Giai đoạn giữa của thời kỳ ăn dặm (giai đoạn nhai trệu trạo) – Cần lưu ý gì?

Hôm nay tôi sẽ kể với các bạn tình hình của con trai tôi lúc bảy tháng tuổi qua nhật ký nuôi dạy con của tôi.

Hai tháng đã trôi qua kể từ khi tôi bắt đầu cho con ăn dặm. Con đã dần quen với các loại đồ ăn thức uống ngoài sữa mẹ và khua khoắng tay chân tỏ ra vui mừng khi nhìn thấy thìa ăn cùng chén bát.

Con bú mẹ vào lúc 8 giờ và 10 giờ sáng. Lúc đó là vào tháng bảy, trời nóng bức. Vì thế tôi bù nước cho con vào khoảng 11 giờ bằng cách cho con uống 35cc nước táo ép cho em bé hòa tan trong nước.

Sau đó, con bú mẹ lúc 13 giờ, 14 giờ và 17 giờ. Vào khoảng 19 giờ khi bố đã về nhà, con ăn bữa tối với 4 món là cà chua ép và pha loãng với nước nóng, bí ngô nghiền nêm vị nhạt với hạt nêm dành cho trẻ em, cháo được làm bằng cách cho phần ruột trắng bánh mì vào sữa bột đã tan trong nước nóng và trà xanh pha loãng.

Nhật ký còn ghi con đã bú mẹ lúc 20 giờ hay 21 giờ mà có những ngày còn thức giấc lúc 2 giờ, hay 3 hoặc 4 giờ đêm nên tôi cũng cho con bú.

Ở Nhật Bản, giai đoạn 7- 8 tháng tuổi được gọi là “giai đoạn giữa của việc ăn dặm (thời kỳ mogumogu )" (mogumogu nghĩa là “nhai trệu trạo"). Đây là thời kỳ chuyển dần từ thức ăn lỏng có độ sánh sang thức ăn mềm và có dạng hạt. Đối với con trai tôi, sữa mẹ và sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chính trong giai đoạn giữa của việc ăn dặm.

Các cuốn sách nuôi dạy trẻ thường ghi “nếu là rau hay trái cây thì tổng cộng 20~30g (khoảng 1-2 muỗng lớn)" như liều lượng chuẩn cho một bữa ăn. Nhưng việc cân đong đo đếm từng chút rất phiền nên tôi cho con ăn một lượng đại khái thôi. Tôi chuẩn bị thức ăn đủ để con ăn hết trong 10 muỗng chuyên dùng cho việc ăn dặm.

Ngay cả khi con không ăn, hoặc nếu con muốn ăn nhiều hơn, tôi vẫn cho con bú như hồi trước khi cho con ăn dặm, vì vậy việc ăn dặm có ra sao thì cũng không sao cả. Đã không có sự bất thường nào trong việc tăng trưởng chiều cao, cân nặng và trong tâm trạng của con. Nên có thể nói giai đoạn giữa của việc ăn dặm đã trôi qua êm ả.

Tuy nhiên, là người lần đầu nuôi con, đối với việc nuôi con nói chung, tâm lý “Không được thất bại!" trong tôi khá mạnh mẽ. Cứ có thời gian là tôi đọc sách chăm sóc trẻ em và nghiên cứu (?) ngày đêm. Đã 10 năm kể từ ngày đó. Giờ con trai tôi thích ăn uống và chẳng ghét món nào cả. Tôi thầm nghĩ “Thật ra hồi đó cũng không cần phải cố gắng nhiều đến thế đâu ấy nhỉ… “.

À mà trong sách nuôi con viết là kể cả trong giai đoạn giữa thì “vẫn chưa cần thêm gia vị". Tôi đã khá nghi ngờ về điều này và nghĩ rằng “Mỗi người có cách cảm nhận hương vị khác nhau, mà em bé thì còn chưa biết nói nữa cơ (chúng đâu thể cho chúng ta biết chúng nghĩ gì về thức ăn dặm). Thế thì sao lại có thể phỏng đoán rằng “Em bé cảm nhận được vị ngon vốn có của các nguyên liệu"?".

Tất nhiên, tôi chấp nhận rằng hương vị quá mạnh dựa trên khẩu vị của tôi sẽ là gánh nặng cho hệ tiêu hóa non nớt của em bé.

Ở Nhật Bản có bán hạt nêm và nước lèo dashi hương vị Nhật Bản dành cho trẻ từ khoảng 5 tháng tuổi. Tôi pha loãng và trộn chúng với các nguyên liệu thức ăn khác. Đó là cách tôi cố gắng cho con ăn “thức ăn dặm có vị dần giống với khẩu vị của người lớn" theo cách của tôi trong giai đoạn mogumogu.

Số bữa ăn tăng lên một ngày hai bữa. Đây là thời kỳ số loại thức ăn con ăn được cũng tăng lên và việc thử các món ăn mới cùng các hương vị mới cùng con cũng dần trở nên thú vị hơn.