Tìm hiểu chức danh công việc và cấp bậc trong tổ chức công ty

Khi bạn nhận danh thiếp từ đối tác kinh doanh hoặc khách hàng thì chức danh và vị trí công việc của họ sẽ được viết trên đó. Ngay cả khi bạn có thể hiểu được phần nào thứ tự xếp hạng của những vị trí như trưởng nhóm (課長 – kachou), trưởng phòng (部長 – buchou) v.v… nhưng bạn có hiểu chính xác các vị trí đó trong cơ cấu tổ chức công ty không?

Nếu bạn không nắm rõ chức danh, vị trí và thứ tự cấp bậc, điều đó có thể khiến bạn trở nên thô lỗ hoặc vi phạm quy tắc ứng xử. Lần này, tôi sẽ giải thích về việc thứ bậc và vị trí các chức danh công việc trong cơ cấu tổ chức công ty.

Ý nghĩa và thứ bậc của chức danh công việc

Những vị trí đảm nhận những vai trò và nhiệm vụ nhất định trong công ty được gọi là “chức danh công việc" (役職 – yakushoku), đơn cử như giám đốc (社長), trưởng phòng (部長) và trưởng nhóm (課長). “Vị trí" (肩書 – katagaki) cũng thường được sử dụng với cùng ý nghĩa.

Dưới đây, tôi sẽ giới thiệu tổng quát các chức danh trong công ty Nhật Bản.

会長 – Kaichou (Chủ tịch Hội đồng quản trị)

“Chủ tịch Hội đồng quản trị" thường được đặt như một vị trí danh dự sau khi giám đốc nghỉ hưu. Tuy nhiên, có rất nhiều chủ tịch đưa ra chỉ thị cho hoạt động của công ty với tư cách là cố vấn.

社長 – Shachou (Giám đốc)

Người đứng đầu và chịu trách nhiệm về công ty. Là giám đốc, và trong hầu hết các trường hợp, họ có thẩm quyền về mặt pháp lý.

副社長 – Fukushachou (Phó giám đốc/ phó chủ tịch)

Hỗ trợ cho giám đốc. Họ thường được bầu bởi hội đồng quản trị và có quyền hạn giống với giám đốc.

専務 – Senmu (Giám đốc điều hành)

Giám đốc điều hành giống như phó chủ tịch, có nhiệm vụ hỗ trợ giám đốc. Đặc biệt, họ sẽ nắm bắt toàn bộ hoạt động kinh doanh và hỗ trợ quản lý.

常務 – Joumu (Thường vụ)

Giống như giám đốc điều hành, thường vụ cũng hỗ trợ giám đốc, nhưng vai trò của thường vụ là nắm bắt và sắp xếp các vấn đề chi tiết hàng ngày trong công ty.

本部長 – Honbuchou (Trưởng phòng cấp cao)

Chịu trách nhiệm và quản lý từng bộ phận kinh doanh như trụ sở bán hàng, trụ sở sản xuất, trụ sở dịch vụ.

支店長/支社長 – Shitenchou/ Shishachou (Trưởng cửa hàng/ Giám đốc chi nhánh)

Người phụ trách cửa hàng, văn phòng chi nhánh của công ty. Trong trường hợp nhà máy thì là giám đốc nhà máy.

部長 – Buchou (Trưởng phòng)

Người có trách nhiệm lãnh đạo trong từng bộ phận. Trong nhiều trường hợp, các bộ phận và nhóm được đặt trong các tổ chức cấp dưới, và họ đóng vai trò gắn kết chúng với nhau.

次長 – Jichou (Phó bộ phận)

Trợ lý cho trưởng phòng.

課長 – Kachou (Trưởng nhóm)

Người đứng đầu phòng ban (課 – ka) trong công ty. Đây được gọi là vị trí quản lý cấp trung. Trong nhiều trường hợp, kachou sẽ lãnh đạo một nhóm gồm nhiều quản lý (係 – kakari).

係長 – Kakarichou (Quản lý)

Quản lý một nhóm gồm nhiều người. Đôi khi được gọi là chủ nhiệm (主任 – shunin).

一般社員 – Ippanshain (Nhân viên)

Vị trí nhân viên chung. Không được trao thẩm quyền.

Ngoài ra, có thể công ty cũng có chức danh riêng, hoặc cấp bậc có thể thay đổi tùy theo tổ chức. Bạn nên xác nhận lại chức danh và vị trí của công ty mình. Ngoài ra, tên và cấp bậc của các cơ quan công quyền như viên chức chính phủ và địa phương là khác nhau.

役員 (Yakuin) là gì? Giám đốc (Shachou) và giám đốc điều hành (Torishimariyaku) có khác nhau?

Các chức vụ như shachou là vị trí đứng đầu về trách nhiệm. Mặt khác, giám đốc điều hành (Torishimariyaku) là một yakuin được chỉ định dựa trên các quy tắc của Luật công ty. Nói chung, những chức danh bên dưới đây được quy định là “役員 (yakuin) – giám đốc điều hành" trong Luật công ty, họ có quyền quyết định hoạt động của công ty cùng các vấn đề quan trọng, và có quyền hạn làm như vậy.

取締役 – Torishimariyaku (Giám đốc điều hành)

Người chịu trách nhiệm quản lý công ty và do hội đồng quản trị lựa chọn. Không giới hạn ở một người, và shachou không phải lúc nào cũng đảm nhiệm vị trí này. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp thì đây chính là shachou.

会計参与 – Kaikeisan’yo (Cố vấn kế toán)

Chuẩn bị báo cáo tài chính với sự hợp tác của các giám đốc điều hành. Chỉ có kế toán có chứng chỉ hành nghề, công ty kiểm toán, kế toán thuế hoặc công ty kế toán thuế mới có thể đảm nhận.

監査役 – Kansayaku (Kiểm toán viên)

Giữ vai trò kiểm toán việc thực hiện nhiệm vụ của giám đốc và cố vấn kế toán (kiểm tra việc tuân thủ các quy tắc và gian lận).

Ngoài ra, các cán bộ điều hành mà chúng ta thường nghe ngày nay không phải là các cán bộ được quy định bởi Luật công ty ở trên. Họ chỉ là một trong những nhân viên được chỉ định đảm nhiệm vị trí giám sát, quản lý tổ chức kinh doanh. Hãy cẩn thận để không bị nhầm lẫn.

Cấp bậc các vị trí ở công ty liên doanh nước ngoài

Đặc điểm của các công ty liên doanh với nước ngoài là chức danh công việc của họ không được xác định chặt chẽ so với các công ty Nhật Bản và chức danh thường khác nhau tùy theo công ty. Tuy nhiên, bạn cũng nên biết sơ bộ. Tôi sẽ giới thiệu ngắn gọn tên các vị trí chung.

CEO (Giám đốc điều hành)

Xuất phát từ chữ viết tắt của Chief Executive Officer và có nghĩa là người chịu trách nhiệm quản lý cao nhất.

COO (Giám đốc vận hành)

Chief Operating Officer. Chịu trách nhiệm thực thi các quyết định của CEO trong công việc kinh doanh.

CFO (Giám đốc tài chính)

Chief Financial Officer chịu trách nhiệm cao nhất trong việc lên chiến lược tài chính. Phụ trách từng bộ phận khác nhau có CMO (Chief Marketing Officer – Giám đốc marketing), CLO (Chief Legal Officer – Giám đốc pháp lý), CIO (Chief Information Officer – Giám đốc công nghệ thông tin).

Director (Giám đốc)

Giám đốc bộ phận. Giám đốc trụ sở chính.

Manager (Quản lý)

Giống buchou hay shachou, là người đứng đầu về quản lý.

Hãy ghi nhớ chức danh công việc và cấp bậc tổ chức công ty

Có rất nhiều vị trí trong tổ chức và mỗi vị trí đều đa dạng. Tùy thuộc vào loại hình kinh doanh và nội dung kinh doanh, các vị trí đặc biệt có thể được thêm vào hoặc thứ tự có thể khác nhau.

Đối với một doanh nhân, hiểu nội dung, quyền hạn và cấp bậc là điều đương nhiên, và nó cũng giúp cải thiện kỹ năng của bản thân người đó nữa. Bạn cũng hãy cố gắng để có thể nắm bắt được những nội dung cơ bản này nhé!