến tai ương. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của Nhật Bản, đó là có rất nhiều ác ma (Ghost) sau khi chết được thờ cúng như một vị thần.

Nhật Bản thời cổ đại dựng đền thờ, tổ chức lễ hội cho những linh hồn đã biến thành ác ma do oán hận (được gọi là Onryo, tiếng Hán là Oán Linh) để chúng không gây ra thêm bất kỳ tai ương nào nữa. Theo thời gian, những linh hồn Onryo này, cho tới tận bây giờ vẫn được thờ cúng như “thần". Lý do là vì mọi người cầu mong những Onryo đó thay vì gây ra đau khổ cho con người thì hãy sử dụng sức mạnh to lớn ấy để khiến mọi người hạnh phúc. “Oán hận sẽ không kéo dài", “Dù cho có dữ dằn đến đâu, thì chỉ cần đối xử với họ đúng mực, họ sẽ trở thành bạn của ta" chính là một trong những suy nghĩ vô cùng đặc biệt của người Nhật.

Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu tới các bạn những người nổi tiếng mà ban đầu sau khi chết lại bị người đời oán hận, nhưng rồi được tôn thờ như thần linh.

Sugawara no Michizane

Ông sinh ra vào thế kỷ thứ 9 trong một gia đình dòng dõi quý tộc, và là một học giả. Từ khi còn nhỏ ông đã thể hiện sự thông minh thiên bẩm, sau khi lớn lên tài năng của ông được cả Thiên Hoàng công nhận. Nhật Bản khi ấy nghề nghiệp là do cha truyền con nối, con không được phép có địa vị cao hơn cha. Thế nhưng bất chấp cả truyền thống xã hội ấy, Michizane đã vượt qua khỏi định kiến xã hội, lên được tới chức Hữu Đại Thần, tức vị trí cao thứ 3 trên toàn đất nước Nhật Bản.

Nhưng rồi ông bị người có quyền cao thứ 2 nước Nhật là Tả Đại Thần vu tội, và bị đày đến tận Dazaifu ở tỉnh Fukuoka xa xôi.

Michizane không tìm được cách nào để khôi phục lại thanh danh, rồi ra đi trong tuyệt vọng. Tuy nhiên, sau cái chết của ông, Kyoto đã xảy ra chuyện kinh thiên động địa. Người ta đồn rằng Michizane đã trở thành 1 oán linh Onryo vào thời điểm sấm đánh vào Hoàng cung.

Để xoa dịu nỗi hận của Michizane, người ta dựng nên đền Dazaifu Tenmangu. Tuy nhiên ở thời hiện đại, người ta cho rằng Michizane là một người vô cùng thông minh, nên gọi ông là Tenjin, tôn thờ ông như một vị thần học vấn. Trước khi bước vào kỳ thi, người ta hay đến các Tenmangu trên toàn nước Nhật để cầu mong thi đậu.

Trong khuôn viên Dazaifu Tenmangu có trồng rất nhiều cây mơ, cứ mỗi năm khi hoa mơ nở rộ vào đầu tháng 2, nơi đây đón rất nhiều khách tham quan đến từ mọi miền trên cả nước.

Tên gọi Dazaifu Tenmangu (太宰府天満宮)
Trang chủ https://www.dazaifutenmangu.or.jp/
Địa chỉ 4-7-1 Saifu, thành phố Dasaifu, tỉnh Fukuoka
Bản đồ
Thời gian mở cửa 6:30 ~ 19:00
Ngày Xuân Phân ~ ngày Thu Phân mở từ 6:00
Tháng 6 ~ tháng 8 mở cửa tới 19:30
Tháng 12 ~ tháng 3 mở cửa tới 18:30
Thứ 6, thứ 7 mở cửa tới 20:00

Taira no Masakado

Ông là một võ sỹ sinh sống ở thế kỷ 10. Hồi đó, chính quyền trung ương Nhật Bản được đặt tại Kyoto. Những người có chức quyền cao chiếm giữ tài sản, nông dân và võ sỹ ở các địa phương phải sống cuộc sống vô cùng khó khăn. Chính vì thế Masakado đã vùng dậy đấu tranh để cứu nhân dân khỏi thảm cảnh. Ông tập hợp các võ sỹ ở vùng Kanto lại, tự xưng là “Thiên Hoàng phía Đông", khởi nghĩa chống lại chính phủ ở Kyoto. Tuy nhiên khởi nghĩa bị dập tắt và Masakado chết trận, bị chặt đầu để gửi về Kyoto và bị coi như tội đồ.

Nỗi hận của Masakado to lớn đến mức, đầu ông đang bị bêu riếu ở Kyoto nhưng bay lên trời và quay trở lại khu vực Kanto. Nơi đầu ông bị rơi xuống nay chính là “Masakado no Kubizuka" ở Chiyoda-ku, Tokyo.

Nào, đố các bạn biết tại sao Masakado lại được thờ cúng như một vị thần?
Như phía trên tôi có giới thiệu, đầu của Masakado sau khi bị cắt rời và chuyển về Kyoto đã quay trở lại Tokyo. Chính vì lẽ đó những người đang làm việc ở Tokyo, khi chuyển công tác ra nước ngoài hoặc tới một địa phương khác thì đều ước nguyện “Sau này lại được trở lại Tokyo".
Ngoài ra trong tiếng Nhật có lối chơi chữ “Kaeru"(nghĩa là trở về) và “Kaeru" (nghĩa là con ếch) nên trong đền có rất nhiều đồ vật có hình con ếch.

Tên gọi Masakado no Kubizuka (将門の首塚)
Địa chỉ 1-1 Otemachi, Chiyoda-ku, Tokyo

Thiên Hoàng Sutoku

Ông là Thiên Hoàng sống ở thế kỷ 12. Từ nhỏ ông đã không được cha mình là Thiên Hoàng Toba yêu thương, liên tục bị bắt nạt, và sau khi đã trở thành Thiên Hoàng, ông lại bị chú mình bắt nhường ngôi, sau đó bị em trai là Thiên Hoàng Goshirakawa ra lệnh cho lưu đày ở tỉnh Kagawa.
Ông đã sống một cuộc đời vô cùng bất hạnh.

Ở nơi Thiên Hoàng Sutoku lưu đày, ông đã chép kinh để cầu nguyện cho những chiến binh tử trận, và gửi cho em trai của mình, nhưng cũng không được đón nhận.

Sau đó người ta truyền nhau rằng, ông đã viết “Ta sẽ trở thành ác ma, ta sẽ biến Thiên Hoàng thành dân thường, dân thường thành Thiên Hoàng cho các người biết tay!"

10 năm sau, trong gia tộc Thiên Hoàng xảy ra rất nhiều chuyện xấu, và người ta cho rằng đó chính là do lời nguyền của Thiên Hoàng Sutoku, nên tổ chức nghi lễ cúng bái rất đàng hoàng. Tuy nhiên vài chục năm sau, gia tộc Thiên Hoàng dần mất đi quyền lực, các võ sỹ nắm quyền ở Nhật. Cứ như thể lời nguyền của Thiên Hoàng Sutoku đã trở thành hiện thực, quyền lực của gia tộc Thiên Hoàng đã bị lật đổ. Và thế là trong nhân gian lan truyền niềm tin rằng sức mạnh của sự hận thù của Thiên Hoàng Sutoku vô cùng to lớn.

Bước vào thế kỷ 19, khi quyền lực của chính quyền võ sỹ kéo dài trong nhiều năm dần mất đi, Thiên Hoàng Komei cố gắng để giành lại quyền lực cho gia tộc Thiên Hoàng. Dù vậy, một phần do sức ép từ phía nước ngoài, nỗ lực của ông không gặp thuận lợi. Thiên Hoàng Komei cho rằng một trong những nguyên nhân của việc này có liên quan đến mối hận thù của người đã bị Hoàng tộc lưu đày khi xưa kia, nên ông đã cho dựng đền Shiramine Jingu ở Kyoto để thờ cúng những người này. Nhờ đó mà sau 700 năm, Thiên Hoàng Sutoku đã được quay trở lại Kyoto.

Shiramine Jingu được dựng lên trên mảnh đất khi xưa là cung của gia tộc rất giỏi Kemari – một loại hình thi đấu với bóng cổ truyền của Nhật Bản, nên nổi tiếng như thần hộ mệnh đối với các cầu thủ bóng đá.

Ngoài ra, Thiên Hoàng Sutoku khi xưa ở chốn lưu đày đã vứt bỏ mộng quyền uy để chép kinh cầu phúc cho dân chúng, nên cũng được thờ cúng ở các địa phương như vị thần “cắt duyên".

Tên gọi Shiramine Jingu (白峰神宮)
Trang chủ http://shiraminejingu.or.jp/
Số điện thoại 075-441-3810
Địa chỉ 261 Asukai-cho, Kamigyo-ku, thành phố Kyoto
Bản đồ
Thời gian mở cửa 8:00 ~ 17:00