Kiếm sĩ Miyamoto Musashi

Kiếm Nhật nổi tiếng không chỉ bởi nó là một vũ khí sắc bén, mà còn bởi nó là một tác phẩm mỹ thuật có giá trị. Thanh kiếm còn được mệnh danh là “linh hồn của người võ sỹ", vì vậy, các võ sỹ Nhật Bản luôn không ngừng rèn luyện kĩ năng dùng kiếm của mình.

Trong đó phải kể đến kiếm sỹ Miyamoto Musashi sống vào thế kỉ 17 tại Nhật, người đã biên soạn tác phẩm “Gorin No Sho" (五輪書, bản tiếng Việt là Ngũ luân thư) – một tập bí thư viết về kiếm pháp.

Quê hương của Miyamoto Musashi

Có 2 giả thuyết về quê hương của Miyamoto Musashi, một giả thuyết cho rằng ông xuất thân tỉnh Hyogo, trong khi thuyết còn lại cho rằng ông sinh tại Okayama. Tuy trong Ngũ luân thư và những ghi chép do những người xung quanh Musashi để lại, nói rằng ông đến từ Hyogo, nhưng những ghi chép khác vào thế kỷ 19 lại ghi là tỉnh Okayama.

Bên cạnh đó, cuốn tiểu thuyết “Miyamoto Musashi" của tác giả ăn khách Yoshikawa Eiji cũng đề cập đến việc Musashi xuất thân tại tỉnh Okayama, khiến thành phố Mimasaka – nơi được đông đảo độc giả biết đến với tư cách là quê hương của Musashi – trở thành địa điểm phát triển du lịch.

Tuy nhiên, giới nghiên cứu lại cho rằng tỉnh Hyogo mới chính xác là quê hương của Musashi. Và tại một công viên nhỏ nằm trong khu dân cư của tỉnh Hyogo có đặt tảng đá khắc chữ kỉ niệm nơi sinh ra Musashi.

Địa điểm Công viên Miyamoto (宮本公園)
Địa chỉ 183 Miyamoto, Taishi-cho, Ibo-gun, tỉnh Hyogo
Bản đồ

Giai thoại về Miyamoto Musashi

Cha của Musashi là một kiếm sỹ tài ba, vì vậy mục đích của ông khi trở thành một kiếm sỹ là vượt qua được cha mình.

Năm 13 tuổi, Musashi thắng cuộc trong trận quyết đấu đầu tiên và kể từ đó ông chưa bao giờ bại trận trong suốt cuộc đời kiếm sỹ của mình.

Năm 21 tuổi, một mình Musashi đã chiến đấu và hạ gục tất cả kiếm sỹ khác tại Võ đường Yoshioka (吉岡道場) – nơi đã đào tạo bao đời Shogun ở Kyoto, và từ đó danh tiếng của ông lan truyền khắp Nhật Bản.

Tiếp đến, trong cuộc vây hãm Osaka (tiếng Nhật là 大坂の陣) vào năm 1614~1615, khi Tokugawa Ieyasu tấn công Thành Osaka, ông được Mizuno Katsunari – một thuộc hạ của Ieyasu chiêu dụ và đã tham gia vào cuộc chiến.

Một thời gian sau, ông gặp gỡ Thành chủ của Thành Himeji (lúc này Thành Himeji được xem là di sản thế giới) và trở thành người giảng dạy tại Võ đường kiếm thuật nơi đây. Ông phát triển phong cách kiếm pháp Nitoryu (二刀流) (kiếm pháp này dùng một cặp kiếm thay vì 1 thanh như thông thường, còn được gọi là Phái song đao) của riêng mình và sáng lập ra trường phái Niten Ichiryu (二天一流).

Trận quyết đấu Ganryu-jima

Nhắc đến giai thoại nổi tiếng nhất của Miyamoto Musashi có lẽ phải kể đến trận quyết đấu tại Funashima – một hòn đảo nhỏ thuộc tỉnh Yamaguchi.

Năm 1612, khi Musashi 29 tuổi, ông đã quyết đấu và đánh bại Sasaki Kojiro – một kiếm sỹ theo phong cách kiếm pháp Ganryu (巌流). Giai thoại về trận đấu này đã khiến hòn đảo Funashima bé nhỏ được biết đến với cái tên Ganryu-jima (đảo Ganryu)

Lúc bấy giờ, vũ khí mà Sasaki Kojiro dùng là một thanh kiếm dài 1 mét. Với thanh kiếm này, ông đã phô diễn tuyệt chiêu chí tử “Tsubame Gaeshi" (燕返し) – kiếm pháp có thể chém được cả chim én đang bay trên bầu trời.

Giai thoại về trận đối đầu giữa Musashi và Kojiro vẫn được lưu truyền rộng rãi cho đến ngày nay, đến nỗi hầu như nhắc đến một người thì người ta sẽ nghĩ ngay đến người còn lại. Thậm chí hai cái tên “Musashi" và “Kojiro" còn được gắn với hai thành viên của Biệt đội hoả tiễn (Rocket Team) trong bộ anime nổi tiếng “Pokemon".

Không chỉ là trong các tác phẩm nghệ thuật, mà trên thực tế, cuộc thi đấu giữa các nhóm đối đầu thuộc các môn phái võ thuật khác thỉnh thoảng cũng được tổ chức ở Ganryujima.

Đảo Ganryu-jima hiện đã được trang bị đầy đủ tiện nghi phục vụ cho du lịch, du khách có thể đi phà đến tham quan nơi đây.

Địa điểm Đảo Ganryu-jima (巌流島)
Trang chủ https://shimonoseki-kgb.jp/spot/%E5%B7%8C%E6%B5%81%E5%B3%B6%EF%BC%88%E8%88%9F%E5%B3%B6%EF%BC%89/
Địa chỉ Đảo Funashima, Hikoshima, thành phố Shimonoseki, tỉnh Yamaguchi
Bản đồ

Tác phẩm “Gorin No Sho" (Ngũ luân thư)

Vào những năm cuối đời, ông biên soạn quyển sách “Gorin No Sho" (五輪書, tạm dịch Ngũ luân thư) viết về kiếm pháp cùng những đúc kết của bản thân mình. Tác phẩm này được ông viết dựa trên quan niệm về ngũ luân trong Phật giáo Mật tông, tức 5 vòng tròn tái sinh gồm “Địa", “Thuỷ", “Hoả", “Phong", “Không", đồng thời cũng viết về quá trình thành lập và các bí kíp của trường phái kiếm pháp Niten Ichiryu mà ông đã lập ra.

Bản gốc Musashi viết đã bị đốt cháy, hiện chỉ còn sót lại một vài bản sao được dịch, chú giải bằng tiếng Nhật hiện đại và xuất bản. Ngoài ra, sách còn được dịch sang các ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, thậm chí còn có bản song ngữ Nhật-Anh, ngoài ra tác phẩm còn trở thành tài liệu học tiếng Nhật của những ai yêu thích Samurai.

Bên cạnh đó, tại Nhật Bản, người ta gọi Thế vận hội Olympic là “Gorin" (五輪, chữ Hán là Ngũ Luân, tức 5 vòng tròn). Điều này là bởi vì thứ nhất, Gorin (5 vòng tròn) là kí hiệu của Olympic, thứ hai, Gorin còn là ý tưởng được lấy từ tác phẩm “Gorin No Sho" của Miyamoto Musashi, thứ ba, về mặt kí tự thì viết “Gorin" sẽ ngắn gọn hơn viết “Olympic", vì vậy mà các toà soạn báo khá ưa chuộng việc dùng “Gorin" thay cho “Olympic".