Irezumi – Văn hoá hình xăm Nhật Bản
Từng là một vấn đề gây tranh cãi trong xã hội Nhật Bản, irezumi cũng là một nét văn hóa độc đáo có một không hai trên toàn thế giới. Hãy cùng WAppuri ngược dòng lịch sử của irezumi nhé!
Irezumi là gì?
Irezumi (入れ墨) cấu tạo bởi ire 入れ tức là đưa vào và sumi 墨 có nghĩa là mực. Cả cụm từ irezumi có thể hiểu là đưa mực vào. Việc đưa mực vào da cũng như ghi dấu ấn vĩnh viễn trên toàn bộ cơ thể của mình, tức là xăm mình. Hình xăm irezumi mang các yếu tố thần thoại và tâm linh lấy cảm hứng từ văn hoá dân gian và sự huyền bí của Nhật Bản.
Khác với horimono 彫物 chỉ các hình xăm nói chung, irezumi là một thuật ngữ đặc biệt nói về việc điêu khắc trên cơ thể. Hiện nay có rất ít horimono mà đa số là Irezumi. Những hình xăm Irezumi phổ biến nhất là cá koi, samurai, rồng, rắn, quỷ (oni).
Lịch sử thăng trầm
Hoàn cảnh ra đời
Nghệ thuật xăm mình, vẽ trên da, xuất hiện khá sớm tại Nhật Bản. Thậm chí từ khoảng 10.000 năm TCN với các manh mối khảo cổ cho thấy những vết tích tìm được trên cơ thể người trùng khớp với hình xăm.
Vào thời Yayoi (đến 300 năm TCN), xăm hình là cách để đánh dấu và phân biệt tù nhân, nô lệ, kẻ phạm tội, chứ chưa mang ý nghĩa làm đẹp. Bấy giờ xăm mình được xem là một hình thức trừng phạt khá khủng khiếp. Điều này kéo dài trong khoảng 1.000 năm.
Thời Edo: hưng thịnh và thăng hoa
Qua một khoảng thời gian lịch sử khá lâu, mãi đến cuối thế kỷ 17, tức vào thời Edo, sau thời Chiến quốc, khi xã hội đã dần ổn định, nghệ thuật hình xăm mới nở rộ trở lại và phát triển. Không ai có thể ngờ rằng hình xăm lại có thể phát triển mạnh mẽ đến như thế vào thời Edo. Đây được coi là thời kì hưng thịnh đỉnh cao của nghệ thuật xăm.
Điều này có lẽ là vì vào nửa đầu thế kỷ 19, Utagawa Kuniyoshi – một nghệ nhân tranh Ukiyo-e đã tạo ra những bức tranh gỗ đầy màu sắc khắc họa chân dung những vị anh hùng trong các bộ tiểu thuyết nổi tiếng thời bấy giờ như Thuỷ Hử, v.v.. Họ là những con người liêm chính, cương trực, mang nhiều hình xăm nổi bật trên toàn bộ da thịt như rồng, mãnh hổ, các loài hoa. Hình xăm nào cũng được vẽ chi tiết và phủ khắp cơ thể.
Hoạ sĩ Utagawa Kunisada còn sáng tạo các bức tranh Ukiyo-e vẽ những diễn viên kịch Kabuki nổi tiếng có thêm hình xăm để trình diễn trên sân khấu. Sự ảnh hưởng của tranh gỗ Ukiyo-e và kịch Kabuki đã khiến Irezumi trở thành một hiện tượng có sức ảnh hưởng to lớn.
Từ việc khắc gỗ các nghệ nhân đã tiến hành việc xăm mình, họ dùng những vật dụng tương tự trong kỹ thuật khắc tranh gỗ như dùi đục, đục máng để xăm lên cơ thể. Đặc biệt hơn cả vẫn là công thức pha mực Nara, một loại mực cổ truyền dùng để xăm hình. Sự phát triển của Irezumi đã thu hút rất nhiều người dân đổ xô đi sở hữu cho mình các hình xăm độc lạ này.
Việc xăm quanh cánh tay hay trên trán lại trở thành hình phạt cho tù nhân để dễ nhận biết, được gọi là bokukei (bokkei). Cũng vì lẽ này mà xuất hiện một tầng lớp mới, tầng lớp bị xã hội ruồng bỏ, còn được gọi là ronin (lãng khách), dần tạo nên nền móng cho sự hình thành của yakuza – tổ chức tội phạm nổi tiếng của Nhật Bản.
Thời Minh Trị: quay lưng, ghẻ lạnh
Vào thời Minh Trị, Thiên hoàng gỡ bỏ chính sách bế quan toả cảng thời Mạc Phủ nhằm đưa đất nước trở thành một quốc gia văn minh, tiến bộ ngang hàng với phương Tây. Kết quả là du khách, thủy thủ và lái buôn, v.v. từ nước ngoài chính thức quay trở lại Nhật Bản.
Các vị khách nước ngoài này đã bắt gặp những người đàn ông đóng khố với hình xăm trên khắp cơ thể ở trên đường phố, nhà tắm công cộng, v.v. khiến họ rất đỗi bàng hoàng. Chính quyền Minh Trị lúc bấy giờ cho rằng đây là một vấn đề cần giải quyết. Do vậy, để giữ thể diện nước nhà và tạo ấn tượng tốt đối với phương Tây, chính thức từ năm 1827, irezumi đã bị quy vào những hành động phạm pháp gây ảnh hưởng an sinh xã hội.
Vì thế irezumi dần đi vào hoạt động ngầm, trở thành một dấu ấn đặc biệt của các băng đản (yakuza). Hình xăm của yakuza thường là xăm toàn thân. Vì gắn liền với yakuza, irezumi bị xã hội Nhật xa lánh, ghẻ lạnh.
Khi irezumi nhận được sự công nhận của thế giới
Tuy irezumi bị ghẻ lạnh tại chính quốc, vẫn có những vị khách cho rằng đây là một món lưu niệm đến từ Nhật Bản. Bằng chứng là hoàng tử George V (ông của nữ hoàng Elizabeth) và hoàng đế Nicholas II của Nga đều đã có hình xăm khi đặt chân đến Nhật.
Trên thực tế vào thế kỷ thứ 18, các thợ xăm đã vẽ irezumi cho rất nhiều người nước ngoài. Đến thế kỷ 19, các hình xăm kín lưng đặc sắc trên cơ thể các thuỷ thủ ngoại quốc nhanh chóng được truyền bá đến các nước khác và nhận được rất nhiều sự yêu mến.
Thậm chí, những người nước ngoài còn cho rằng đây là một nét đặc trưng để phân biệt người Nhật với những cư dân châu Á khác. Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa thì irezumi cũng không thể khắc phục được vị trí của mình tại quê nhà.
Giá trị nghệ thuật tuyệt vời
Đặc điểm chung của những hình xăm Irezumi
Về mực và dụng cụ, irezumi không dùng các loại mực thông dụng mà phải là mực Nara cổ truyền. Các nghệ nhân irezumi được gọi là horishi. Một hình xăm irezumi thực thụ phải được các horishi xăm thủ công bằng teribo, một dụng cụ giống như dao khắc, thậm chí dùng đục máng để khắc sâu lên da thịt cùng với mực Nara. Vì vậy, đây là loại hình xăm đầy công phu và rất khó tẩy xóa.
Về chi tiết, vị trí và kỹ thuật, irezumi là những hình xăm được phủ trên một bề mặt da rộng nhằm bao quát toàn bộ hình ảnh được xăm, thường là trên toàn bộ cánh tay, phủ cả một tấm lưng hoặc hết cẳng chân. Các vết mực được dàn đều khắp cơ thể với đường mực to, uyển chuyển cùng nhiều màu sắc linh động.
Về ý nghĩa, irezumi dựa trên các hình ảnh văn hoá dân gian, thần thoại Nhật Bản, có thể mang yếu tố tâm linh.
Những mẫu irezumi phổ biến
Các hình xăm irezumi là sự hoà hợp của nghệ thuật và tinh thần, mang đậm hơi thở Nhật Bản.
1. Linh vật
Rồng: tượng trưng cho trí tuệ và sức mạnh, là linh vật của sự trù phú.
Cá chép Koi: đại diện cho lòng can trường, quyền lực và phù hộ cho sự công thành danh toại.
Hổ: biểu tượng của dũng khí, sức khỏe và trường thọ.
Rắn: chống lại bệnh tật, tai họa và điềm xấu.
Karashishi: đem lại sự bảo vệ, sức mạnh và can đảm.
Phượng hoàng: Linh vật của sự bất tử, hồi sinh và chiến thắng.
2. Hoa cỏ
Hoa mẫu đơn: biểu tượng cho phú quý, may mắn và thịnh vượng.
Lá momiji: tượng trưng cho sự phục hồi và tái sinh giống như bốn mùa xoay vòng.
Hoa cúc: đại diện cho sự hoàn hảo, đem lại cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ và trăm tuổi.
Hoa anh đào: cái chết, tình yêu, sắc đẹp, đột tử. Hình xăm hoa anh đào không bao giờ đi một mình.
Hoa sen: hiện diện của sức mạnh và tinh thần kiên định.
3. Những hình khác
Oni: hình ảnh quỷ Nhật Bản với hai cái sừng dài. Đại diện cho những người mạnh mẽ, mang nghĩa vụ, trọng trách.
Đầu lâu: hình ảnh của sự đổi mới và ca ngợi cuộc sống vĩ đại.
Mặt nạ kịch Noh: nhắc nhớ về cơn giận và sự bình tĩnh.
Đầu lơ lửng: vừa là biểu tượng của sự can đảm và gan dạ vừa là lời nhắc nhở tôn trọng cuộc sống.
Ngày nay
Hình xăm irezumi đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật nhưng vẫn chưa được đón nhận nhiều. Chẳng mấy ai hiểu được một hình xăm irezumi sở hữu giá trị như thế nào, không chỉ về giá cả hay ý nghĩa, irezumi đòi hỏi tay nghề chuyên nghiệp của người thợ và sự kiên định quyết tâm hoàn thành một hình xăm dù có mất bao lâu của chủ nhân hình xăm đó.
Người Nhật ghê sợ và quay lưng với nghệ thuật xăm hình của chính mình. Có những quy định khó hiểu về hình xăm chẳng hạn như nhân viên phải khai báo tất cả những hình xăm trên cơ thể cho công ty. Nhiều nơi công cộng còn có biển cấm người có hình xăm.
Jon Mitchell từng có bài viết về sự suy thoái của irezumi khi được quốc tế đón nhận, nhưng bị quê nhà quay lưng. Những năm gần đây, phong trào đấu tranh bảo vệ và gìn giữ văn hoá hình xăm Nhật Bản ngày càng trở nên sôi nổi.
Tháng 3 năm 2018, Bảo tàng quốc gia Nhật Bản – Hoa Kỳ ở Los Angeles đã tổ chức buổi triển lãm Giữ gìn truyền thống hình xăm Nhật Bản trong thế giới hiện đại trưng bày nhiều tuyệt tác hình xăm nổi tiếng của Nhật và kêu gọi thay đổi theo chiều hướng tích cực.
“Hình xăm Nhật Bản cần được nhìn nhận công bằng như những loại hình nghệ thuật khác. Gìn giữ nó còn là gìn giữ lịch sử, văn học của Nhật Bản. Tôi hi vọng những buổi triển lãm irezumi như thế này không chỉ được tổ chức ở ngoại quốc nữa. Một ngày, nó sẽ được mang về Nhật Bản và trưng bày những tác phẩm nghệ thuật cho chính người dân quê hương chiêm ngưỡng.”
Greg Kimura, người tổ chức triển lãm chia sẻ