Bố mẹ cùng con vượt qua “bức tường năm 9 tuổi”!
Khi những đứa trẻ đã đi qua giai đoạn tiểu học, nỗi phiền muộn của những người mẹ càng lớn hơn. Người ta gọi nó là “bức tường năm 9 tuổi". Ở các nước khác người ta còn gọi nó là “Gang age", đồng nghĩa khoảng tuổi từ 8 ~ 10 là độ tuổi khẳng định bản thân. Con của tôi năm nay cũng lên 9 (lớp 4), nên những lần không nghe lời khuyên bảo của bố mẹ hay hành động chỉ theo ý mình để rồi thất bại ngày một nhiều thêm. Nhưng bên cạnh sự bất lực và khổ sở của một người mẹ, thì tôi cũng thường hay thầm vui mừng rằng “Tốt rồi, con mình đang phát triển tốt đây".
Trẻ con trước 7 tuổi sẽ nhận thức, đánh giá, hành động như những gì chúng thấy. Điều đó dần dần sẽ trở thành tư duy trừu tượng và tư duy logic của chúng. Ngoài ra, những đứa trẻ sẽ bắt đầu bước ra khỏi thế giới mà bản thân đang là trung tâm để nhận thức được mối quan hệ giữa “bản thân và người khác".
Ngay cả trong học tập, trái với khoảng những năm đầu tiểu học, khi bọn trẻ được khuyến khích bắt chước và học hỏi theo lời thầy cô hoặc bố mẹ nói, thì những năm trung học trở đi, đứa trẻ được dạy cách kết hợp những nội dung đã học và phát triển chúng, cũng như được đòi hỏi khả năng tìm ra câu trả lời.
Ví dụ như trong tiết “Ngữ văn", thông qua việc học về các câu chuyện, học sinh sẽ suy nghĩ về tính cách nhân vật cũng như ý nghĩa các hành động. Thông qua việc cùng phát biểu về suy nghĩ của mình trong buổi học, các học sinh sẽ nhận ra sự khác nhau giữa ý kiến của mình và các bạn. Thêm vào đó, nhiều học sinh sẽ có những suy nghĩ thông minh rằng “Chắt lọc những ý kiến khác, đồng thời ngẫm lại ý kiến của mình". Trong môn “Đại số", những câu chữ của đề bài trở nên khó nhằn, học sinh sẽ phải đọc hiểu “dữ liệu (số liệu) đã biết là gì", “nội dung (số liệu) yêu cầu là gì" và tính toán. Kĩ năng vẽ hình phù hợp với yêu cầu, nói cách khác là trực quan hóa để giải quyết vấn đề, chính là khả năng không thể thiếu khi trưởng thành và đi làm. Ngay cả trong môn “khoa học tự nhiên" hay “xã hội" thì cũng có nhiều tình huống đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ lý do theo cách riêng của mình.
Những người làm bố mẹ chúng ta nên đặc biệt chú ý và theo dõi tình hình học của các con theo từng giai đoạn phát triển. Thêm vào đó đừng nên áp đặt suy nghĩ của bản thân, mà từ cách nói như “Mẹ nghĩ vậy đấy" hay “Theo ý kiến của bố là như vậy" nhằm giúp con nghĩ đó chỉ như một ý kiến để tham khảo, có lẽ chính là sự hỗ trợ tốt với những đứa trẻ.
Một điều cần phải lưu ý, chính vì đây là độ tuổi nhận thức nhạy cảm về “bản thân và người khác", nên có những trường hợp đứa trẻ bị những suy nghĩ như “cậu bé kia thông minh hơn mình" khiến cho bản thân trẻ trở nên tự ti hơn. Không thể đánh giá “sự thông minh" chỉ từ phương diện “điểm số bài kiểm tra" được, nhưng dù gì thì chúng vẫn chỉ là trẻ con nên sẽ dễ có xu hướng nghĩ rằng “đứa trẻ đạt được 100 điểm là đứa trẻ thông minh".
Tất nhiên, việc hướng tới điểm số cao để nỗ lực là rất quan trọng. Thế nhưng cũng có trường hợp do quá ám ảnh về điểm số mà đánh mất “điều cốt lõi của việc học". Chính thời điểm đó, vai trò của bố mẹ rất quan trọng. Bằng việc giúp con tìm thấy “những điểm tốt" mà con không nhận ra, như “Con đã có thể có ý kiến của mình", hay “Đáp án của con tuy sai nhưng cách tính thì đúng rồi" v.v… đứa trẻ sẽ có thêm tự tin, mà mối quan hệ thân thiết giữa bố mẹ và con cũng trở nên sâu sắc.
Khi đã cùng con vượt qua “bức tường năm 9 tuổi" thì có lẽ điều tuyệt diệu đang chờ bạn ở phía trước chính là “quãng thời gian yên ả mà bạn có thể giao tiếp với trẻ như một người trưởng thành" đấy!