Linh vật địa phương, sáng tạo độc đáo của người Nhật

Hiếm có quốc gia nào trên thế giới mà các linh vật (ゆるキャラ – yuru kyara) lại trở thành những ngôi sao quốc tế với hàng trăm nghìn người hâm mộ như Nhật Bản. Vẻ kawaii (dễ thương) đầy thu hút của các linh vật xuất hiện ở mọi nơi trên đất nước này, kể cả những địa điểm mà bạn không ngờ tới như bệnh viện, suối nước nóng hay thậm chí là nhà tù nữa đấy!

Linh vật Nashikankun (なしかんくん) của nhà tù vị thành niên Nara, Nhật Bản (nguồn: Bộ Tư pháp Nhật Bản)

Điều đặc biệt nhất của thế giới yuru kyaralinh vật địa phương do chính cư dân và cơ quan hành chính địa phương tạo ra để góp phần quảng bá du lịch văn hoá bản địa.

Nào, các bạn hãy cùng tìm hiểu nhiều điều thú vị xung quanh cơn sốt linh vật địa phương, một sáng tạo độc đáo của người Nhật thông bài viết hôm nay nhé!

Linh vật địa phương Nhật Bản

Sự bùng nổ của linh vật địa phương tại Nhật Bản

Linh vật địa phương bắt đầu được chú ý và bùng nổ mạnh mẽ từ sau sự ra mắt của Hikonyan – linh vật đến từ thành phố Hikone, tỉnh Saga.

(nguồn: Facebook ひこにゃん)

Năm 2006, Hikonyan, chú mèo đội mũ sắt trong bộ giáp samurai, được ra mắt nhân kỉ niệm 400 năm ngày xây dựng lâu đài Hikone. Nhân vật này được sáng tạo từ truyền thuyết lãnh chúa Naokatsu Ii của vùng nhờ có chú mèo thần tài cứu giúp mà thoát khỏi bị sét đánh.

Điệu bộ ngộ nghĩnh của Hikonyan nhanh chóng chiếm sóng ở mọi phương tiện, trở thành điểm thu hút độc đáo của lâu đài và thành phố Hikone.

Với thành công này, Hikonyan được lựa chọn trở thành linh vật địa phương để góp sức cho quảng bá du lịch và văn hóa cho quê hương.


Nhận thấy linh vật địa phương sẽ là vũ khí “độc”, “lạ” trong chiến lược phát triển du lịch bản địa, nhiều tỉnh thành khắp Nhật Bản đã tham gia vào cuộc đua sáng tạo nhân vật đại diện này.

Những linh vật địa phương đến từ các vùng thuộc tỉnh Osaka, Nhật Bản (nguồn: Osaka Museum)

Năm 2010, tại lễ hội lần đầu tiên được tổ chức riêng cho các linh vật: Yuru-Chara Grand Prix, sự xuất hiện của những linh vật địa phương đã ngay lập tức trở thành cơn sốt trên mọi phương tiện truyền thông.

Lễ hội được tổ chức hằng năm với số lượng tham gia liên tục tăng nhanh và ngẫu nhiên trở thành cuộc chiến tuyển chọn ngôi vương đầy kịch tính giữa các linh vật toàn quốc.

Nhật Bản đã xác lập kỉ lục Guinness tại lễ hội Yuru-Chara Grand Prix năm 2013 với tiết mục nhảy tập thể của 141 linh vật trên khắp cả nước.

Những yếu tố tạo nên một linh vật địa phương

Những linh vật địa phương hầu hết được sáng tạo dựa trên ba yếu tố sau:

    • Truyền tải thông điệp mạnh mẽ về tình yêu và niềm tự hào đối với vùng đất mình đại diện.
    • Cử động ngộ nghĩnh, độc đáo, ngả nghiêng hoặc lúng túng
    • Thiết kế không cần phức tạp nhưng vẫn tạo được ấn tượng mạnh, cảm giác gần gũi và đáng yêu.
Linh vật Janboru (ジャンボ~ル) đại diện cho nông sản đặc trưng của thị trấn Nyuzen, tỉnh Toyama (nguồn:Facebook ジャンボ~ル三世後援会)

Mỗi linh vật địa phương thường có tên riêng, giới tính, nơi sinh, sở thích, tính cách, v.v. và đều mang một câu chuyện đặc biệt về sự ra đời của mình. Điều thú vị là mọi người dân Nhật Bản đều có thể đóng góp ý tưởng và thiết kế linh vật cho những địa phương khác nhau. Đó cũng là chìa khóa giúp các linh vật trở nên gắn kết chặt chẽ với cộng đồng.

Công cụ hữu hiệu giúp xây dựng và phát triển địa phương

  • Tạo hình ảnh đẹp, thân thiện trong quản lí địa phương

Nhiều cơ quan hành chính tại Nhật Bản đã và đang sử dụng hình ảnh các linh vật địa phương để đưa thông tin đến người dân một cách gần gũi nhất. Điều này cũng giúp các cơ quan quản lí tạo được thiện cảm với cư dân.

Hướng dẫn phòng chống COVID-19 của thành phố Iga, tỉnh Mie ( nguồn: 伊賀市)
Linh vật Omapyon của thành phố Omachi, tỉnh Nagano đeo khẩu trang kêu gọi phòng chống COVID-19
  • Hỗ trợ quảng bá du lịch, đóng góp nguồn thu nhập khổng lồ cho địa phương

Chỉ cần nhìn vào những linh vật “độc”, “lạ” có thiết kế gắn liền với các đặc trưng địa phương, chúng ta đã có thể gọi tên và nhớ đến những điểm thu hút của vùng đất mà chúng đại diện.

Hình ảnh dễ thương đi kèm cử chỉ ngộ nghĩnh mỗi khi xuất hiện tại các điểm tham quan, sự kiện đặc biệt chính là bí quyết giúp các linh vật được yêu mến và thu hút du khách trong và ngoài nước đến với quê hương.

Linh vật Kumamon của tỉnh Kumamoto tại các điểm du lịch nổi tiếng của vùng (nguồn: 熊本県ホームページ)

Các linh vật địa phương còn được đầu tư quảng bá rầm rộ trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau để tăng thêm danh tiếng cho bản thân và vùng đất của mình.

Không những cập nhật lịch trình hoạt động, hình ảnh lên trang Facebook, Twitter, Instagram, v.v., những ngôi sao như Kumamon, Hikonyan, Funasshi còn có những buổi giao lưu với người hâm mộ khắp cả nước.

Linh vật Funasshi của thành phố Funabashi (tỉnh Chiba) có 32,5 nghìn lượt theo dõi tại Instagram và 27,8 nghìn người đăng ký trên kênh Youtube (nguồn: Twitter ふなっしー💙 (@funassyi))

Sự nổi tiếng của các linh vật địa phương không chỉ thu hút lượng lớn du khách mà còn giúp những món quà lưu niệm, sản phẩm gắn liền với hình ảnh của chúng được yêu mến và sưu tầm trên toàn thế giới.

Linh vật Kumamon là một trong những ngôi sao ở vai trò này khi mang đến nguồn thu khổng lồ cho tỉnh Kumamoto. Theo số liệu từ buổi họp của tỉnh vào tháng 2/2020, riêng trong năm 2019, các sản phẩm liên quan đến linh vật này đã mang về khoản thu trị giá hơn 150 tỷ yên (khoảng hơn 34 nghìn tỷ đồng).

 (nguồn: Flickr chinnian )

Một số linh vật địa phương độc đáo

Nejiri Honnyo (thành phố Kurihara, tỉnh Miyagi)


Nejiri Honnyo tuy được sáng tạo từ hình ảnh rất bình dị, quen thuộc với mọi cư dân thành phố nhưng lại là điểm độc đáo chỉ có thấy trên các cánh đồng của Kurihara vào mùa thu.

 (nguồn: Facebook 栗原市観光物産協会)

Mỗi linh vật địa phương đều là một cư dân đặc biệt quan trọng, xuất hiện ở mọi hoạt động, sự kiện lớn nhỏ của quê hương mình.

Neji Honnyo quảng bá cho hoạt động hái dâu tây tại vườn của thành phố Kurihara (nguồn: Facebook 栗原市観光物産協会)

Nếu bạn yêu mến Nejiri Honnyo, hãy lên kế hoạch ghé thăm thành phố Kurihara hoặc sưu tầm các vật phẩm liên quan đến linh vật này tại cửa hàng online Nejiri Honnyo Yasan nhé!

Komakiyama (thành phố Komaki, tỉnh Aichi)


Komakiyama không chỉ đảm nhận vai trò quảng bá du lịch cho thành phố mà còn tham gia những buổi giao lưu tại trường học, giúp các em tìm hiểu và thêm yêu mến vùng đất mình sinh sống.

Komakiyama trong một buổi giao lưu đấu võ Sumo tại trường mầm non (nguồn: Facebook こまき山)
Truyện tranh về linh vật Komakiyama và tinh thần quyết tâm thực hiện hóa giấc mơ của cư dân thành phố (nguồn: こまき山公式サイト)

Umiemon (thị trấn Akkeshi, tỉnh Hokkaido)

Năm 2014, cuộc thi thiết kế linh vật cho thị trấn Akkeishin được chính quyền địa phương phát động trên phạm vi toàn quốc và 886 bài dự thi đã được gửi về trong vòng hai tháng tổ chức.

Từ số lượng bài dự thi khổng lồ, 5 mẫu linh vật dưới đây đã được lựa chọn để bước vào vòng chung kết: vòng bình chọn của cư dân địa phương.

Linh vật địa phương thường được bầu chọn dựa theo kết quả bỏ phiếu của chính cư dân nơi đó bằng cách bỏ phiếu trực tiếp tại nơi trưng bày hoặc gửi phiếu qua đường bưu điện, thư điện tử, địa chỉ fax.

Vượt qua nhiều đối thủ nặng kí, thiết kế Umiemon với vẻ ngoài đậm chất cư dân vùng biển Akkeshi đã được lựa chọn làm linh vật chính thức.

Umiemon tại lễ hội Yuru-Chara Grand Prix (nguồn: Facebook うみえもん)
Umiemon trong buổi diễu hành đường phố của thị trấn Akkeshi (nguồn: Facebook うみえもん)

Tổng kết

Mỗi linh vật địa phương đều là minh chứng của tình yêu và sự gắn kết mà cư dân dành cho vùng đất của mình. Tương tự như nắp cống nghệ thuật địa phương, linh vật địa phương cũng là một sáng tạo độc đáo khác được kết hợp giữa niềm tự hào dân tộc và phát triển du lịch mà Nhật Bản mang đến cho thế giới.

Tại Việt Nam, có lẽ bạn đã bất gặp ở đâu đó hình ảnh linh vật Danang FantastiCity với vẻ ngoài bắt mắt và gương mặt tươi tắn. Danang FantastiCity đại diện cho du lịch thành phố Đà Nẵng mau chóng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, mang đến ấn tượng mới lạ cho thành phố.

 Danang FantastiCity với logo hình ảnh cách điệu của địa điểm du lịch nổi tiếng Ngũ Hành Sơn  (nguồn: Facebook Danang FantastiCity)

Tuy nhiên, không phải tất cả người dân thành phố đều nhớ mặt người bạn đặc biệt này. Có lẽ vì hình ảnh linh vật chủ yếu được giới thiệu đến những du khách phương xa, ít gắn liền với các hoạt động bình thường khác của thành phố nên vẫn còn xa lạ với chính cư dân tại đây.

Bạn nghĩ sao về việc thiết kế một linh vật dành tặng cho quê hương mình?

Linh vật tại Đà Nẵng có thể sẽ là một khởi đầu phù hợp để các tỉnh thành khác cùng nhau thực hiện các chiến lược quảng bá du lịch địa phương với nhiều kì vọng, như Nhật Bản đã làm được vậy!