Giai đoạn sau ăn dặm – Để bé luôn “hào hứng” trong việc ăn uống

Khi bé được 9 tháng tuổi thì “giai đoạn sau ăn dặm" sẽ bắt đầu. Đã năm tháng trôi qua kể từ khi con bắt đầu ăn dặm và đây là lúc việc “ăn" đang dần trở thành việc hiển nhiên với cả hai mẹ con tôi.

Giai đoạn sau ăn dặm còn được gọi là “giai đoạn nhai tóp tép". Ở giai đoạn này, con đã có thể sử dụng răng cửa trên và dưới vừa mới mọc để cắn thức ăn. Con trai tôi khi đó cũng đã tự nhai chuối và táo cắt lát mỏng được rồi.

Trong giai đoạn đầu của ăn dặm, lưỡi chỉ có thể di chuyển trước sau, đến giai đoạn giữa đã có thể di chuyển lên xuống, và đến thời kỳ này thì lưỡi đã có thể di chuyển tự do sang trái và phải. Tuy khó nhận thấy từ bên ngoài nhưng bên trong miệng của em bé cũng đang phát triển nhanh chóng.

Ở giai đoạn này, răng cửa đóng vai trò là “cảm biến" cảm nhận độ cứng của thức ăn đi vào miệng, gửi tín hiệu đến bên trong miệng và nhai “tóp tép" bằng cách nghiền nát thức ăn bằng nướu.

Con cũng đã ăn dặm 3 bữa 1 ngày. Đây cũng là giai đoạn mà con đã có thể bấu víu chập chững để đứng và bước đi nên mau đói do hoạt động liên tục. Vì vậy mà con cũng ăn nhiệt tình hơn.

Giai đoạn chuẩn bị và cùng ăn với con

Người làm thức ăn cho bé là tôi đây cũng đã có thể biết rõ những điều cơ bản và có thể chuẩn bị xong thức ăn một cách nhanh chóng. Phần ăn của bé được tách ra riêng từ rau và thịt gà (lườn gà) đã luộc cho người lớn trước khi nêm nếm. Tôi giảm món ăn sền sệt “đúng chuẩn đồ ăn dặm" và tăng lượng thức ăn rắn lên. Điều này làm tôi vui vì khi cả nhà vây quanh bàn ăn làm tôi có cảm giác chúng tôi đang “ăn chung thức ăn với cả nhà".

Bí quyết giúp con “hào hứng" trong việc ăn uống

Và từ giai đoạn này bạn hãy để con thử sức với việc “bốc thức ăn ăn bằng tay". Một loạt các động tác “nhìn thức ăn bằng mắt (thị giác), cầm nắm bằng tay (xúc giác), cho thức ăn vào miệng và cảm nhận (vị giác, xúc giác)" sẽ giúp trẻ phát triển “vận động phối hợp" khi các giác quan được kích thích. Tuy nhiên, nếu bạn cho con bốc tay các loại thức ăn nhiều nước như cháo thì việc dọn dẹp bàn ăn và sàn bị bẩn sau mỗi bữa ăn sẽ khá vất vả đấy! Bạn phải giữ cho tay và miệng của bé sạch sẽ, rồi còn phải thay quần áo bé bị thức ăn đổ ra làm bẩn nữa.

Nghĩ đến việc dọn dẹp sau bữa ăn thôi là tôi đã thấy nản rồi nên tôi quyết định cho con bốc các loại thức ăn khó đổ và không dính vào quần áo. Tôi cũng lo rằng nếu con quen với việc ăn bốc bằng tay thì sẽ khó tiến tới giai đoạn ăn bằng bằng thìa và nĩa sau này. Do đó, tôi đã chuẩn bị bữa ăn cho con với các loại trái cây như đã nói, cơm nắm mềm và nhỏ cùng với thit viên (cá viên) có rau.

Cũng vào giai đoạn này, tôi bắt đầu cho con ăn đồ ăn nhẹ như bánh gạo và bánh trứng Boro bằng tay. Cả con trai tôi và tôi đều thích đồ ngọt nhẹ và giòn. Hai mẹ con đã khá tận hưởng những lúc vừa ăn vặt vừa nhìn nhau gật gù “Ngon nhỉ!" đấy!

Thế là từ đó, thói quen “tráng miệng sau bữa ăn" vẫn cứ tiếp tục. Con trai tôi thích sữa chua dành riêng cho trẻ em nên tôi lúc nào cũng trữ sẵn trong tủ lạnh. Ngay cả bây giờ, khi con đã 10 tuổi, con vẫn hào hứng nói “Con cám ơn mẹ vì bữa ăn nha!" sau khi ăn trái cây và bánh pudding sau bữa tối.