Bạn biết gì về Yakuza (1) – Khám phá thế giới ngầm của xứ sở Phù Tang

Khi nhắc đến Nhật Bản, hầu hết ai cũng đều nhớ nghĩ ngay đến những hình ảnh tiêu biểu như núi Phú Sĩ, hoa anh đào, sushi, kimono, v.v., những điều tạo nên một Nhật Bản lừng danh.

Nhưng nếu là một tín đồ yêu Nhật Bản đích thực, chắc chắn bạn sẽ biết cả thế giới ngầm của xã hội Nhật Bản là yakuza. Đây là cái tên mà khi nhắc đến thì người Nhật nào cũng kiêng dè còn người nước ngoài thì lại cứ tò mò.

1. Yakuza là gì?

Yakuza (ヤクザ) là tập đoàn tội phạm lớn nhất Nhật Bản, có truyền thống hơn 400 năm, đồng thời cũng có ảnh hưởng khét tiếng toàn cầu. Khác với các tổ chức mafia trên thế giới, yakuza thường công khai hoạt động của mình, làm việc tại văn phòng, có logo bảng hiệu, v.v.. Tất nhiên yakuza thực hiện tất cả mọi thứ theo cách riêng của tổ chức.

Yakuza cho rằng tổ tiên của họ là những samurai hiệp nghĩa chống lại kẻ mạnh bảo vệ kẻ yếu, giữ gìn trị an cho quê hương, đất nước.

Ảnh: NEWSポストセブン

Cái tên “yakuza” bắt nguồn từ một trò chơi của Nhật là bài Hanafuda: ya ヤ là số 8, ku ク là số 9, za ザ là số 3 và tổ hợp 8-9-3 trong bài Hanafuda là một tổ hợp rất xấu, người chơi cầm bài ba con số này chắc chắn sẽ thua

Cho nên yakuza là cách người Nhật gọi tổ chức này, ám chỉ những người không có giá trị, không giúp ích được cho xã hội. Mặc dù bị như vậy, bản thân tổ chức lại cảm thấy tự hào.

Ảnh: reddit.com

Đối với cảnh sát và giới báo chí Nhật Bản, yakuza được gọi là băng nhóm tội phạm (暴力団 bōryokudan), còn với các thành viên trong tổ chức, họ thường tự cho mình là tập đoàn hào hiệp (任侠団体 ninkyō dantai).

Ảnh: Anton Kusters

2. Cơ cấu tổ chức của yakuza

Yakuza là một tổ chức tội phạm gia đình, có cấu trúc bộ máy hoạt động phức tạp theo hình tháp với đỉnh tháp là thủ lĩnh, tiếp theo là các thuộc hạ. Về cơ bản nguyên tắc cốt lõi của cơ cấu tổ chức yakuza là oyabun – kobun. Khi bước vào thế giới yakuza, người tham gia phải chấp nhận mối quan hệ này. 

Oyabun là vai trò người cha, kobun là vai trò người con. Kobun phải toàn tâm trung thành và phục tùng mệnh lệnh của oyabun. Còn oyabun giống như người cha có trách nhiệm bảo vệ và chỉ dạy cho con của mình.

Ảnh: esdaw.eu

3. Tổ chức yakuza lớn nhất Nhật Bản

Yamaguchi-gumi (山口組) là tổ chức yakuza hùng mạnh nhất tại Nhật, điển hình cho văn hoá yakuza.

Được thành lập năm 1915, Yamaguchi-gumi thu nạp gần 20.000 thành viên chính thức và 15.000 thành viên phi chính thức, tự xưng là băng đảng theo chủ nghĩa nhân đạo, tham gia giữ trật tự xã hội. Họ còn có văn phòng, logo, danh thiếp và cho ra nhiều tạp chí viết về băng đảng mình.

Ảnh: The Wall Street Journal

4. Vì sao hình xăm lại gắn liền với yakuza như một “thương hiệu”?

Điểm đặc biệt nhất của yakuza mà người khác dễ dàng nhận biết chính là hình xăm (irezumi). Hình xăm chính là biểu tượng của yakuza, cho đến tận hôm nay nhiều người Nhật vẫn quan niệm rằng những người mang hình xăm đều có thể là yakuza.

Xuất phát từ cách nghĩ này, các nơi công cộng ở Nhật như nhà tắm công cộng, hồ bơi, onsen thường không chấp nhận những vị khách có hình xăm để tránh gây sợ hãi cho người khác. Tuy nhiên về sau quy định này dần được nới lỏng hơn, chỉ cần tìm cách che hình xăm thì sẽ được vào.

Ảnh: Anton Kusters

Đối với yakuza, hình xăm là một cách để họ khẳng định chính mình, cũng là một sự công nhận thành viên của tổ chức, thể hiện một sự cam kết chứ không phải khoe khoang sự giàu có của họ. Hình xăm mà yakuza mang trên mình những hình xăm cỡ đại với nhiều hoạ tiết và màu sắc, yêu cầu tay nghề cao của thợ vì đây là hình xăm bằng tay mang tính phức tạp không giống với hình xăm thông thường.

Ảnh: Anton Kusters

Những hình xăm tuy ai nhìn cũng ghê sợ thực chất lại mang ý nghĩa quan trọng với yakuza: thể hiện bản lĩnh chịu đau trên khắp da thịt, cũng là lòng dũng cảm, sự trung thành, thịnh vượng, giàu có của người sở hữu (hình xăm ở Nhật thường rất đắt).

5. Sự ra đời và quá khứ của yakuza

Yakuza đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử Nhật Bản. Hiện nay chưa có những thông tin chính xác về sự ra đời của yakuza nhưng theo giả thuyết hợp lý nhất thì yakuza ngày nay là hậu duệ của những samurai biến chất.

Ảnh: allthatsinterestings.com

Dưới thời Mạc phủ Tokugawa (khoảng thế kỷ XVI, XVII), Nhật Bản đã thống nhất, giới samurai không còn được trọng dụng, một bộ phận lớn mất đi kế sinh nhai, phải lang thang kiếm sống qua ngày. Trong đó có những samurai dần biến chất, mất đi tinh thần võ sĩ đạo cao quý, trở thành những binh sĩ hắc ám sử dụng lưỡi gươm của mình để kiếm tiền bất chính.

Những samurai biến chất hợp lại thành các đội quân chuyên cướp phá hoặc trở thành tay sai đắc lực cho bọn cai trị tàn ác, chuyên dùng vũ lực để uy hiếp, gieo rắc nỗi sợ cho bá tánh. Vì lẽ đó, giới học giả Nhật Bản cho rằng samurai biến chất chính là lực lượng tiền thân của tổ chức yakuza sau này.

Ảnh: allthatsinterestings.com

6. Thời kỳ suy tàn của yakuza

Thời đại thay đổi, yakuza mất dần chỗ đứng trong xã hội, Do tình trạng già hoá dân số và luật pháp thắt chặt và những cuộc đàn áp từ cảnh sát, hơn một nửa thành viên của các tổ chức yakuza hiện nay đều trên 50 tuổi, 10% trên 70 tuổi. Các băng đảng Nhật Bản phải vật lộn để tuyển thêm thành viên.

Ảnh: scmp.com

Luật pháp khắt khe hơn khiến cuộc sống yakuza ngày càng kém hấp dẫn: yakuza bị cấm mở tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, rút hợp đồng bảo hiểm, thậm chí là ký giấy tờ mua điện thoại di động; bản án dài hơn, đến chung thân vì giết người, v.v.. Tất cả làm cho phần thưởng cho lòng dũng cảm và trung thành không còn đảm bảo, nếu vào tù cuộc đời của thành viên yakuza xem như chấm hết.

Ảnh: straitstimes.com

Gia nhập băng đảng phạm tội không tránh khỏi phải tham gia các tệ nạn. Điều này gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tinh thần và vật chất sau khi về hưu của các yakuza. Vì điều đó mà về sau các thế hệ kế thừa không còn mặn mà với tổ chức nữa.

Trong bối cảnh thời đại mới, yakuza không còn giữ được vị trí vốn có của mình vì không còn phù hợp nữa. Dù vậy trong mắt của người Nhật và trên toàn thế giới, yakuza vẫn là một hình ảnh đáng sợ của Nhật Bản. Hãy đón đọc số tiếp theo để biết thêm những điều thú vị về yakuza nhé!