Đặc điểm nhà trẻ Nhật Bản – bạn sẽ chọn loại trường nào cho con?

Tình hình chung ở Nhật

Nơi mà những đứa trẻ có trải nghiệm xa bố mẹ lần đầu tiên đó chính là nhà trẻ. Mặc dù theo phân công vai trò từ ngày xưa được cho là “người cha ở ngoài làm việc, người mẹ đảm đương việc nhà và chăm con", nhưng hiện nay tại Nhật Bản người mẹ vẫn tập trung hơn vào việc chăm sóc con cái. Vì vậy thông thường, những gia đình có người mẹ làm việc toàn thời gian sẽ chọn “Trường bảo mẫu (Hoikuen)", còn những gia đình mà người mẹ chỉ ở nhà lo bếp núc hoặc làm bán thời gian thì sẽ chọn “Trường mẫu giáo (Yochien)".

Khác với Việt Nam, nhiều gia đình ở Nhật không nhận được sự hỗ trợ từ ông bà sẽ chọn những phương pháp phù hợp với cuộc sống của họ.

Tiêu chí chọn lựa thường sẽ được dựa vào 3 yếu tố chính là phương tiện đi lại, học phí và nội dung giáo dục. Tôi đang sống tại nông thôn và những trường mẫu giáo tôi có thể cho con đi học có 1 trường công lập và 3 trường tư thục. Tại Tokyo có 192 trường (chiếm khoảng 20%) là mẫu giáo công lập, 850 trường còn lại (chiếm khoảng 80%) là trường tư thục, thế nhưng tại các vùng khác thường thì tỉ lệ trường công lập sẽ cao hơn một chút, tỉ lệ so với trường tư thục sẽ vào khoảng 4:6 (năm 2012).

Đặc điểm các nhà trẻ tại Nhật

Trường mẫu giáo công lập

Trước hết, tôi đã tìm hiểu trường công lập. Nhiều gia đình chọn công lập vì phí chăm sóc trẻ thấp. Theo như phát biểu của Bộ Giáo dục, học phí và các chi phí phụ cho các trường mẫu giáo công lập thông thường ở Nhật Bản sẽ vào khoảng 86.000 yen cho một năm, trong khi đó chi phí cho trường tư thục sẽ tốn gấp 3 lần và lên đến 273.000 yen (năm 2016). Ngoài ra, cũng có ưu điểm là sau khi học xong mẫu giáo thường các gia đình sẽ cho con đến học tại các trường tiểu học công lập, nên bé cũng sẽ dễ làm quen môi trường mới là ngôi trường tiểu học hơn vì đã có sẵn những người bạn từng kết giao khi còn ở mẫu giáo.

Tuy nhiên, do trường công lập thuộc sự quản lý của Bộ Giáo dục, nên số trẻ em trong một lớp tối đa 35 em, trong khi đó chỉ có 1 giáo viên phụ trách. Vì vậy thế nào cũng sẽ phát sinh những vấn đề như giáo viên sẽ không thể bao quát được tất cả học sinh, hay khiến các em ít có cơ hội tiếp xúc với người lớn khác ngoài gia đình. Đặc biệt, con tôi lại là một đứa trẻ cần nhiều thời gian để có thể hoà đồng với tập thể, thế nên tôi đã chọn trường tư thục để giáo viên có thể để mắt và giúp đỡ cháu nhiều hơn.

Trường mẫu giáo tư thục

Những trường tôi có thể cho cháu đến học thì có ba loại: trường kiểu Công giáo kết hợp giáo dục Montessori, trường có điều hòa và trang thiết bị đầy đủ, và thứ ba là trường tập trung vào giáo dục thể chất. Nếu nhìn từ góc độ toàn quốc, các trường mẫu giáo tư thục đang thực hiện những hoạt động giáo dục mang lại nhiều dấu ấn đặc sắc, như mời giáo viên dạy vừa học vừa chơi bằng tiếng Anh, trồng rau và ăn tại các trang trại. Ngoài ra, trường tư thục sẽ có nhiều hoạt động và có nhiều cơ hội cho phụ huynh đến thăm trường mẫu giáo cũng như cảm nhận sự phát triển của con cái họ hơn.

Trường mẫu giáo tư thục

Thông qua các buổi tham quan và trải nghiệm tại trường, tôi đã quyết định chọn phương án thứ ba: trường tập trung vào giáo dục thể chất. Trường mẫu giáo này có khoảng 20 học sinh trong một lớp và các bé cũng dễ dàng vận động hơn, chẳng hạn như trong các hoạt động, các giáo viên lớp khác cũng cùng hỗ trợ các cháu rất nhiều. Ngoài ra, trường còn chú trọng việc gắn kết mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, khuyến khích cha mẹ cùng con cái tham gia chạy marathon, nhảy dây và nấu ăn hàng ngày. Trước khi vào tiểu học, tôi muốn bản thân mình sẽ thân thiết với con hơn nữa, vì thế tôi đã quyết định cho con vào trường tư thục.

Trong bài viết này, tôi đã giới thiệu qua về tình hình các trường mẫu giáo ở Nhật Bản. Bạn có kế hoạch cho con học tại các trường mẫu giáo ở Nhật Bản không? Điều quan trọng ở đây là chọn một ngôi trường phù hợp với mong muốn hay hoàn cảnh của đứa trẻ cùng cha mẹ, cho dù đó có là trường công lập hay tư thục đi chăng nữa. Vì vậy nhất định hãy tham khảo thật kĩ nhé!