Những điều đặc biệt quan trọng khi nuôi dạy trẻ từ 0 đến 3 tuổi ở Nhật

Ở Nhật Bản có một câu nói là “Sansai jishinwa" (dạy con từ thuở lên ba). Nghĩa là nếu lưu tâm dạy trẻ từ 1 đến 3 tuổi thì sẽ có ảnh hưởng tốt đến tương lai đứa trẻ sau này. Dựa trên nền tảng “sự phát triển của não bộ cũng như sự hình thành chức năng vận động của trẻ là đáng lưu tâm nhất, hầu hết các cơ quan chức năng cũng hoàn thiện dần trước khi 3 tuổi. Vì vậy, khoảng thời gian trải qua thời thơ ấu ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách của đứa trẻ đó sau này".

Ngoài ra, ở Nhật cũng có tục ngữ nổi tiếng là “Mitsugo no tamashii-hyaku made" (quỷ bách niên chẳng khác nào trẻ lên ba), theo tiếng Việt tạm dịch là “Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời". Hay nói cách khác, là tính cách đã trải qua từ thuở ấu thơ cũng chẳng thay đổi gì mấy kể cả khi bạn già.

Xưa nay, Nhật Bản luôn nhấn mạnh tầm quan trọng khi nuôi dạy trẻ sơ sinh từ một đến ba tuổi, nhưng trong bài blog này tôi sẽ giải thích cụ thể những gì người Nhật cho là đặc biệt quan trọng để nuôi dạy trẻ nhỏ nhé!

Tiếp xúc trực tiếp và đáp ứng nhu cầu tâm lý cho trẻ 0 ~ 1 tuổi

Thị giác của bé đã phát triển ngay khi sinh ra đời, trẻ sẽ có niềm tin sâu sắc với người thân nào gần gũi bé nhất. Nếu trong thời gian này chúng ta không thể đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất thì bé sẽ có nguy cơ trở thành một đứa trẻ trầm lặng (ít thể hiện cảm xúc như là không khóc, không cười).

Ngoài ra, nếu ít thân thiết với trẻ, hoặc xa rời trẻ, thì sau này khi trưởng thành e là trẻ sẽ trở thành một người khép kín và không tin tưởng người khác.

Do đó, trẻ trong thời gian này cần được bạn ôm ấp yêu thương, tiếp xúc trực tiếp nhiều nhất có thể. Ở Nhật, lúc dỗ bé ngủ, thường họ cho bé nằm ngủ chung với bố mẹ.

Cho bé 1 ~ 2 tuổi trải nghiệm nhiều thứ

Khi trẻ được hơn 1 tuổi thì cũng là lúc ký ức trẻ được hình thành. Trong thời gian này, những trải nghiệm khác nhau bao gồm cả thất bạ i sẽ giúp trẻ tự phát triển.

Đương nhiên là cần phải bảo vệ trẻ khỏi những nguy hiểm, nhưng nếu vì muốn loại bỏ hết nguy cơ mà bố mẹ luôn đi trước và bảo vệ quá mức thì có thể sẽ khiến trẻ ngừng cố gắng tự thân vận động. Trẻ ở thời gian này sẽ có rất nhiều sở thích khác nhau. Càng mở rộng nhiều sự quan tâm cũng như thể hiện tích cực các sở thích khác nhau, trẻ lại càng có sự phát triển tốt và cân bằng từ những kinh nghiệm thành công và cả những trải nghiệm thất bại nữa.

Bắt đầu “uốn nắn" trẻ từ 2 ~ 3 tuổi

Từ hai tuổi, trẻ bắt đầu linh hoạt hơn trong hành vi, và cũng hiểu lời nói của chúng ta hơn. Ở Nhật, từ giai đoạn này sẽ có rất nhiều gia đình bắt đầu “uốn nắn" trẻ. Vì đây là một đất nước có ý thức rất cao trong việc nuôi dạy trẻ để “không làm phiền người khác", nên việc “uốn nắn" khi nuôi dạy trẻ là hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, dạy trẻ bằng cách la mắng hay đánh đập ở Nhật lại được xem là không tốt. Ví dụ, trong trường hợp trẻ chạy khắp siêu thị rồi la hét, thì người Nhật thường không tức giận la mắng, mà sẽ kiên nhẫn dùng lời giải thích, nhấn mạnh chỗ đó nhiều lần đến khi nào trẻ hiểu. Ngược lại, khi trẻ đạt được điều gì đó, bằng việc tích cực khen ngợi, trẻ sẽ tự tin hơn và có thể tự mình suy nghĩ và hành động.

Lời kết

Bất kể đất nước nào hay chủng tộc nào đi nữa, đã làm cha mẹ thì ai cũng đều hiểu sự khó khăn khi nuôi dạy trẻ nhỏ phải không nào? Trong cách nuôi dạy trẻ vừa được giới thiệu trên đây vẫn có những diểm trừ, nhưng nếu bạn thấy có điểm nào tốt áp dụng được thì hãy cứ tham khảo nhé!