Bắt đầu dạy trẻ đi vệ sinh là khi nào?

Kể từ khi sinh con, tôi đã duy trì việc viết nhật ký nuôi con mỗi ngày, đến nay đã được 6 năm rồi.

Chủ đề lần này là việc dạy trẻ đi vệ sinh. Như tôi đã từng kể qua, kẻ tự xưng là “tiến sĩ về tiểu tiện/đại tiện" tôi đây vẫn đang ghi chú cụ thể về lịch sử đi vệ sinh của con trai mình. Đọc lại nhật ký nuôi con, vào sinh nhật 3 tuổi của con, tôi có viết rằng “Con đang dần có thói quen đi tiểu trong nhà vệ sinh".

1. Các mốc xác định thời điểm bắt đầu

Ở Nhật, người ta đề ra các mục sau như là các mốc cụ thể để bắt đầu dạy con cách đi vệ sinh.

1. Trẻ hiểu ý nghĩa của “nhà vệ sinh" và có thể tự đi lại

2. Trẻ có thể bắt chước người lớn

3. Trẻ có thể ngồi trên bàn cầu hoặc toilet cho em bé trong vài phút

4. Trẻ có thể trả lời người lớn bằng những từ đơn giản như “Có" và “Không"

5. Trẻ có thể truyền đạt mong muốn và ý định của mình bằng lời nói và cử chỉ, chẳng hạn như “Bế con đi" hay “Cho con"

6. Khoảng cách giữa hai lần đi tiểu là khoảng 2 tiếng (đây chỉ khoảng thời gian tương đối)

Từ những điều trên bạn có thể thấy được rằng, việc dạy con tự lập trong việc đi vệ sinh không dựa vào tuổi như là “từ x tuổi (x tháng)". Có sự khác biệt lớn giữa các bé trong quá trình phát triển của chúng, vì vậy hãy bắt đầu dạy con cách đi vệ sinh bằng cách quan sát tình trạng con của bạn.

2. Cách dạy con đi vệ sinh

Đầu tiên, như ở mục 1, cha mẹ cùng con vào nhà vệ sinh và truyền đạt bằng lời nói “Đi tiêu và đi tiểu ở đây sẽ có cảm giác thoải mái hơn đấy con". Tiếp theo, như ở mục 2, sử dụng từ ngữ và cử chỉ để diễn tả cách người lớn đi vệ sinh rồi cho con ngồi thử lên toilet như được đề cập ở mục 3.

Do mông của trẻ vẫn còn nhỏ nên sẽ bị lọt vào bồn cầu kiểu Tây bình thường. Do đó, bạn nên sử dụng bệ hỗ trợ ngồi toilet cho em bé.

Nếu không có bệ hỗ trợ ngồi toilet cho em bé thì người lớn bế bé lên toilet từ phía sau lưng bé và giữ cho chân bé dang ra bằng cách dùng hai tay đỡ dưới hai đùi bé.

Lý do của mục 4 và mục 5 là nếu trẻ có thể trả lời các câu hỏi như “Con có muốn đi vệ sinh không?" hay “Con có buồn tiểu không?" thì người lớn sẽ dễ dẫn trẻ đi vệ sinh hơn. Ngoài ra, nếu bản thân trẻ có thể truyền đạt được khi muốn đi vệ sinh như là “Con muốn đi vệ sinh" hay “Con muốn đi tiểu" thì việc đi tiêu, đi tiểu trong nhà vệ sinh sẽ dễ hơn.

Còn về mục số 6, trẻ sẽ không thể cảm thấy buồn đi tiểu hoặc đi tiêu nếu nước tiểu hoặc phân chưa tích tụ trong dạ dày đến một mức độ nào đó, vì vậy cha mẹ nên đo khoảng cách thời gian từ lần bài tiết gần nhất của con. Đặc biệt là việc đi tiểu, con sẽ dễ đi tiểu hơn nếu bạn canh một khoảng thời gian sau khi con uống nước hay gì đó rồi mới hỏi thử “Con có muốn đi vệ sinh chưa?".

3. Cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý

Tâm trạng và sự chuẩn bị tâm lý của cha mẹ cũng rất quan trọng. Bởi vì dạy con đi vệ sinh là việc lúc tiến lúc lùi. Ngay cả trong nhật ký nuôi dạy con của tôi trước và sau ngày sinh nhật con cũng có ghi rằng “Có rất nhiều phân trong tã", hay “Con đã khóc rằng 'Lúc đó con muốn đi vệ sinh mà’ khi lỡ tiểu ra tã", “Con vùng vằng nói 'Nhà vệ sinh’. Chắc là vì bị mẹ nói thế suốt đây mà (mẹ cần kiểm điểm)". Tôi hiểu được tình cảnh cha mẹ và con đều thấp thỏm vì con không đi ra được trong nhà vệ sinh.

Cùng với việc cai sữa, bỏ bỉm (tã) là một cột mốc quan trọng trong việc nuôi con. Đặc biệt là khi thời điểm vào nhà trẻ đang đến gần, các bạn sẽ cảm thấy rất sốt ruột. Tuy nhiên, đứa trẻ nào rồi cũng có thể tự nhiên trở nên độc lập khi đã nhiều lần có kinh nghiệm bài tiết trong nhà vệ sinh. Thế nên bạn hãy cứ thong thả tận hưởng quãng thời gian này cho đến khi bạn có thể cùng con nếm trải “Niềm vui có được khi chỉ có một mình" nhé!