Không chơi với bạn bè có phải là một dạng khuyết tật ở trẻ không?

Nỗi lo khi con chỉ toàn chơi một mình

Khi thấy con chỉ chơi có một mình trong khi bé đang ở những nơi có nhiều bạn cùng độ tuổi như nhà trẻ, trường mẫu giáo hay công viên, chắc hẳn ai cũng thấy bất an đúng không nào? Tôi cũng từng tham khảo ý kiến của một trung tâm hỗ trợ nuôi dạy trẻ ở chính quyền địa phương vì lo lắng về tình trạng con trai mình không chịu chơi với bạn bè.

Vì tôi không chỉ nghĩ việc không chơi với bạn là thiếu tính xã hội hay tính hợp tác mà còn nghĩ có khi nào con đang có trở ngại phát triển nào không. Nghĩ thế nên tôi càng thấy lo lắng hơn.

Đặc điểm rối loạn phổ tự kỷ bao gồm khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ thân thiết với các cá nhân khác dẫn đến việc bị cô lập. Thế thì nếu thấy con thường xuyên dành thời gian ở một mình thì chúng ta nên nhận định đó là một dạng khuyết tật hay chỉ là một tính cách riêng của con đây?

Chờ đến lúc con chủ động chơi với bạn bè

Việc con có thể chơi với bạn bè hay không liên quan đến giai đoạn phát triển của con (tương đương với độ tuổi). Khi con chưa tròn 1 tuổi, chơi một mình cũng không sao. Khi hơn một tuổi, con sẽ bắt đầu quan sát những bạn khác chơi và âm thầm nhặt những món đồ chơi bạn đã chơi. Người lớn thường sẽ muốn con chơi với bạn một cách vui vẻ nhưng trẻ khoảng 1 tuổi mới bắt đầu nhận thức được xung quanh và chỉ mới manh nha ý muốn tham gia chung. Vì thế người lớn hãy làm cầu nối giao tiếp cho các con bằng cách hướng dẫn con: “Món đồ chơi đó trông hay quá nhỉ?”, hay “Con mượn bạn đi”.

Đến khoảng 2 tuổi, các con sẽ có thể cùng nhau làm những việc giống nhau, chẳng hạn như cưỡi xích đu hoặc xây núi bằng cát ở cùng một nơi như với những bạn cùng tuổi. Tuy nhiên, vì đó cũng là thời điểm cái tôi của các con bắt đầu phát triển nên cũng sẽ có những cảnh các con khăng khăng “Tới mình”, “Không, tới mình” rồi cãi cọ với nhau. Cảnh con khóc lóc khi có việc gì đó không theo ý mình diễn ra như cơm bữa sẽ khiến các bậc phụ huynh nghĩ tới thôi là muốn sởn cả tóc gáy. Tuy nhiên, những sự “đụng chạm” như vậy các con chính là một phần của sự phát triển. Từ những việc như con sẽ thấy buồn khi thấy dù mình có thể chơi món mình thích nhưng bạn của mình lại khóc mất, con sẽ học được việc chịu đựng và nhường cho bạn, biết được đến lượt mình mới được chơi.

Khi lên 3 tuổi, con sẽ có thể chia sẻ niềm vui với những đứa trẻ khác dựa trên kinh nghiệm mà con đã tích lũy được. Con đã có thể chơi những trò chơi đòi hỏi trí tưởng tượng như giả làm mẹ hay người bán hàng. Ngoài ra, con cũng sẽ thích chơi các trò chơi thay nhau nhập vai theo một quy tắt nhất định như là trò cá sấu lên bờ.

Tuy nhiên, cho đến năm 3 tuổi, con trai tôi vẫn không chơi cùng các bạn mà vẫn say mê việc một mình đóng vai anh hùng chống lại những “kẻ thù vô hình”. Mãi đến năm 10 tuổi, con mới có thể đến nhà bạn chơi. Người lớn chúng ta thường cho rằng một đứa trẻ ngoan phải là đứa trẻ chơi chung với bạn một cách hòa thuận. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp là con một giống con tôi, như là lẽ tất yếu, phải chơi một mình từ lúc bắt đầu nhận thức được.

Đừng vội khẳng định gì cả

Những đứa trẻ thường chơi một mình cũng có một thế giới mà chúng thích, và nếu con mải mê tận hưởng thế giới đó thì cũng không sao cả. Trường mẫu giáo, nhà trẻ và trường tiểu học sẽ là là những nơi có thể cho con tham gia vào các hoạt động cùng bạn bè, tập thể dục và các hoạt động khác để tăng cường tính xã hội và hợp tác, đồng thời nâng cao kỹ năng giao tiếp của các con. Đừng lo lắng thái quá về việc con không chơi với bạn bè, chỉ cần luôn để ý đến con với tâm niệm con đang tương tác với môi trường xung quanh theo cách riêng con, khi lớn hơn, cách thức tương tác của con cũng sẽ thay đổi theo.