Dinh dưỡng cho trẻ em (giai đoạn sơ sinh): sữa

Sữa và em bé ngay sau khi sinh

Đã từng có giai đoạn mình có rất nhiều sữa đến nỗi mình chỉ lo con mình sẽ bị ngập trong sữa, tuy nhiên mình cho bú sữa mẹ không có nghĩa rằng mới sinh con ra là mình đã có thể cho bé bú mẹ ngay được. Mình mất khoảng một tháng để hiểu và cân bằng giữa việc chuẩn bị để cơ thể tiết sữa và khả năng bú của con trai mình. Vì vậy mà tháng đầu tiên, con mình đã được cung cấp nguồn dinh dưỡng từ cả sữa mẹ lẫn sữa ngoài.

Khoảng thời gian trong vòng 28 ngày kể từ sau khi sinh được gọi là “giai đoạn sơ sinh". Trong giai đoạn này, lượng sữa thích hợp để cho trẻ bú sẽ tùy thuộc vào số ngày tuổi. Cụ thể chẳng hạn như, cho bú 10ml vào ngày trẻ được sinh ra, 20ml vào ngày tiếp theo, ngày tiếp theo nữa là 30ml, … cứ thế tiếp tục tăng thêm 10ml sau mỗi ngày trôi qua. Trong khoảng từ 8 ngày tuổi đến nửa tháng tuổi, lượng sữa nên cho trẻ bú là khoảng 80ml một lần, mỗi ngày cho bú từ 7-8 lần (tức tổng lượng sữa bú trong ngày từ 560-640ml); còn trong khoảng từ nửa tháng đến một tháng tuổi thì nên cho trẻ bú khoảng từ 100-120ml sữa một lần, mỗi ngày cho bú từ 6-7 lần (tổng lượng sữa cho bú trong ngày từ 600-840ml).

Liệu có đủ sữa không nhỉ?

Tuy nhiên, trẻ sơ sinh có khả năng bú yếu và đồng hồ sinh học chưa sẵn sàng nên thường khó có thể duy trì được cái gọi là “lượng sữa thích hợp". Ngay cả khi mẹ đã cân đúng lượng cần uống, trẻ vẫn có thể không uống hết. Khi mình chăm đứa đầu lòng, mình thường cố gắng cho con uống hết lượng sữa đã đề ra, nhưng thật sự không cần phải đến mức như vậy đâu.

Giai đoạn sơ sinh còn là giai đoạn người mẹ vẫn chưa hồi phục lại hoàn toàn sau sự mệt nhọc và đau đớn khi sinh, cũng như chưa quen với nhịp sinh hoạt khi có thêm thành viên bé nhỏ bên cạnh. Và nói cho cùng thì, lượng sữa ghi trên bình sữa hay trong sổ tay mẹ và bé thực chất vẫn chỉ mang tính “lý tưởng". Trong khoảng 3 tháng đầu đời, người ta thường cho rằng trẻ được nạp đầy đủ dinh dưỡng khi tăng được 30g mỗi ngày.

Tuy nhiên, nếu giãn cách giữa hai lần cho bú quá lâu, trẻ có thể gặp phải tình trạng mất nước. Vì vậy, nếu cách quãng từ 4 giờ trở lên, ngay cả khi trẻ đang ngủ thì cũng hãy nhẹ nhàng đánh thức và cho trẻ bú nhé. Bạn có thể kiểm tra nước tiểu của trẻ để biết liệu trẻ có bị thiếu nước hay không. Thông thường, nếu trẻ đi tiểu khoảng 7-8 lần một ngày và nước tiểu có màu vàng nhạt thì không có vấn đề gì, bạn hãy ghi chú lại việc tiểu tiện của trẻ để điều chỉnh thời gian cho con bú của mình một cách hợp lý nhé.

Có nhiều sữa quá không?

Trở lại câu chuyện chính. Nhiều chị em than thở rằng “Bé nhà mình có vẻ như đang uống quá nhiều sữa", đây cũng là một trong những mối bận tâm của các bà mẹ nuôi con bằng sữa. Đặc biệt là người có ít thời gian tiếp xúc với con lại càng không có kinh nghiệm trong việc phân biệt tiếng khóc nào của trẻ mới là khóc vì đói bụng. Điều này dễ dẫn đến việc mẹ cho trẻ uống sữa mỗi khi trẻ khóc để trẻ nín. Ở giai đoạn sơ sinh, trẻ chưa hình thành nên cảm giác đói bụng và cũng không có phương tiện biểu đạt cảm xúc nào ngoài tiếng khóc. Vì vậy nếu mẹ cho trẻ uống sữa ngay khi trẻ khóc sẽ rất có khả năng cho trẻ uống quá nhiều.

Khi trẻ đã uống xong lượng sữa được khuyến nghị nhưng vẫn quấy hay có vẻ khó chịu, hãy kiểm tra thử các vấn đề như “tã có khô không, tã có được quấn chặt vừa phải không", “Quần áo, chăn đệm, nhiệt độ phòng có thoải mái không" v.v… Ngoài ra, trẻ có thể khóc hoặc khó chịu nếu chưa ị nhưng vẫn đói bụng, không ợ hơi được nên khó chịu trong bụng, buồn ngủ, bệnh nên mệt người v.v…

Điều cơ bản của việc nuôi dạy con, bao gồm cả cách cho trẻ bú sữa, chính là “quan sát con". Nếu trẻ khỏe mạnh, tăng cân dần, tiểu tiện và đại tiện bình thường thì chứng tỏ trẻ không gặp vấn đề gì về dinh dưỡng. Lượng sữa tiêu chuẩn như đã đề cập bên trên thì xét cho cùng cũng chỉ mang tính tham khảo, các mẹ cần quan sát để điều chỉnh lượng sữa cho phù hợp với thể trạng của bé nhà mình nhé!