Top 10 vị anh hùng thời Chiến quốc Nhật Bản được yêu thích nhất
Tinh thần thượng võ, chiến đấu quyết liệt và lòng trung thành là những điều không thể không nhắc đến khi nói về các vị anh hùng samurai của xứ sở Phù Tang. Mới đây, kết quả cuộc khảo sát được đăng tải trên trang Netorabo của Nhật Bản đã cho biết top 10 vị anh hùng thời Chiến quốc Nhật Bản được yêu thích nhất. Các bạn có tò mò đó là những ai không? Chúng ta cùng tìm hiểu ngay xem sao nha! 😎
1. Oda Nobunaga (織田信長)
Oda Nobunaga (1534 – 1582), một lãnh chúa (daimyo) vào thời kỳ Chiến quốc trong lịch sử Nhật Bản, đã đứng đầu bảng xếp hạng với 32,3% số phiếu bầu chọn.
Ông là người có công lớn trong việc thống nhất Nhật Bản, chấm dứt thời kỳ chiến loạn kéo dài trên khắp cả nước.
Oda Nobunaga đã từng cai trị Owari (nay là tỉnh Aichi), thống nhất 1/3 lãnh thổ Nhật Bản cho đến lúc phải tự sát trong biển lửa tại chùa Honnoji do cuộc nổi loạn của Akechi Mitsuhide năm 1582.
Nhiều người bị cuốn hút với cuộc sống đầy kịch tính của ông và trong nhiều tác phẩm, sự kịch tính ấy đã trở thành chủ đề được các tác giả khai thác.
Ông được biết đến với việc sớm đưa súng vào chiến trường Nhật Bản thời Trung đại và giành chiến thắng trong trận Nagashino cũng như tư duy hành động chính trị và quân sự không bó buộc trong lẽ thường. Vậy nên Oda Nobunaga từ lâu đã là một chỉ huy quân sự có uy tín.
2. Takeda Shingen (武田信玄)
Được mệnh danh là Mãnh hổ xứ Kai và vùng Shinano, Takeda Shingen (1521 – 1573) là một trong những lãnh chúa mạnh nhất trong thời Chiến quốc Nhật Bản. Vị anh hùng này xếp thứ hai trong bảng xếp hạng với 15,9% lượt bầu chọn.
Là một chỉ huy tài ba tích cực trong nhiều trận chiến, ông đã mở rộng lãnh thổ của mình và rất được giới võ sĩ bấy giờ yêu mến vì lãnh thổ trù phú. Takeda Shingen đã đánh bại quân đội Tokugawa trong trận chiến Mikatagahara năm 1572, và tiến gần hơn một bước tới việc mở rộng bờ cõi.
Tuy nhiên sau đó ông đã chết giữa giấc mơ dang dở vì bệnh tật. Người ta nói rằng nếu Shingen không chết bệnh, lịch sử Nhật Bản có lẽ đã khác.
3. Uesugi Kenshin (上杉謙信)
Vị trí thứ ba được bình chọn là Uesugi Kenshin (1530 – 1578), lãnh chúa cai trị vùng Echigo (nay là tỉnh Niigata) trong thời kỳ Chiến quốc Nhật Bản.
Cuộc đời ông cho đến khi chết đã tham gia khoảng 70 trận chiến. Đặc biệt nổi tiếng là trận chiến Kawanakajima với Takeda Shingen để giành quyền kiểm soát vùng Kita Shinano. Cả hai đã quyết chiến đến năm lần.
Uesugi Kenshin nổi tiếng với lòng dũng cảm trong chiến trận, sự kình địch huyền thoại với Takeda Shingen, sự tinh thông binh pháp và lòng tin vào hộ thần Tỳ Sa Môn Thiên.
Với sự kính trọng của thuộc hạ và người dân, Kenshin thậm chí được mệnh danh là thần chiến tranh lúc bấy giờ.
4. Tokugawa Ieyasu (徳川家康)
Đứng vị trí thứ tư, Tokugawa Ieyasu (1543 – 1616) là người đã lập nên Mạc phủ Tokugawa sau trận chiến Sekigahara kết thúc thời Chiến quốc và cũng là vị tướng quân đầu tiên của thời đại này.
Tokugawa Ieyasu lên nắm quyền từ năm 1600. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã nhận danh hiệu Chinh di Đại tướng quân năm 1603, thoái vị năm 1605, nhưng thực tế vẫn nắm quyền cho đến khi qua đời năm 1616.
Là người vừa cẩn thận, vừa táo bạo, nhìn xa trông rộng, ở đúng nơi và đúng thời điểm. Lại rất trung thành với người khác cũng như các mối quan hệ liên minh, khôn ngoan và tinh tế. Tất cả đều quy tụ ở Tokugawa Ieyasu, khiến người ta phải sợ hãi và kính trọng vì tài lãnh đạo và sự tính toán có phần xảo quyệt của ông.
5. Date Masamune (伊達政宗)
Date Masamune (1567 – 1636) là chỉ huy quân đội và lãnh chúa của vùng Dewa và Mutsu (khu vực Tohoku ngày nay) thời Azuchi – Momoyama, đầu thời Edo.
Trong suốt cuộc đời, bắt đầu với trận chiến vào năm 15 tuổi, ông đã để lại dấu ấn cùng những chiến công đáng nể của mình, tiêu biểu là cuộc chiến với nhà Soma.
Nhắc đến Date Masamune, người ta còn biết ông về lòng trung thành với gia đình Tokugawa, sự nổi tiếng uy tín sang đến châu Âu cùng với tham vọng thương mại thế giới.
Ngoài ra, ông còn là một nhân vật văn hoá đối với hậu thế. Yêu thích nấu nướng, biểu diễn nghệ thuật kịch Noh, trống taiko, trà đạo, sưu tập kiếm, yêu tranh vẽ và viết lách.
Sau khi ông mất, người dân vẫn hết mực yêu quý và để tưởng nhớ ông, họ đã đặt cho ông biệt hiệu Độc Nhãn Long (独眼竜) vì ông bị hỏng một bên mắt.
Đến tận bây giờ, ông vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều câu chuyện và nhân vật trong các tác phẩm hiện đại.
6. Toyotomi Hideyoshi (豊臣秀吉)
Được yêu thích thứ sáu trong bảng xếp hạng, Toyotomi Hideyoshi còn gọi là Hashiba Hideyoshi (1537 – 1598) là vị lãnh chúa cuối thời Chiến quốc, được coi là người thứ hai thống nhất Nhật Bản.
Là thuộc hạ của lãnh chúa nổi tiếng Oda Nobunaga, Hideyoshi kế vị Nobunaga sau sự biến Honnō-ji năm 1582 và tiếp tục chiến dịch thống nhất Nhật Bản của Nobunaga, đưa đến kết thúc thời kỳ Chiến quốc.
Hideyoshi cai trị phần lớn thời kỳ Azuchi – Momoyama và đã để lại một di sản lớn có ảnh hưởng như nhiều toà thành ở Nhật Bản tiêu biểu như thành Osaka.
7. Sanada Yukimura (真田幸村)
Sanada Yukimura (1567 – 1615) còn được gọi là Sanada Nobushige, một samurai sống vào cuối thời Azuchi – Momoyama đến đầu thời Edo.
Những ghi chép rõ ràng về Yukimura còn lại rất ít. Nhưng chắc chắn rằng ông đã được chính quyền Toyotomi tin tưởng và giao cho vai trò quản lý lâu đài Fushimi, và được coi như một lãnh chúa độc lập.
Lòng trung thành của một samurai như Sanada Yukimura đối với vương chủ của mình đến cả kẻ thù của ông cũng phải công nhận.
8. Mitsuhide Akechi (明智光秀)
Mitsuhide Akechi (1528 – 1582) là tướng thân cận nhất và giỏi nhất của Oda Nobunaga nhưng lại phản lại Nobunaga với cuộc nổi loạn trong biển lửa tại chùa Honnoji năm 1582.
Với tài năng cả trong quân sự và chính trị, Akechi Mitsuhide hoàn toàn có thể đối chọi với Toyotomi Hideyoshi và thậm chí với Tokugawa Ieyasu, lập nên một trang sử riêng vẻ vang cho mình.
Nhưng cuối cùng, Mitsuhide qua đời trong cảnh trốn chạy, với tư thế một phản thần, để lại một bí mật lớn về nguyên nhân cuộc nổi loạn chống Nobunaga và những dự định sau đó.
9. Kuroda Kanbei (黒田官兵衛)
Xếp vị trí thứ chín trong bảng xếp hạng, Kuroda Kanbei (1546 – 1604) còn được gọi là Kuroda Yoshitaka, là một lãnh chúa thời cuối Chiến quốc đầu Edo.
Là chiến lược gia trưởng và cố vấn cho Toyotomi Hideyoshi, ông nổi tiếng là người có tham vọng lớn. Năm 38 tuổi, Kuroda trở thành một người Công giáo.
Sự nhanh trí, dũng cảm và lòng trung thành với chủ nhân của ông được các thuộc hạ bên dưới rất tôn trọng.
10. Hōjō Sōun (北條早雲)
Hōjō Sōun (1432 – 1519), hay Ise Nagauji, được các sử gia coi là vị lãnh chúa đầu tiên của thời Chiến quốc vì là người đầu tiên tự giành được một tỉnh riêng làm lãnh địa của mình mà không cần sắc lệnh của Hoàng gia hay Mạc phủ.
Ông là người đặt nền móng cho năm đời gia tộc Hậu Hojo vùng Kanto và là tiêu biểu cho tư tưởng kẻ yếu thắng kẻ mạnh – không cần xuất thân, không cần gia thần hùng hậu mà tự giành lấy vinh quang.
Trong suốt cuộc đời của mình, Hōjō Sōun không chỉ được biết đến về tài quân sự, mà còn trong công tác dân trị. Ông được những người nông dân ở Izu và Sagami yêu quý vì nhiều lần giảm tô thuế từ 40% tới 70%, và còn ban hành đạo luật 21 điều răn cho các gia thần của nhà Ise hay Hậu Hojo noi theo.
Như vậy, chúng ta đã biết rõ top 10 vị anh hùng thời Chiến quốc Nhật Bản được yêu thích nhất là những ai rồi đúng không nào! Quả thật, tinh thần thép và tầm nhìn cũng như sự tài ba của họ thật đáng nể trọng. Vậy còn bạn thì sao? Bạn yêu thích vị anh hùng nào nhất? Chia sẻ cho mọi người cùng biết nha! 🤩