Asakusa giữa lòng Asakusa (4) – Tháp Gojū-no-tō
Nào chúng ta cùng đến với phần tiếp theo của loạt bài Asakusa giữa lòng Asakusa. Trong phần 4 này, tôi sẽ giới thiệu về tháp Gojū-no-tō.
Tháp Gojū-no-tō
Tòa tháp năm tầng Gojū-no-tō (五重塔) với những hàng cột đỏ thẫm tương phản với bờ tường trắng phau trong ảnh được xây dựng vào năm 1973 với phần khung bằng bê tông cốt thép nhằm giảm thiểu hư hại khi thiên tai xảy ra.
Gojū-no-tō bắt nguồn từ những toà phù đồ (tiếng Phạn: stūpa) giữ xá lợi Phật ở Ấn Độ cổ đại vào khoảng thế kỷ III TCN. Kiến trúc phù đồ Ấn Độ nguyên thuỷ có dạng mái vòm, trải qua quá trình đạo Phật truyền vào Nhật Bản qua con đường Trung Hoa đã trở thành kiểu tháp cao nhiều tầng như hiện nay. Ngoài chùa Sensōji, gojū-no-tō còn được xây ở khắp các địa phương Nhật Bản. Trong đó toà tháp cổ nhất nằm trong quần thể kiến trúc chùa Hōryūji ở Nara, đã được công nhận là di sản thế giới.
Tháp Gojū-no-tō trong chùa Sensōji cũng khá cổ: xây dựng lần đầu vào năm 942, đến nay đã hơn 1.000 năm lịch sử. Nghe bảo ban đầu không phải 5 tầng như bây giờ mà chỉ có 3 tầng thôi, với tên gọi Sanjū-no-tō (三重塔), lại còn là tháp đôi nữa. Một trong hai tháp này vào đầu thời Edo (khoảng những năm 1600) đã được tu sửa thành 5 tầng, còn một tháp thì thật đáng tiếc đã hoá ra tro trong một trận hỏa hoạn, thế là chỉ còn lại mỗi toà tháp 5 tầng đến ngày nay mà thôi. Tháp cao khoảng 53m, tính ra cũng xấp xỉ một tòa nhà 15 tầng. Mấy trăm năm trước chỉ với vật liệu gỗ mà người ta xây được tòa tháp cao thế, thật đáng nể.
Thông thường cứ thấy toà nhà cao cao là chúng ta lại muốn đi lên tầng thượng để ngắm toàn cảnh xung quanh các bạn nhỉ? Tiếc là ở đây du khách không được phép vào trong lên trên tháp đâu. Vì hai lẽ. Thứ nhất là chùa có quy định trong năm chỉ mở cửa tháp 3 lần dành riêng cho những người đã đăng ký từ trước cùng với gia quyến của họ. Thứ hai, bên trong tháp chỉ có những hàng cột trụ mà thôi. Vốn dĩ chẳng hề có cầu thang để lên các tầng trên.
Hầu như tất cả tháp gojū-no-tō ở Nhật Bản đều xây như vậy. Không phải để lên, mà để chiêm ngưỡng – để ngắm thật kỹ dáng vẻ tráng lệ, uy nghiêm của nó. Và bạn ơi, nếu có dịp đến đây vào buổi tối, bạn sẽ được thấy cảnh tháp lung linh, huyền ảo dưới ánh đèn đấy!