Giúp con nâng cao kiến thức khi “kết nối” với tin tức

“Mẹ ơi, cái này có nghĩa là gì?"

Con trai 9 tuổi của tôi vừa ăn tối vừa hỏi mẹ. Quy tắc của nhà tôi là cả nhà ăn sáng và ăn tối cùng nhau. Những lúc như vậy, chúng tôi sẽ xem các chương trình tin tức và thông tin trên tivi, khi đó, những tin tức này sẽ trở thành một trong những chủ đề được bàn luận trong các bữa ăn.

Hiện nay ở Nhật Bản, môn “Xã hội" được học từ năm lớp ba tiểu học. Mục đích của môn “Xã hội" được quy định bởi Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ là để “hiểu về đời sống xã hội, thúc đẩy sự hiểu biết và tình yêu đối với đất nước và lịch sử của Nhật Bản, trau dồi nền tảng phẩm chất dân sự cần thiết của một công dân để kiến thiết, phát triển một quốc gia/xã hội dân chủ và hòa bình tồn tại trong cộng đồng quốc tế".

Ở khoảng tuổi bước vào lớp ba, trẻ đã bắt đầu quan tâm đến những thứ phức tạp hơn trong những sự kiện xảy ra xung quanh mình. Trường tiểu học của con trai tôi đã tổ chức các hoạt động đi ra các đền thờ, chùa, cửa hàng và siêu thị địa phương để học với mục đích cho các con nhận ra thêm nhiều điều và suy ngẫm về chúng.

Năm nay, khi con bước vào lớp bốn, tôi có dự định để con đi tham quan nơi xử lý rác và đập bằng xe buýt để con mở rộng tầm nhìn và có thời gian suy nghĩ về cơ chế và các vấn đề xã hội.

Con sẽ tìm thấy nhiều ham thích trong việc học hỏi hơn và dễ lý giải các vấn đề hơn thông qua việc tiếp xúc với tin tức một các vô thức như vậy. Trong những năm gần đây, Internet đã phổ biến nhanh chóng ở Nhật Bản và cơ hội để tìm hiểu về những thay đổi của thế giới thông qua tin tức trên Internet bằng điện thoại thông minh cũng tăng nhiều so với việc lấy thông tin trên các phương tiện truyền thông giấy (như báo) và phương tiện hình ảnh (như ti vi).

Tại Nhật Bản, số lượng người mua báo để đọc đang giảm dần qua từng năm, nhưng nguồn tin tức trên Internet vẫn là các công ty báo chí nên nguồn thông tin đáng tin cậy của người Nhật quả nhiên vẫn là báo (giấy).

Vào thời điểm ngày 1 tháng 6 năm 2019, đã có sáu tờ báo có tính phí dành cho trẻ em được xuất bản tại Nhật Bản. Đây là những tờ báo phù hợp với tiến độ học tập và giai đoạn phát triển của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Cụ thể, phiên âm Kana cho Hán tự được thêm vào hay các bài báo tập trung vào các chủ đề mà trẻ quan tâm (thể thao, động vật, giải trí, v.v…) để giúp trẻ dễ đọc hơn. Còn có các dạng ấn phẩm như một loạt tờ báo được tập hợp thành một quyển báo có tính phí dành cho người lớn và được xuất bản theo tuần, hay dạng tính phí một phần của quyển báo.

Ngoài những cách như vậy, giống như nhà tôi làm ở đầu bài viết này, chúng ta còn có thể cho trẻ biết được những gì đang xảy ra trong xã hội từ tin tức xem trên ti vi cùng người lớn, từ đó kết hợp với việc học ở trường và những kiến thức thu được từ trước đến nay để mở rộng thế giới mà trẻ có thế lý giải được.

Và mục tiêu mà Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã đặt ra – “Sự hiểu biết về đời sống xã hội" cũng chính là lý do tôi đưa phần xem tin tức trên ti vi lên bàn ăn hàng ngày. Ngoài ra, trẻ em trong tương lai cần phải biết những gì đang xảy ra ở nước ngoài thông qua tin tức, vì chúng sẽ sống trong cộng đồng quốc tế nhiều hơn chúng ta (sống với cảm nhận kết nối với các quốc gia khác).

Tầm nhìn của trẻ sẽ được mở rộng khi trẻ đọc báo, xem tin tức trên TV rồi suy nghĩ và trò chuyện với người lớn về các sự kiện xã hội. Và đây còn là một phương pháp đáng để thử vì nó còn có các lợi ích phụ như giúp trẻ có vốn từ vựng phong phú hơn, rồi khả năng đọc hiểu, diễn đạt câu và kỹ năng giao tiếp của trẻ cũng sẽ được nâng cao.