Mối quan hệ trong công ty Nhật Bản

Tối qua tôi có việc riêng nên phải ra ngoài 1 chút thì thấy bên ngoài gió thổi rất dữ dội. Ở Nhật, những con gió mạnh thổi vào mùa Xuân thế này được gọi là “Haru Ichiban” (Cơn gió đầu Xuân). Ngoài ra, còn có 1 cụm từ khác để chỉ thời tiết ở Nhật vào khoảng thời gian này, đó là “Tam hàn Tứ ôn” (tạm dịch: 3 lạnh 4 ấm). Từ này để chỉ kiểu thời tiết với 3 ngày lạnh kéo dài, theo sau sẽ là 4 ngày liên tục với thời tiết ấm áp, khí trời cũng thay đổi để bắt đầu vào Xuân. Mà đúng là dạo này tôi thấy thời tiết cũng bắt đầu vào Xuân rồi đấy.

Mùa Xuân đang về, mang theo cả nỗi sợ dị ứng phấn hoa, tháng 3 đã tới với tôi như vậy đấy. Xin chào mọi người, tôi là AY đây.

Công ty mà hiện tại tôi đang làm việc là công ty chủ yếu chuyên cung cấp các tool dùng để training, các kế hoạch giảng dạy, đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Vào khoảng tháng 4, các doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản sẽ tiến hành tuyển dụng hàng loạt các sinh viên mới ra trường, sau đó sẽ đào tạo họ trong vài năm để họ có thể trở thành những nhân viên cấp trung. Tuy nhiệm vụ quan trọng của “bộ phận Nhân sự” là tuyển dụng nhân viên mới, phỏng vấn, kiểm tra năng lực đến việc đào tạo sau tuyển dụng và sắp xếp vị trí phù hợp, nhưng công ty mà tôi đang làm việc cũng sẽ hỗ trợ ít nhiều trong những vấn đề liên quan đến nhân sự của các doanh nghiệp lớn này.

Ở các doanh nghiệp tại Nhật, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp lớn, người ta vẫn thường hay nhắc đến 2 điểm đặc trưng đã có từ ngày xưa, đó là “Chế độ Tuyển dụng suốt đời” và “Doanh nghiệp Văn hóa Gia đình”. Tuy nhiên hiện nay, người ta lại nói rằng “chế độ tuyển dụng suốt đời” này đang dần sụp đổ. Lý do là vì để tạo được “chế độ tuyển dụng suốt đời” này thì doanh nghiệp đó phải phát triển và mở rộng được quy mô.

Vì về cơ bản, để lương nhận được của một người có thể tăng tỷ lệ thuận với số tuổi mỗi năm của họ, thì năng suất lao động của họ cũng buộc phải tăng đều cùng với số tuổi của mình. Nhưng thực tế, những công việc mà chúng ta biết đều rất khó để người lao động có thể tăng năng suất lao động khi tuổi của họ đang ngày một lớn. Hơn nữa, khi một doanh nghiệp ngày càng mở rộng, tất nhiên các chi phí như phí quản lý cũng sẽ ngày một tăng, nên nếu thời đại hiện nay mà có một thị trường tăng trưởng không mấy mạnh mẽ như giai đoạn “Kinh tế phát triển thần kỳ” thì chế độ này rất khó để trụ vững (giai đoạn “Kinh tế phát triển thần kỳ”: là giai đoạn từ năm 1955~1973 khi mà Nhật Bản có sự tăng trưởng kinh tế nhanh đến mức kỳ diệu). Vì lẽ đó mà hiện nay, số hợp đồng tuyển dụng không thường xuyên, số người lao động trong điều kiện kém hơn nhân viên chính thức trong 1 khoảng thời gian giới hạn, hay số người nhảy việc đang ngày càng tăng dần.

Cũng nhờ “Chế độ Tuyển dụng suốt đời” này, mà người ta thường có xu hướng xem những người gia nhập công ty trước mình như cấp trên hay các bậc tiền bối của mình, tất cả mọi người sẽ cùng “già đi” với nhau như một gia đình, cộng thêm việc cuộc sống của mỗi người cũng sẽ gắn liền với nhau, những lợi nhuận ngắn hạn hay việc trải qua những cuộc cạnh tranh giữa các nhân viên với nhau, khiến người ta dần nảy sinh tình cảm và lòng trung thành đối với công ty mà mình đang làm. Từ những tình cảm này mà đạo đức cao trong nghề nghiệp cũng như lòng tôn trọng đối với những luật lệ trong công ty cũng sẽ dần được ươm mầm trong lòng người lao động, tạo ra một sự thúc đẩy khiến đất nước Nhật Bản phát triển.

Đối với công ty mà tôi hiện đang làm, phải mất đến 3 năm để đào tạo một sinh viên mới ra trường. Sau khi gia nhập công ty vào tháng 4, những sinh viên này sẽ được đào tạo trong một khoảng thời gian từ vài tuần đến vài tháng, sau đó sẽ được sắp xếp đến các chi nhánh khác của công ty trên toàn quốc. Từ đó, họ sẽ trưởng thành thông qua việc vừa làm công việc của mình, vừa được học hỏi, huấn luyện từ các bậc tiền bối đi trước của mình, giai đoạn này được gọi là OJT (viết tắt của từ tiếng Anh “On the Job Training”). Và cũng trong khoảng thời gian này, toàn bộ nhân viên sẽ được tập trung lại và trải qua một đợt huấn luyện tập thể trong vài ngày, những đợt huấn luyện này được tổ chức 1~2 lần trong 1 năm. Mục đích của đợt tập huấn này là để nhân viên hiểu rõ hơn về phương châm của công ty, trao đổi thông tin giữa các chi nhánh và tăng cường tính đoàn kết.

Thông thường, những nhân viên được tuyển dụng từ khi mới ra trường, sau 1 khoảng thời gian nhất định sẽ được thuyên chuyển đến chi nhánh khác, hoặc sẽ được làm việc ở bộ phận quản lý của trụ sở chính để tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân. Đối với những doanh nghiệp này, thời gian để họ huấn luyện nhân viên mới theo hình thức đào tào tập thể chính là 3 năm đầu tiên. Sau 3 năm đó, những nhân viên này sẽ tự xác định mục tiêu nghề nghiệp của bản thân, để từ đó quyết định xem mình sẽ tiếp tục thăng tiến qua những lần kiểm tra của công ty, hay sẽ lựa chọn con đường làm việc tại các chi nhánh ở địa phương cho đến khi về hưu, hoặc thậm chí là từ bỏ để xin việc ở 1 công ty khác.

Ở các doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay, chúng ta có thể bắt gặp ngày càng nhiều những thực tập sinh Việt Nam. Khi đó, chắc chắn các bạn trẻ này sẽ phải đối mặt với việc làm thế nào để xây dựng mối quan hệ với những cấp trên người Nhật của mình.

Doanh nghiệp Nhật Bản, khi so sánh với các doanh nghiệp phương Tây, thì thường sẽ có khá nhiều tổ chức đặt nặng mối quan hệ phân tầng như vậy. Ví dụ, cấp trên trong công ty Nhật Bản cho dù đã về hưu đi chăng nữa, họ vẫn luôn được đối xử như một cấp trên, và có thể vẫn luôn được rủ đi ăn uống chung với mọi người, hoặc còn có thể giới thiệu đối tượng kết hôn cho cấp dưới của mình, hay những buổi gặp mặt mang tính cá nhân.

Điểm này ở các công ty phương Tây lại hoàn toàn khác, một khi đã rời khỏi công ty thì hoặc là “It is out of business.“, họ sẽ chẳng còn liên hệ gì đến công việc nơi đây nữa, hoặc “It is your business” – đó là chuyện của người khác, không còn là của họ nữa. Vấn đề này tôi cũng đã đề cập đến ở phần đầu, “Doanh nghiệp Văn hóa Gia đình”. Mối quan hệ có được giữa các nhân viên với nhau được xây dựng như một gia đình, nhờ vậy mà mối quan hệ cấp trên cấp dưới cũng trở nên gần gũi như quan hệ giữa bố mẹ con cái hay giữa anh chị em trong nhà với nhau. Vì vậy mà sinh ra điểm khác biệt rõ ràng đến vậy.

Đối với những bạn có thể trong tương lai sẽ đến Nhật Bản làm việc, mong rằng các bạn hiểu được đặc điểm này của các công ty Nhật, và sẽ có 1 cuộc sống thực tập tràn đầy ý nghĩa.