Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (7) – Người Nhật đầu tiên đến Việt Nam
Ở bài “Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (phần 6)“, tôi đã giới thiệu với các bạn về “văn hóa Hakuho" nở rộ ở kinh thành Fujiwara rồi nhỉ.
Chuyển đến kinh thành Heijo
Sau khi Thiên Hoàng thứ 41 – Jitou, người đã xây dựng nên kinh thành Fujiwara qua đời, vị Thiên Hoàng kế vị đã một lần nữa xây dựng lại mối quan hệ ngoại giao với nhà Đường. Sau đó, vào năm 710, thời đại của Thiên hoàng thứ 43 Genmei, thì kinh thành mới – kinh thành Heijo đã được xây dựng tại kinh đô, tức là thành phố Nara, tỉnh Nara ngày nay.
Những năm gần đây, di tích thành Heijo đã được sửa sang lại, khu chính điện và cổng chính cũng được xây dựng lại.
Địa danh | Di tích thành Heijo (平城京跡) |
Trang web | https://www.heijo-park.jp/ |
Số điện thoại | 0742-27-8945 |
Địa chỉ | 30 phố Nobori Ooji, thành phố Nara, tỉnh Nara |
Bản đồ |
|
Thời gian mở cửa | 9:00 ~ 16:00 Ngày nghỉ: Thứ 2 hàng tuần (nếu thứ 2 trùng với ngày nghỉ lễ thì sẽ nghỉ bù vào ngày tiếp theo), Tết |
Khoảng thời gian từ khi kinh đô được chuyển đến thành Heijo năm 710 đến năm 794 – khi kinh đô được chuyển đến Kyoto, trong lịch sử Nhật Bản được gọi là “Thời đại Nara".
Thành Heijo được gọi là “điểm cuối cùng của con đường tơ lụa", là một đô thị mang tầm quốc tế. Không chỉ người dân của Bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc đại lục, cả người Ấn Độ cũng hay lui tới nơi đây. Nơi minh chứng rõ nhất cho điều đó chính là căn nhà kho báu Shosoin ở chùa Todai-ji. Ở đây tập hợp vô vàn những tác phẩm mỹ thuật – thủ công mỹ nghệ tuyệt đẹp từ thời cổ đại như là mặt nạ, nhạc cụ, đồ thủy tinh, đồ gốm, đao kiếm, đồ gỗ, đồ sơn mài, đồ kim loại, sổ sách, tranh vẽ,… không chỉ của Nhật Bản mà còn của Trung Quốc, Trung Á, Ba Tư,… Các bạn có thể thử tìm kiếm các tác phẩm ở nhà kho báu tại đây (tiếng Anh).
Chùa Todai-ji được xây dựng vào năm 742 bởi Thiên Hoàng thứ 45 Shomu. Thiên Hoàng Shomu thời bấy giờ đã cai trị Nhật Bản bằng sức mạnh của Phật giáo, ông cho xây dựng những ngôi chùa được gọi là “Kokubun-ji" ở khắp các địa phương trên toàn nước Nhật. Vì vậy mà ngày nay vẫn còn nhiều địa phương ở Nhật Bản có địa danh mang tên “Kokubun-ji". Ông cũng cho xây dựng một tượng Phật khổng lồ, có ảnh hưởng to lớn đến văn hóa – lịch sử Nhật Bản cho đến ngày nay.
Địa danh | Chùa Todai-ji (東大寺) |
Trang web | http://www.todaiji.or.jp/index.html |
Số điện thoại | 0742-22-5511 |
Địa chỉ | 406-1 phố Zoshi, thành phố Nara, tỉnh Nara |
Bản đồ |
|
Thời gian mở cửa | Tự do ra vào cổng. Vào các toà nhà thì có thu phí.
Điện Daibutsu – Sảnh Hokkei – Sảnh Kaidai Bảo tàng Todai Vào mùa hè sẽ bật đèn đến 22:00 Vé: Học sinh trung học cơ sở trở lên: 600 Yên |
Cuộc đời thăng trầm của Abe no Nakamaro
Nhân đây thì người Nhật Bản đầu tiên đến Việt Nam được ghi chép lại trong sổ sách cũng là người của thời kỳ này. Một sứ giả đã bị trôi dạt trên đường rời khỏi Trung Quốc, rồi lạc vào xứ An Nam và vương quốc Chăm Pa (thuộc Việt Nam hiện nay).
Người bị trôi dạt đó chính là Abe no Nakamaro, một quan chức ưu tú. Năm 717, ông đến nhà Đường của Trung Quốc tham dự và đỗ kỳ thi quan chức vô cùng khó của Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, ông được gọi là Triều Hành, phụng sự cho Hoàng đế Đường Huyền Tông và có mối quan hệ bằng hữu thân thiết với nhà thơ nổi tiếng Lý Bạch. Vì quá tài giỏi nên dù có mong muốn được về nước nhưng Hoàng đế lại không cho phép. Mãi đến năm 752 ông mới được cho phép về nước. Thời điểm đó là đã 35 năm kể từ khi ông đến nhà Đường.
Năm đó, sau khi xuất phát quay về Nhật Bản, ông không may gặp phải một cơn bão trên đường đi. Tin tức này đã truyền đến nhà Đường, và họ nghĩ rằng Abe no Nakamaro đã chết. Người bằng hữu thân thiết Lý Bạch đã vô cùng đau buồn và để lại một bài thơ thương tiếc cho sự ra đi của ông. Tuy nhiên, Nakamaro vẫn còn sống. Nơi mà ông trôi dạt đến chính là thành phố Vinh của Việt Nam hiện nay.
Abe no Nakamaro đã quay lại nhà Đường, và Hoàng đế đã nói rằng “vì quá nguy hiểm", nên ông sẽ không cho phép Nakamaro hồi hương lần nào nữa. Nakamaro đành từ bỏ mong muốn trở về nước của mình và quyết định phục vụ nhà Đường đến cuối đời.
Sau khi dạt vào Việt Nam, ông trở thành An Nam tiết độ sứ và sống ở Hà Nội 6 năm kể từ năm 761. Vào những năm cuối đời, ông quay trở lại kinh đô của nhà Đường là Trường An và kết thúc cuộc đời mình ở đó.
Nakamaro giành phần lớn cuộc đời mình cho nhà Đường nên ở Trung Quốc có rất nhiều địa danh gắn liền với ông, nhưng nơi ông được sinh ra lại là Abemonju-in – nơi ở chính của gia đình Abe nằm ở tỉnh Nara, Nhật Bản. Nơi đây hiện nay lưu giữ những hiện vật của ông và thờ tượng của Nakamuro, bức tượng được hoàn thành năm 1985.
Địa danh | Abemonju-in (安部文珠院) |
Trang web | http://www.abemonjuin.or.jp/ |
Số điện thoại | 0744-43-0002 |
Địa chỉ | 645 Abe, thành phố Sakurai, tỉnh Nara |
Bản đồ |
|
Thời gian mở cửa | 9:00 ~ 17:00
Vào cổng miễn phí. Vào sảnh chính và sảnh Nakamuro có thu phí riêng. Ở sảnh chính có matcha và bánh kẹo, có thể xin bùa ở sảnh Nakamuro. |