Những lời tuyệt đối không nên nói với con trẻ

Hôm nay tôi sẽ viết về chủ đề đã khá quen thuộc – “Những lời mẹ nói". Mỗi khi nhớ đến, tôi lại không khỏi cảm thấy đau lòng nhưng tôi quyết định sẽ viết về chủ đề này. Sau đây tôi sẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện về lời nói từ “hai người mẹ" của em A – một học sinh của tôi.

“Lời của mẹ" không thể nào quên

Bố mẹ A đã li hôn từ khi em còn rất nhỏ. Hiện em đang sống cùng với bố ruột, mẹ kế cùng 2 người em cùng cha khác mẹ. Khi li hôn, mẹ ruột của A đã nói rằng “không cần A…" và chỉ mang em trai của A đi cùng. Lúc ấy A cũng có mặt và đã nghe thấy lời mẹ em nói.

Từ đó, A sống cùng mẹ kế, chẳng bao lâu sau, em trai và em gái cùng cha khác mẹ của A được sinh ra, và người mẹ kế thường nói với các con của mình rằng “Các con giỏi quá, khác với anh của các con", cùng với đó là sự so sánh xảy ra ngày càng nhiều.

Đọc đến đây, hẳn mọi người sẽ nghĩ những lời mà hai người mẹ trên nói ra là “những lời tuyệt đối không thể nói với một đứa trẻ" phải không nào? Cũng khá dễ dàng để chúng ta lên án hai người phụ nữ ấy. Nhưng khi nghĩ đến cảm xúc của họ, riêng tôi lại cảm thấy không thể trách họ được.

Dù biết rằng không nên nói ra…

Đứng ở vị trí mẹ ruột của A, biết đâu cô đã có A ở thời điểm mà cô không mong muốn. Mang thai, sinh ra và nuôi dưỡng A, mỗi ngày trôi qua có lẽ là một ngày khác xa với kế hoạch tương lai mà cô đã dựng nên. Sự hối hận, nỗi buồn tủi, niềm tức giận, v.v… rất có thể tất cả những cảm xúc này đã bị cô kìm nén trong lòng, không có nơi để giải toả đã biến thành câu “không cần đứa con này" với con trai mình.

Ngay cả việc chỉ rời khỏi ngôi nhà cùng với em trai của A, với tâm thế là mẹ ruột, ắt hẳn cô cũng có lý do riêng nào đó. Có thể mỗi khi nhìn thấy A giống y hệt bố em, những ký ức về người chồng mà mình đã từng yêu, những chuyện không vui trong khoảng thời gian từ lúc kết hôn đến khi li hôn như hiện ra rõ mồn một, vì vậy mà với người mẹ ấy, A dường như đã trở thành “biểu tượng của những cảm xúc không thể cắt đứt được".

Còn ở vị trí của người mẹ kế, từ xưa đến nay, đã có rất nhiều câu chuyện khác nhau nói về chủ đề “bắt nạt con ghẻ" để nói lên một điều rằng, việc yêu thương một đứa con không cùng huyết thống với mình như con ruột là điều vô cùng khó khăn. Con đẻ càng đáng yêu bao nhiêu thì con ghẻ lại càng đáng ghét và khiến người mẹ kế khó chịu bấy nhiêu bởi lẽ trong người nó đang chảy dòng máu của người phụ nữ mà chồng cô đã từng yêu.

Tôi biết được câu chuyện của A trong cuộc gặp với người giám hộ của em, khi A gây chuyện và phải ở suốt trong nhà để tự kiểm điểm. Nguyên nhân dẫn đến những hành vi không ngoan của A có lẽ không chỉ có một, và khi rà soát lại quá trình trưởng thành của em đã khiến tôi tự hỏi rằng, phải chăng những “lời nói từ bố mẹ" đã ảnh hưởng không ít đến cục diện như ngày hôm nay?

“Nuôi dạy con" cũng chính là “nuôi dưỡng bản thân"

Khi bạn gõ tìm từ khoá “những từ không nên nói với trẻ" trên mạng internet, bạn sẽ tìm thấy vô số các ví dụ được trình bày chi tiết và cụ thể. Trên thực tế, khi nuôi dạy con rồi bạn sẽ hiểu được cảm giác “dù bình thường biết là không được nói nhưng vẫn có những tình huống không thể kiềm chế được cảm xúc mà lỡ lời". Dù đã nuôi con hơn 10 năm, ngay cả bản thân tôi cũng không dám nói rằng mình đã luyện tập đủ nhiều để có thể tự tin trả lời câu hỏi “Trong quá trình sống cùng với con, liệu bạn luôn có thể kiềm chế cảm xúc của mình tốt chứ?".

Hãy nhớ rằng trên đời này không có khái niệm “bố mẹ hoàn hảo", tuy nhiên để tránh lỡ lời làm tổn thương sâu sắc đến con trẻ, hãy luôn cẩn thận với những điều mà bạn sắp nói ra… Và tôi nghĩ rằng, khi bạn “nuôi dạy con" cũng chính là bạn đang “nuôi dưỡng bản thân" của mình đấy!