Danh khuyển của Nhật Bản – Chú chó Hachiko trung thành

Trước khi lịch sử nhân loại được ghi lại bằng chữ viết, chó và người đã có mối quan hệ thân thiết. Ở Nhật Bản đã lưu truyền không ít câu chuyện về tình cảm đáng quý giữa người và chó, nhưng nổi tiếng nhất chính là câu chuyện về chú chó Hachiko (ハチ公).

Chuyện về chú chó Hachiko trung thành

Hachi thuộc giống chó Akita, sinh vào ngày 10/11/1923 tại thành phố Oodate, tỉnh Akita. Đầu năm mới, Hachi được đưa về nuôi bởi Ueno – một giáo sư Khoa nông nghiệp tại trường Đại học Tokyo sống tại quận Shibuya.

Hachi rất quý mến và quấn quýt ông chủ của mình, đến nỗi mỗi ngày khi ông chủ ra khỏi nhà, chú đều tiễn chủ đến tận nhà ga Shibuya. Tuy nhiên, vào năm tiếp theo sau khi Hachiko được nhận nuôi – năm 1925, giáo sư Ueno đã đột ngột qua đời ngay tại nơi làm việc.

Vào ngày hôm ấy, Hachi cũng đến nhà ga Shibuya và chờ đợi giáo sư Ueno trở về như mọi ngày. Sau khi ông chủ mất, chú được một gia đình khác đưa về nuôi. Chú rất ngoan ngoãn ở nơi sống mới, nhưng mỗi ngày cứ đến khoảng thời gian trở về của giáo sư Ueno là chú lại ra khỏi nhà và chạy đến ga Shibuya để tiếp tục chờ ông chủ của mình.

Câu chuyện về Hachi đã nhanh chóng được đưa lên các trang báo và làm cảm động rất nhiều người trên khắp nước Nhật. Từ bao đời nay, chỉ có giới quý tộc hay vĩ nhân mới được thêm chữ Ko (公) mang hàm ý kính trọng vào sau tên gọi, chỉ có Hachi ngoại lệ được mọi người ưu ái gọi là Hachiko. Nhà điêu khắc Ando Teru (安藤照) đã cảm động trước câu chuyện của Hachi và tạc tượng chú, đem đặt trước cửa ga Shibuya vào năm 1934.

Sau đó vào năm 1935, 10 năm sau ngày mất của giáo sư Ueno, Hachi mất và được tìm thấy ở gần nhà ga Shibuya. Đám tang của chú được tổ chức tại nhà ga Shibuya tựa như đám tang của một con người và rất nhiều người đã đến viếng chú lần cuối.

Câu chuyện cảm động của Hachi đã được chuyển thể thành phim vào năm 1987 và nhanh chóng được biết đến trên toàn nước Nhật. Năm 2009, phim được làm lại tại Mỹ với vai chính do Richard Gere đảm nhận, kéo theo cuộc bùng nổ về giống chó Shiba và Akita – giống của Hachiko – trên khắp thế giới.

Vùng đất liên quan đến Hachiko

Chú chó Hachiko được cả nước Nhật yêu mến đã được lưu lại trong nhiều tác phẩm.

1. Tượng đồng Hachiko (ハチ公像)

Bức tượng của Hachiko được đặt ngay tại quản trường ở giao lộ đông kín người qua lại trước ga Shibuya. Thực ra đây là bức tượng thứ hai, còn bức tượng đồng Hachiko đầu tiên do Ando Teru điêu khắc đã được dùng để chế tạo linh kiện của động cơ trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Sau khi chiến tranh kết thúc, con trai của Ando Teru đã làm lại bức tượng Hachiko và đặt trước cửa ga cho đến ngày nay.

Còn tại quê hương của Hachiko, tức thành phố Oodate tỉnh Akita – nơi được gọi là quê hương của loài chó Akita – cũng có một bức tượng Hachiko y hệt vậy.

Địa chỉ 1-2 Dogenzaka, Shibuya-ku, Tokyo

2. Nghĩa trang Aoyama (青山霊園)

Nghĩa trang công lập ở Tokyo không chỉ là nơi yên nghỉ của những người bình thường mà còn của rất nhiều người nổi tiếng. Không chỉ là nghĩa trang với những ngôi mộ bia đá, nơi đây còn được xây dựng như một công viên và là địa điểm du lịch nổi tiếng.

Đây cũng chính là nơi an nghỉ của người chủ của Hachiko – giáo sư Ueno. Ngôi mộ nằm ngay trên lối đi chính Higashisandoori của nghĩa trang nên rất dễ nhận biết, và đến hiện tại vẫn nhận được nhiều lượt viếng thăm của du khách.

Tại văn phòng quản lý nghĩa trang Aoyama có bản đồ tiếng Anh, trong đó có chú thích rõ địa điểm mộ của Hachiko dành cho những ai muốn viếng thăm chú.

Địa chỉ 2-33 Aoyama, Minato-ku, Tokyo
URL https://www.tokyo-park.or.jp/reien/park/index072.html
Di chuyển Từ ga Gaienmae (外苑前駅) tuyến Tokyo Metro Ginza (東京メトロ銀座線), đi bộ khoảng 7 phút
Từ ga Nogizaka (乃木坂駅) tuyến Tokyo Metro Chiyoda (東京メトロ千代田線), đi bộ khoảng 10 phút
Từ ga Aoyama Icchome (青山一丁目駅) tuyến Tokyo Metro Hanzomon (東京メトロ半蔵門線)/tuyến Toei Subway Oedo (都営地下鉄大江戸線)/tuyến Tokyo Metro Ginza (東京メトロ銀座線), đi bộ khoảng 9 phút

3. Bảo tàng Khoa học Quốc gia (国立科学博物館)

Bảo tàng là nơi trưng bày xác của Hachiko đã được nhồi bông. Vì Hachiko bị nhiễm giun chỉ nên sau khi mất, xác của chú đã được giải phẫu. Việc giải phẫu được tiến hành tại trường đại học nơi giáo sư Ueno từng làm việc, nội tạng của Hachiko được xem như bảo vật quý giá và hiện được trưng bày tại bảo tàng tư liệu nông nghiệp học tại trường đại học Tokyo.

Sau đó, xác của chú được nhồi bông và trưng bày tại phía bắc tầng 2 của toà nhà Nipponkan thuộc Bảo tàng Khoa học Quốc gia.

Ngoài ra, bên cạnh tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, nội dung hướng dẫn tham quan bảo tàng bằng âm thanh còn có phiên bản “tiếng Nhật dành cho trẻ em", vì vậy bảo tàng còn thích hợp với cả người học tiếng Nhật nữa.

Địa chỉ 7-20 Công viên Ueno, Taito-ku, Tokyo
Thời gian mở cửa 9:00 ~17:00
Thứ 6, thứ 7 thì mở cửa đến 20:00
Ngày nghỉ định kỳ Thứ 2 hàng tuần (trùng ngày lễ thì dời qua thứ 3)
Ngày 28/12~01/01
Phí tham quan Sinh viên Đại học trở lên: 630 yên
Học sinh THPT trở xuống: miễn phí
URL https://www.kahaku.go.jp/
Di chuyển Từ ga JR Ueno (JR上野駅), đi bộ khoảng 5 phút