Vì sao cần biết nắm bắt “bầu không khí” càng sớm càng tốt?
Viêm mũi dị ứng, ở Việt Nam cũng có bệnh này chứ? Hắt xì hơi, chảy nước mũi, ngứa mắt… lại đến mùa khó chịu rồi đây. Nhớ lại thì hồi nhỏ tôi chưa từng nghe qua bệnh này bao giờ, thế mà chẳng hiểu từ lúc nào cứ mở miệng là lại nhắc đến. Gần đây hình như cũng có những loại thuốc trị bệnh này hay lắm. Dù sao thì cảnh phố xá đầy người mang khẩu trang vẫn là đặc trưng của Nhật Bản vào thời gian này.
Xin tự giới thiệu: tôi là AY, người viết bài này, và đến lúc này vẫn chưa thấy triệu chứng dị ứng nào.
Hôm nay tôi xin nói về “không khí”, một khái niệm cực kỳ khó nuốt khi giao tiếp với người Nhật.
“Không khí” ở đây không phải nói đến thứ không khí chứa oxy, nitơ, cacbonic, v.v. mà ta vẫn hít thở đâu nhé. “(bầu) không khí” là từ chỉ cái cảm nhận, tâm trạng khi ở trong một hoàn cảnh, sự kiện có nhiều người tụ hội với nhau. Người Nhật có cách nói: “Kuki o Yomenai hito”, nghĩa là “người không đọc được/nhận thức được bầu không khí”, để chỉ loại người vô duyên, thiếu tế nhị, giới trẻ gọi tắt là “KY”, từng rất thông dụng.
Ở Việt Nam cũng như các nước khác, chắc là cũng có quan niệm về “không khí” như thế. Thế gian thì lắm hạng người, mà những người với hành vi và thái độ thiếu hiểu biết, thiếu tế nhị, khiến mọi người “dị ứng” và “phản cảm” thì ở đâu cũng có.
Tuy nhiên cái khó của quan niệm “không khí” kiểu Nhật là do ảnh hưởng của nó trong việc lựa chọn từ ngữ và đề tài hội thoại khi nói chuyện. Đây là một trở ngại đối với người nước ngoài khi học tiếng Nhật.
Chẳng hạn như việc “lựa chọn từ ngữ”. Trong tiếng Nhật có rất nhiều từ ngữ chỉ đối phương. Nếu trong tiếng Việt các bạn có từ “anh”, thì tương ứng tiếng Nhật có hàng loạt nào là “anata” (あなた), “kimi” (君), “omae” (お前), “nanji” (汝), “~san” (~さん), “kiden” (貴殿), v.v..
Phải dùng từ nào, về nguyên tắc là tùy vào quan hệ thứ bậc giữa bạn và đối phương cũng như mức độ thân thiết đôi bên. Đối với nhiều người nước ngoài học tiếng Nhật thì mãi vẫn chưa thể quen được. Bữa nào bạn thử gọi sếp Nhật là “omae” (mày) xem, nhẹ nhất thì cũng bị la một trận nên thân ấy chứ.
Nếu quen rồi thì bằng cách xác định thứ bậc của hai bên theo tuổi tác, địa vị cũng như nhận thức được mức độ thân thiết, bạn sẽ có thể phân biệt được đến mức độ nhất định (dù sao thì cũng có những người Nhật nói năng xuề xòa lắm…).
Nhưng còn việc “tiếp theo nói về cái gì”, tức là “lựa chọn chủ đề câu chuyện” thì sao? Về vấn đề này, người Nhật đặc biệt mong đợi chủ đề thích hợp với “bầu không khí” lúc đó, mong đợi người nói không những biết lèo lái, ứng biến linh hoạt tùy vào hoàn cảnh nói chuyện, mà còn biết chú ý đến giọng điệu, biểu cảm của từng thành viên tham gia hội thoại cũng như quan điểm sống, mối quan hệ quá khứ giữa đôi bên.
Nói cách khác, người ta không trông đợi bạn “thích gì nói đó” hay “nghĩ sao nói vậy”, mà phải “nói những điều phù hợp với không khí hội thoại” hay tệ lắm cũng là “nói sao cho không làm gián đoạn bầu không khí”. Điểm này thì giữa người Nhật với nhau còn thấy khó, huống hồ là người nước ngoài mới lần đầu tiếp xúc với tiếng Nhật.
Tất nhiên, có những người ngờ vực rằng liệu quan niệm “không khí” có thật hiệu quả không, có thật sự cần thiết khi con người trò chuyện với nhau hay không. Nhưng dù sao thì “không khí” hội thoại đã là một thực trạng trong văn hóa giao tiếp ở Nhật. Vậy nên muốn thật sự hiểu được người Nhật thì khó lắm, ngay cả người Nhật cũng còn khổ sở vì “không khí” nữa là. Bạn hãy thử xem phim Nhật và chú ý đến mặt này, sẽ rất có ích cho việc học tiếng Nhật.
Bài viết đã khá dài, vậy nên tôi phải nắm bắt “không khí” mà dừng lại ở đây thôi.