Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (5) – Trận Bạch Giang một thất bại mang tính lịch sử
Ở bài “Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (phần 4)" lần trước, tôi đã kể cho các bạn câu chuyện về Hoàng thái tử Naka no Ooe và Trung thần Nakatomi no Kamatari tiêu diệt gia tộc Soga đầy tham vọng trong thời đại của Thiên Hoàng thứ 35 Kogyoku.
Hoàng thái tử Naka no Ooe sau đó lại tiếp tục phò trợ cho Thiên Hoàng mới – Thiên Hoàng Kotoku.
Hoàng thái tử Naka no Ooe kiên quyết từ chối việc trở thành Thiên Hoàng
Thiên Hoàng Kotoku đã dời kinh đô từ Nara đến Osaka và tổ chức bộ máy chính trị ở đó (xem thêm tại “Dạo quanh lịch sử Osaka (phần 1)“).
Tuy nhiên, Thiên Hoàng Kotoku và Hoàng thái tử Naka no Ooe bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn, bất đồng trong quan điểm và ý kiến. Hoàng thái tử quay trở về Nara, còn Thiên Hoàng Kotoku thì qua đời trong sự tức giận và cô độc.
Hoàng thái tử Naka no Ooe – người được kỳ vọng sẽ là Thiên Hoàng tiếp theo, lại kiên quyết từ chối ngôi vị này. Cuối cùng, Thiên Hoàng Kogyoku lại một lần nữa lên ngôi, được gọi là Thiên Hoàng Saimei.
Trận Bạch Giang – Thất bại mang tính lịch sử
Trong khoảng thời gian này, Nhật Bản vẫn đang trong giai đoạn chiến tranh với nước Tân La thuộc bán đảo Triều Tiên, đã được giới thiệu trong “Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (phần 2)“. Bên cạnh đó, việc nhà Tùy của Trung Quốc công nhận Nhật Bản là một quốc gia, đã được giới thiệu ở “Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (phần 3)“, nay đã bị nhà Đường hủy bỏ.
Vào năm 660, Bách Tế – quốc gia đồng minh của Nhật Bản đã bị Tân La tấn công. Vì sự an nguy của Bách Tế, Thiên Hoàng Saimei đã phái quân đội của mình đến hỗ trợ, đồng thời đích thân bà cũng lên đường đến Bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, chưa kịp đến Bán đảo Triều Tiên, bà đã qua đời tại Kyushu. Hoàng thái tử Naka no Ooe tiếp tục dẫn đoàn quân của Thiên Hoàng Saimei hướng đến Triều Tiên, nhưng vẫn không lên ngôi Thiên Hoàng.
Thế nhưng, Tân La đã thông đồng với nhà Đường, đón đánh quân đội Nhật. Năm 663, hai đội quân đã giao chiến tại Bạch Thôn Giang – tức là cửa sông Cẩm Giang của Bán đảo Triều Tiên. Đây chính là “Trận Bạch Giang" nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản. Cuối cùng, Nhật Bản thảm bại. Trong lúc bị quân Tân La truy cùng giết tận, quân đội Nhật Bản đã tập hợp những người Bách Tế còn sống sót đang lưu lạc trên các quốc gia khác, và bằng cách nào đó quay trở về Nhật Bản.
Cùng lúc đó, nhà Đường đem quân sang tấn công Cao Ly – đầu não của khu vực Bắc Triều Tiên, Tân La khống chế toàn bộ Bán đảo Triều Tiên, kẻ thù địch với nhà Đường cuối cùng chỉ còn lại Nhật Bản.
Sau khi trở về Nhật Bản, Hoàng thái tử Naka no Ooe vẫn không lên ngôi mà tiếp tục phò tá cho Thiên Hoàng, đặc biệt là tăng cường bảo vệ lãnh thổ.
Cuối cùng, Hoàng thái tử Naka no Ooe cũng lên ngôi
Để ngăn chặn chiến tranh, Nhật Bản đã chủ trương thiết lập mối quan hệ giao hữu với nhà Đường.
Cuối cùng, 5 năm sau Trận Bạch Giang, tức là năm 668, Hoàng thái tử Naka no Ooe đã lên ngôi Thiên Hoàng Tenji. Người thân cận bên cạnh ông là Nakatomi no Kamatari đã được ban họ “Fujiwara".
Với tư cách là Thiên Hoàng, ông đã phái một sứ giả sang nhà Đường với mong muốn những tù binh người Nhật sẽ được trả về. Ngoài ra, ông cũng nỗ lực củng cố đất nước bằng nhưng việc như đưa ra luật pháp cho chế độ trung ương tập quyền, lập ra chế độ hộ tịch đầu tiên tại Nhật.