Nghệ thuật thủ công truyền thống vùng Oku-Aizu (tỉnh Fukushima) (1) – vải gai

Tại Nhật Bản, vải gai được mệnh danh là một trong các chất liệu thời trang tự nhiên cao cấp nhất. Từ hàng trăm năm trước cư dân bản địa đã biết dùng cây gai để dệt vải và theo thời gian, nghề dệt vải gai trở thành nét truyền thống độc đáo của nhiều nơi, trong đó có làng Showa thuộc vùng Oku-Aizu, tỉnh Fukushima.

Vải gai tại Nhật Bản

Cây gai dầu có tên tiếng Nhật là choma (苧麻) hay karamushi (からむし). Cái đưa vải gai trở thành ngôi sao của mùa hè tại Nhật chính là khả năng thấm hút vượt trội, mang đến cảm giác thoáng mát, nhẹ tênh cho người mặc.

(ảnh: karamushi.co.jp)

Loại cây này đã từng được trồng rộng rãi khắp Nhật Bản nhưng hiện nay bạn chỉ có thể thấy những cánh đồng gai dầu tại hai vùng duy nhất là làng Showa (tỉnh Fukushima) và đảo Miyakojima (tỉnh Okinawa).

Điểm chung lớn nhất của các dòng vải gai nổi tiếng như Miyako Jofu (Okinawa), Oku-Aizu Showa (Fukushima), v.v. là toàn bộ quá trình dệt được thực hiện hoàn toàn thủ công. Người thợ sẽ bắt đầu từ bước thu hoạch cây gai và trải qua nhiều công đoạn khác nhau trong hơn một năm mới có thể tạo ra một cuộn vải gai truyền thống đạt tiêu chuẩn.

(ảnh:michieki-showa.shop.com)

Giá trị của vải gai tại Nhật Bản cũng nhờ đó mà được nâng cao và có cả những sản phẩm như vải nhuộm Miyako Jofu đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quan trọng của quốc gia.

Vải gai truyền thống vùng Oku-Aizu

Vùng Oku-Aizu cụ thể là ngôi làng nhỏ Showa nằm bên trong thung lũng đã phát triển nghề trồng gai dầu và dệt vải hơn 600 năm nay.

Làng Showa (ảnh: www.pref.fukushima.lg)

Năm 2015, vải gai Oku-Aizu Showa (奥会津昭和からむし職) được công nhận là sản phẩm thủ công truyền thống của quốc gia.

Ở Showa, kỹ thuật không chỉ được trao truyền qua các thế hệ gia đình mà còn được mở rộng đến nhiều cư dân ở các tỉnh thành khác. Nổi bật là vào năm 1994, “Chế độ trải nghiệm dành cho thợ dệt nữ” (織姫体験制度) được công bố để thu hút những bạn nữ đến tìm hiểu và tham gia phát triển nghề thủ công dệt vải gai tại ngôi làng bình yên này.

Cư dân địa phương luôn coi đây là một hành trình nhiều ý nghĩa vì được gắn kết trọn vẹn bốn mùa cùng mảnh đất quê hương.

Quy trình sản xuất vải gai

Tháng 5 – tháng 7: thu hoạch cây gai

Theo kiểu truyền thống, những mầm cây đầu tiên sẽ được đem đi đốt cháy (からむし焼き). Được biết cách này giúp diệt trừ sâu bệnh cho cây trưởng thành sau này, đặt biệt phần tro sẽ được tận dụng để làm phân bón tự nhiên cho các cánh đồng gai dầu.

Sau ba năm kể từ khi trồng, cây gai sẽ đạt đến độ cao yêu cầu (khoảng 2m) và được thu hoạch bằng dụng cụ thủ công.

(ảnh : www.kyoto-art.ac.jp)

Tháng 7 – tháng 8: lột vỏ và đánh sợi cây gai

Bằng những dụng cụ đơn giản, người thợ thủ công tách bỏ hoàn toàn lớp vỏ xanh của cây để lộ ra phần sợi trắng bên trong.

 

Tháng 8 – tháng 12: kéo sợi gai

Từng sợi gai một được xoắn với nhau để tạo thành chỉ gai. Công việc này đòi hỏi sự cẩn trọng và tỉ mỉ cao ở người thợ. Riêng việc xoắn sợi cần khoảng 3 tháng để hoàn thành.

Tháng 12 – tháng 3 năm sau: dệt vải gai

Ở làng Showa, mọi tấm vải gai đều được ngâm mình dưới tuyết trắng. Bí quyết này giúp màu vải trở nên trắng sáng hơn ban đầu.

Ngay cả những sản phẩm đã qua sử dụng cũng có thể áp dụng kỹ thuật này để màu nhuộm tươi mới trở lại và vết bẩn sẽ theo tuyết mà tách khỏi vải.

Không gian trải nghiệm vải gai Oku-Aizu Showa

Hai điểm dừng chân sắp được giới thiệu dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về kỹ thuật dệt vải gai đầy tự hào của người Nhật nói chung và người dân làng Showa nói riêng.

Không gian trải nghiệm và trưng bày vải gai

Điện thoại 0241-58-1655
Địa chỉ 1-Uenohara Sagura, làng Showa, Onuma – ku, Fukushima
Thời gian hoạt động 9:00 – 17:00
Vé tham quan miễn phí

Bảo tàng vải gai

Điện thoại 0241-58-1677
Địa chỉ 55, Nibutani, Biratori, quận Saru, Hokkaido
Thời gian hoạt động 9:00 –17:00 (đón khách đến 16:30) * Nghỉ định kỳ từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau
Vé tham quan người lớn 300 JPY, học sinh tiểu học, trung học 150 JPY

Vải gai của làng Showa vùng Oku-Aizu không chỉ đơn thuần là chất liệu thời trang mà còn là sự hiện hữu của văn hoá truyền thống quý báu, là ví dụ cho cách sống gần gũi tự nhiên đậm chất Nhật Bản được trao truyền qua bao thế hệ.

(ảnh: 昭和村「たべるからむし」)