“Bình đẳng” chính là sức hấp dẫn của giáo dục Nhật Bản

Theo pháp luật Nhật Bản, trẻ em phải được giáo dục và người nuôi dưỡng có nghĩa vụ phải đảm bảo quyền được giáo dục của con em. Bất kể nam hay nữ, bất kể địa vị xã hội, thu nhập của cha mẹ hay nơi cư trú, mọi đứa trẻ phải được hưởng một nền giáo dục bình đẳng theo quy định của pháp luật.

Tiền thuế của dân được sử dụng để làm chi phí vận hành các trường công lập, vì thế trẻ em được đi học miễn học phí 9 năm liền từ lớp 1 đến lớp 9. Nếu được cung cấp miễn phí cả sách giáo khoa các loại thì hẳn các bậc phụ huynh cũng rất cảm kích.

Ngoài ra, tỉ lệ học lên cấp 3 sau khi hoàn thành giáo dục bắt buộc lên đến 97%. Đa phần học sinh được hưởng giáo dục cho đến năm 18 tuổi. Thế nên, một trong những sức hấp dẫn của nước Nhật là nếu thực sự muốn đi học, ai ai cũng tiếp tục được đi học ngay cả sau khi hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc.

Tỉ lệ học lên đại học cũng tăng lên hơn phân nửa (57.9 % ) theo số liệu năm 2018. Ở Nhật, nếu tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đỗ kỳ thi kiểm tra trình độ trung học phổ thông thì có thể tham dự kỳ thi ứng tuyển vào mọi trường đại học danh giá.

Lý do nào khiến tỉ lệ học lên cao và hệ thống giáo dục ở Nhật hoạt động như thế nào?

Có nhiều nguyên nhân giúp tỉ lệ học lên của Nhật cao. Trong số đó có thể kể đến nguyên nhân “có nhiều trường học".

Số lượng trường học bao gồm cả công lập và tư lập ở Nhật như sau: trường tiểu học khoảng 20,000; trường cấp 2 khoảng 10,500; trường cấp 3 khoảng 5,000; trường giáo dục đặc biệt khoảng 1,100. Vì có nhiều trường học, nên số lượng học sinh được nhận vào cũng nhiều hơn.

Do ảnh hưởng của tỉ lệ sinh thấp, số lượng trường học thông thường giảm đi hàng năm, nhưng số lượng trường giáo dục đặc biệt vẫn tiếp tục tăng, tạo nên một môi trường giúp mọi người ai ai cũng được học, miễn là có nguyện vọng học tập.

Ngoài ra, một đặc điểm khác của giáo dục Nhật Bản đó là trong những năm giáo dục bắt buộc không có hiện tượng bỏ học hay tạm ngưng học tập. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì cũng không có trường hợp “học nhảy lớp", mặc dù năng lực có khác so với các bạn cùng lứa như thế nào đi chăng nữa, theo nguyên tắc, nếu cùng tuổi sẽ phải học cùng niên khoá, cùng môn học.

Hơn nữa, cấp 1 và cấp 2 không chia thành học một buổi sáng hoặc chiều mà toàn bộ học sinh đều phải đi học cùng một khung thời gian. “Bình đẳng" cũng có mặt tốt và mặt xấu như thế đó.

Môi trường học tập ở Nhật như thế nào?

Trường học Nhật Bản đầu tư khá nhiều vào cơ sở vật chất học tập, nhiều trường có thư viện, phòng nhạc, phòng mỹ thuật, phòng nấu ăn, phòng y tế, hồ bơi, sân chơi…

Học sinh được sử dụng miễn phí nhiều loại thiết bị phục vụ cho mục đích học tập từ các nhạc cụ cho đến máy tính. Gần đây số lượng trường công lập có trang bị máy điều hoà cũng ngày một tăng. Trường học ở Nhật Bản tạo điều kiện và môi trường tốt nhất để học sinh chuyên tâm học hành.

Còn một điều đáng chú ý nữa! Đó là chất lượng giáo viên Nhật Bản

Điều đầu tiên có thể nói đến là để trở thành giáo viên ở Nhật không hề dễ dàng. Giáo viên cần phải có trình độ phù hợp.

Hơn nữa, khi bắt đầu nghề giáo, các giáo viên phải trải qua “khoá đào tạo dành cho người mới nhậm chức". Nội dung đào tạo cực kỳ chuyên sâu, đến mức một phần của quá trình đó được nhiều người cho rằng “quá khắc nghiệt".

Giáo viên ở Nhật được rèn luyện chuyên sâu về tri thức lẫn kỹ năng qua những buổi đào tạo và học tập về kiến thức giáo khoa chuyên môn, phương pháp giảng dạy, cách đánh giá từng học sinh, định hướng tương lai và tư vấn khi phát sinh vấn đề nào đó…

Ngoài ra, nhiều giáo viên còn tổ chức các lớp bổ trợ và dạy kèm miễn phí, thế nên các phụ huynh cũng yên tâm gửi gắm con em. Giáo viên quan tâm theo sát những học sinh yếu để các em bắt kịp bạn bè xung quanh, có lẽ điều này chỉ có ở Nhật Bản.

Tôi đã trình bày cho các bạn về chế độ giáo dục ở Nhật trên quan điểm “bình đẳng". Ở Nhật Bản, từ quốc gia, nhà trường đến các bậc phu huynh, toàn dân đều nỗ lực để con em được hưởng giáo dục bình đẳng như nhau. Chế độ giáo dục như thế này trong nước có cả phe ủng hộ và phản đối, nhưng tôi nghĩ rằng nếu được phụ huynh nhận xét, chế độ giáo dục ở Nhật không hẳn sẽ được 100 điểm đâu nhưng cũng gọi là vừa đủ hài lòng.