Dạo quanh lịch sử Osaka (4) – Hành trình trở thành thành phố Osaka “bếp của thiên hạ”

Dạo quanh lịch sử Osaka (phần 1)" đã giới thiệu đến bạn đọc về Osaka thời cổ đại, “Dạo quanh lịch sử Osaka (phần 2)" lại kể tiếp câu chuyện cho đến giai đoạn Thành Osaka được xây nên và “Dạo quanh lịch sử Osaka (phần 3)" đã cho chúng ta những cái nhìn về Toyotomi Hideyoshi – người xây dựng nên Thành Osaka.

Kỳ này xin giới thiệu đến bạn đọc một Osaka từ sau cái chết của Hideyoshi.

Thành Osaka thất thủ

Toyotomi Hideyoshi qua đời, hậu duệ là con trai Hideyori còn quá nhỏ, một cuộc chiến tranh giành vai trò giám hộ cho Hideyori đã nổ ra giữa các gia thần. Để rồi Tokugawa Ieyasu – người đặt nền móng cho Tokyo sau này trở thành kẻ thắng cuộc.

Tượng đồng Tokugawa Ieyasu ở thành Sunpu, tỉnh Shizuoka

Ieyasu đã mưu tính chuyện tách khỏi vùng Kansai – trung tâm chính trị của nước Nhật từ bấy lâu để xây dựng Edo (nay là Tokyo) thành trung tâm của chính quyền võ sỹ. Tuy vậy dời đô là chuyện vô cùng hệ trọng, thêm nữa, dời đô đến Edo mà cứ để nhà Toyotomi với sức ảnh hưởng rất lớn đến giới võ sỹ Kansai ở lại Osaka như thế cũng không tránh khỏi mầm mống tai hoạ. Vì thế Ieyasu bắt nhà Toyotomi chuyển đến Edo hòng cách li họ khỏi giới võ sỹ Kansai.

Thế nhưng, phía Toyotomi cự tuyệt và bắt đầu chuẩn bị cho chiến tranh. Về phần mình, Ieyasu cũng lo sợ cánh Toyotomi sẽ trở thành hiểm hoạ cho Edo nên đã tập hợp quân đội. Căng thẳng giữa Edo và Osaka tiếp tục leo thang, rồi chiến sự nổ ra và Ieyasu giành phần thắng.

Tượng đồng võ sỹ chiến đấu giữ thành trong trận đánh vào thành Osaka

Kết quả là Ieyasu ngồi vào ghế Tướng quân, vị trí cao nhất của chính quyền võ sỹ. Trung tâm chính trị của cả nước chuyển từ Osaka về Edo.

Thành Osaka về sau

Thành Osaka sau khi về dưới quyền quản lý của nhà Tokugawa đã trải qua những cuộc đại trùng tu nhằm xoá sạch những dấu vết mang đậm dấu ấn Toyotomi. Nhưng về sau nó lại nhiều lần rơi vào bể lửa.

Khoảng 250 năm sau – năm 1868 – Tướng quân Tokugawa đời thứ 15 trao trả chính quyền cho Thiên Hoàng. Các đời Thiên Hoàng bấy lâu sống ở Kyoto nay dời về Edo và Edo được đổi tên thành Tokyo. Thành Edo trước là nơi ở của Tướng quân thì nay thành nơi ở của Thiên Hoàng, còn Tướng quân chuyển đến Thành Osaka sống.

Thế nhưng chỉ 20 ngày sau khi Tướng quân chuyển đến, thành Osaka lại rơi vào tay thế lực đối địch nhà Tokugawa, tướng quân phải quay về Tokyo. Trong cơn hỗn loạn, lửa bốc lên làm cho Thành Osaka bị thiêu rụi.

Sau này Thành Osaka được tân chính phủ ở Tokyo cho xây dựng lại, nhưng trong Thế chiến thứ hai, Thành được sử dụng cho mục đích quân sự và trở thành mục tiêu bị không kích. Thành Osaka lại một lần nữa bị thiêu rụi. Ngôi thành ngày nay được phục dựng và sửa chữa sau Thế chiến.

Nét văn hoá Osaka còn tồn tại đến ngày nay

Osaka từ xưa đã là một trung tâm kinh tế – thương mại nên ở Osaka phát triển một nền văn hoá rất độc đáo. Đặc biệt, văn hoá ẩm thực ở Osaka là nền móng cho các món ăn Nhật, đến độ người ta gọi Osaka là “căn bếp của thiên hạ".

Ngày nay, trên các con phố buôn bán ở Osaka vẫn luôn có rất nhiều người vãn cảnh và trải nghiệm các tour ẩm thực. Nếu có dịp đến Nhật Bản, bạn không thể không đến với Osaka để nuông chiều tâm hồn ăn uống của mình, đồng thời có những trải nghiệm khó quên ở thành phố dung hoà giữa nếp sống của người dân và dòng lịch sử lâu đời này.