Giúp con thành công khi đối mặt với thất bại như thế nào?

“Đó không phải là thất bại mà là thành công, bởi vì nhờ vậy mà tôi đã biết được rằng phương pháp đó không hiệu quả”. Đây là lời của Thomas Edison, nhà phát minh người Mỹ, người đã tạo ra đèn sợi đốt đầu tiên trên thế giới.Trẻ em là sinh vật của sự thất bại. À không, không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng là sinh vật của sự thất bại. Khi còn là một đứa trẻ, chúng ta cũng đã trải qua không biết bao nhiêu là thất bại để rồi nhờ vậy mà trưởng thành. Tuy nhiên, chúng ta lại quên mất điều đó nên khi con trẻ làm gì đó không được là chúng ta lại có xu hướng sử dụng những từ ngữ tiêu cực hoặc trách móc như “Con không thể để thất bại trong một việc như thế được!" hoặc “Sao con lại không làm được chứ?". Hay khi bạn dự đoán trước được rằng trẻ đằng nào cũng sẽ thất bại nếu tiếp tục làm theo cách hiện tại thì bạn lại chỉ thị trẻ rằng “Phải làm như thế này", “Không được là thế kia" ngay cả khi trẻ chưa thử bắt đầu làm việc đó. Nhất là với một người lần đầu nuôi dạy đứa con duy nhất ở tuổi 35 như tôi thì nỗi lo lắng “Không để cho con thất bại" khá là lớn.Nhìn lại những trải nghiệm của bản thân trong ký ức, dù biết có nhiều trường hợp “Chính vì có thất bại mà mình mới để ý hơn để rồi thành công" nhưng mà tôi lại lúc nào cũng hướng về con trai mình với suy nghĩ “Không được để cho con thất bại!". Chính vì thế tôi đã luôn khích lệ bản thân trong vài năm nay rằng “Bố mẹ không nên lấy đi những thất bại của con".Cuộc sống hàng ngày là sự lặp lại của nhiều thử nghiệm và sai sót. Mọi người đều biết đến tầm quan trọng của tinh thần thách thức “Hãy thử làm điều đó" khi sống trên đời này, đúng không nào?! Việc trẻ gặp thất bại cũng là kết quả của tinh thần “Hãy thử làm điều đó". Trước hết, hãy thừa nhận sự cố gắng nỗ lực một cách chủ động của trẻ. Tiếp theo, hãy chia sẻ với trẻ những cảm xúc thất vọng, mất bình tĩnh và tức giận khi gặp thất bại. Với những trẻ đang còn tập nói có khi còn chưa biết đến ngôn từ thể hiện sự chán chường sau mỗi lần thất bại như là “Chà, tiếc quá!", “Thiệt tình! Khó chịu ghê!"; chúng ta – với tư cách là cha mẹ – hãy thay trẻ bày tỏ cảm xúc trước thất bại, thông qua đó thể hiện tinh thần dám đối mặt với thất bại mà không hề lảng tránh. Sau đó, bạn hãy hỏi trẻ “Con nghĩ lần tới con phải làm thế nào mới tốt?". Tôi đánh giá rất cao câu hỏi này. Bởi vì điều quan trọng là trẻ phải nhìn lại trải nghiệm và suy nghĩ về nguyên nhân gây ra sai lầm để có thể tự liên hệ rồi thử lại trong lần tới theo cách riêng của mình.Ngài Edison được giới thiệu ở đầu bài viết sau rất nhiều thất bại cũng đã có những phát minh có ích cho xã hội. Dù “thất bại" có là một hình ảnh tiêu cực hay thậm chí là “không được mắc phải", nhưng thật ra đó chính là những kinh nghiệm quý giá dẫn đến thành công. Ngoài ra, nếu trẻ không biết qua cảm giác khó chịu khi thất bại, hay nói cách khác, không nếm trải qua “sự căng thẳng" (stress) thì sẽ không phát triển được khả năng chịu đựng căng thẳng và sự khoan dung với thất bại của người khác. Và khi nghĩ về thất bại của con mình, các bậc cha mẹ hãy tự ý thức rằng ở đâu đó trong lòng bạn vẫn đang nghĩ rằng “Mình không được thất bại trong việc nuôi dạy con!". Rồi thay vào đó, cả bố mẹ và con cái hãy cùng nhau trưởng thành với tinh thần “Hoan nghênh thất bại! Mình sẽ biến thất bại này thành sự trưởng thành!", bạn nhé!