Bí quyết dạy con thành người có tinh thần trách nhiệm

Thế nào là thiếu tinh thần trách nhiệm?

Ở chỗ tôi làm có những người làm phiền các đồng nghiệp khác do không có tinh thần trách nhiệm.

Bởi vì họ không hoàn thành hoặc làm trễ hạn công việc được giao nên những người khác cũng bị trễ tiến độ và phải chạy theo nhắc nhở hoài. Bạn có gặp ai giống vậy chưa?

Tôi cho rằng những người không có tinh thần trách nhiệm có năng lực tưởng tượng yếu hơn những người khác. Những người đó không thể mường tượng ra một cách hợp lý những tình huống hoặc cảm xúc của người khác. Ví dụ như: “Nếu mình trễ giờ hay trễ hạn, người khác sẽ phải chờ. Khi để cho người khác chờ có nghĩa là cướp đi thời gian của họ. Như vậy là làm phiền người ta. Mình sẽ cảm thấy khó chịu khi bị ai đó làm phiền thì người khác cũng sẽ thấy khó chịu nếu bị làm phiền". Chắc chúng ta ai cũng muốn nuôi dạy con mình thành người có trách nhiệm phải không nào?

Rèn luyện con có tinh thần trách nhiệm từ bé

Ở trường lớp

Để nâng cao ý thức trách nhiệm cho trẻ em, các trường mẫu giáo và nhà trẻ phân công vai trò “trực nhật" để các con có kinh nghiệm trong việc hoàn thành vai trò của mình. Lên tiểu học, các con được cho phụ trách những vai trò cần thiết trong cuộc sống một cách cụ thể hơn như là “phụ trách trông nom động thực vật", “phụ trách bảng thông báo", “phụ trách tắt mở điện". Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, người ta giao cho các con các vị trị lãnh đạo của lớp hoặc câu lạc bộ hoặc tạo ra những hoàn cảnh chỉ có con được phân công làm một việc nào đó thông qua các hoạt động của hội học sinh. Cứ như thế, các con đang cố gắng tích lũy kinh nghiệm hoàn thành các vai trò của mình một cách có ý thức ngay tại trường lớp theo từng giai đoạn phát triển.

Ở gia đình

Vậy khi ở nhà thì sẽ trẻ sẽ rèn luyện tinh thần trách nhiệm như thế nào? Phương pháp phổ biến nhất chính là nhờ con “giúp đỡ".

Khi còn nhỏ, con tôi được giao cho phụ giúp những việc đơn giản như “sắp xếp giày ở cửa ra vào" hay “đánh thức bố dậy". Bây giờ khi đã vào tiểu học rồi thì chúng tôi quy định những việc nhà như “gấp quần áo" hay “cọ rửa bồn tắm" là “việc của con cái".

Thuyết phục con theo cách nào?

Có hai điều tôi luôn ghi nhớ khi giao việc cho con.

Thứ nhất là thường xuyên nói với con rằng “Mẹ giao cho con" hay “Mẹ trông cậy vào con". Kể cả người lớn cũng thấy hạnh phúc khi nghĩ rằng “Bởi vì mình đáng tin nên mới được giao cho việc này" phải không nào? Trẻ em cũng thế đấy! À mà không, với một đứa trẻ có chưa có nhiều kinh nghiệm được tin tưởng thì chắc phải hạnh phúc gấp mấy lần như vậy. Cảm xúc hạnh phúc liên quan trực tiếp đến động lực, vì vậy đừng e ngại nó với con rằng “Mẹ đang trông cậy vào con đấy!".

Thứ hai là luôn luôn nói “Cảm ơn" sau khi con đã hoàn thành phần việc của mình. Thành viên trong gia đình thì tất nhiên phải làm việc nhà. Nhưng “hành động không chỉ cho bản thân mình mà còn vì ai khác" là điều đáng được trân trọng. Hãy bày tỏ sự trân trọng đó bằng cách nói “Cảm ơn". Con sẽ không chỉ biết được niềm vui vì hoàn thành công việc mà còn có thêm niềm vui là được bố mẹ trân trọng.

Thế thì phải làm sao nếu con không chịu giúp đỡ? Trước hết tôi nói cho con biết cảm xúc của mình “Làm sao đây?", “Con mà giúp mẹ thì mẹ vui lắm đấy". Nói vậy rồi mà con vẫn không làm thì tôi cho con biết những hậu quả tiêu cực của hành vi vô trách nhiệm, chẳng hạn như “Người khác sẽ gặp rắc rối nếu con không làm xong phần việc của mình". Nếu con vẫn không làm thì tôi cứ việc la con một cách ngắn gọn “Con làm đi!". Hoặc cũng có thể việc tôi nhờ con giúp hiện tại vẫn chưa phù hợp với con nên tôi sẽ xem xét lại “phần việc" đó.

Lời kết

Việc nhờ con làm những việc khó một chút, phiền phức một chút và cứ tiếp tục giao việc cho con sẽ làm tăng ý thức trách nhiệm của con. Sức mạnh của sự tích lũy hàng ngày là rất lớn. Hãy khuyến khích để con trở thành một người trưởng thành được mọi người yêu mến, bạn nhé!