Bí quyết và mấu chốt giúp nâng cao kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh

Kỹ năng giao tiếp là một kỹ năng không thể thiếu đối với các vị trí phải tiếp xúc với khách hàng, chẳng hạn như là nghề sale.

Bên cạnh đó, khả năng nói rất quan trọng trong việc giữ cho cuộc hội thoại được trôi chảy. Dù không làm trong lĩnh vực bán hàng, cũng chẳng mất mát gì nếu bạn trau dồi kỹ năng nói và hội thoại như là một chất bôi trơn để xây dựng mối quan hệ tốt với sếp, tiền bối và đồng nghiệp trong công ty v.v…

Dưới đây là một số mẹo để cải thiện kỹ năng giao tiếp, giúp thu hút người khác trong kinh doanh.

Nâng cao kỹ năng giao tiếp: 5 điểm cần chú ý

1. Đầu tiên, hãy lắng nghe

Suy nghĩ quá nhiều về việc muốn nói giỏi, liệu bạn có đang để tâm đến mỗi bản thân mình? Đầu tiên, hãy đứng ở vị trí của đối phương, ưu tiên nắm bắt họ muốn điều gì và muốn truyền đạt điều gì. Hãy nhớ rằng, những gì bạn nói chỉ là thứ yếu. Trong chừng mực nào đó, thể hiện sự đồng tình của bạn với đối phương cũng rất quan trọng đấy!

2. Nói vào vấn đề chính

Nội dung cuộc hội thoại khác nhau tùy theo từng trường hợp, nhưng về cơ bản, tốt hơn hết là nên truyền đạt kết luận và ý chính trước. Trong nhiều trường hợp, khi cuộc trò chuyện còn mới mẻ và hấp dẫn, việc bạn đưa ra kết luận trước sẽ giúp duy trì hứng thú của người nghe đến cuối.

3. Tránh các câu hỏi mà câu trả lời kết thúc bằng “CÓ" hoặc “KHÔNG"

Các câu hỏi đóng vai trò chính trong việc mở rộng cuộc hội thoại. Nếu nội dung của câu hỏi chỉ ngắn gọn dừng lại ở “có" hoặc “không", thì ngược lại sẽ làm mất đi hứng thú.

Ví dụ như khi nói về xuất thân, nếu hỏi: “Quê bạn ở đâu?" thì sẽ kết thúc bằng “Kyoto". Còn khi bạn hỏi: “Bạn vẫn luôn sống ở Kyoto à?", thì sẽ là “Thực ra tôi học đại học ở Tokyo, đến Kyoto để tìm việc… “. Bằng cách này, cuộc hội thoại sẽ được mở rộng.

4. Thể hiện thái độ “lắng nghe" bằng cả nét mặt và cử chỉ

Không nhất thiết lúc nào cũng phải thể hiện điều này một cách thiếu tự nhiên, nhưng hãy cẩn thận để đừng tỏ ra buồn chán. Vào những thời điểm quan trọng, phản ứng như nghiêng mình về phía trước sẽ là thích hợp.

5. Đừng dùng cách nói tiêu cực

Tốt hơn hết là kiềm chế lời nói và biểu hiện bi quan của bản thân. Dù cho một việc rất khó khăn, nếu bạn nói “Tôi sẽ cố gắng hết mức có thể" so với “Tôi không thể" thì hẳn sẽ có sức hút hơn đấy.

Phát triển cuộc hội thoại từ những câu chuyện thường ngày

Chỉ nói về mỗi công việc, cuộc trò chuyện sẽ trở nên nhàm chán. Trong nhiều trường hợp, một câu chuyện không liên quan đến công việc hay một chuyện phiếm sẽ giúp bạn dễ dàng bắt chuyện đấy. Cũng có khi bạn cần nói chuyện với người thuộc thế hệ khác. Vì vậy, nên thường xuyên đọc sách báo và cố gắng thu thập nhiều tư liệu. Nếu bạn đọc một cuốn sách, hãy thử đọc thành tiếng. Đó cũng có thể là một cách để bạn luyện nói.

Ngoài ra, hãy kết hợp con số và dữ liệu khi nói chuyện để nâng cao sức thuyết phục. Hãy nhớ, rút ngắn câu, và truyền đạt dễ hiểu.

Bề ngoài cũng quan trọng, bắt đầu với việc luyện tập cười

Trước khi bạn nói điều gì, để tránh khỏi những định kiến thì điều tiên quyết là phải chú ý đến bề ngoài của bản thân. Và trên hết, khi nói chuyện, bạn có cố cười nhưng khuôn mặt lại trở nên nhăn nhó không? Đầu tiên hãy thực hành mỉm cười. Nếu bạn có thể tạo ra một nụ cười tự nhiên không giả tạo, bạn sẽ tự tin hơn khi nói chuyện đấy!