Dinh dưỡng và trẻ nhỏ (khoảng 2 tuổi)

Đã có thể ăn cùng thức ăn với người lớn

Từ việc chỉ bú được sữa mẹ hay sữa công thức, dần dần con đã có thể nuốt được thức ăn dạng sệt và sau đó là nhai được những thức ăn cứng rồi. Khi con được hai tuổi, con sẽ hoàn toàn bỏ ăn dặm và có thể ăn thức ăn giống với người lớn. Đó là khoảng thời gian con thành thạo hơn trong việc dùng thìa, nĩa và cốc. Thế là con đã có thể vừa thưởng thức bữa ăn của mình vừa trò chuyện với cả nhà như nói “Ngon quá" hay bày tỏ “Con thích món này" rồi đấy!

Nói vậy thì việc nuôi con suôn sẻ quá rồi. Thế nhưng, đây cũng chính là lúc mà mọi thứ không lúc nào thuận buồm xuôi gió như bạn nghĩ cả đâu. 2 tuổi là “giai đoạn cái gì con cũng nói không”.

Những vấn đề trong chế độ ăn uống của trẻ 2 tuổi

Khi một đứa trẻ khoảng hai tuổi, những điều thích và không thích của chúng sẽ trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, con chưa phát triển khả năng diễn đạt cảm xúc của mình bằng lời. Sự thất vọng thường được truyền tải bằng từ “Không" và đi cùng với những cơn giận dữ. Đối với việc ăn uống, sẽ có một số món con thích ăn và một số món con ghét nên không bao giờ chịu ăn. Trong trường hợp của bé nhà tôi, con thích ăn rau, nhưng lại không ăn nhiều cơm.

Khi tôi hỏi thăm những bà mẹ khác, có người lại nói “Khổ ở chỗ con mình chỉ ăn cơm mà chẳng ăn rau củ gì cả". Đúng là mỗi nhà mỗi cảnh, chuyện ăn uống thì cũng tuỳ đứa. ​​

Trẻ 2 tuổi cần dinh dưỡng như thế nào?

Một đứa trẻ khoảng 2 tuổi cần 900-950 kcal năng lượng mỗi ngày. Đây là khoảng một nửa lượng calo của một người phụ nữ trưởng thành. Khi cho con ăn cơm và đồ ăn, chỉ cần chuẩn bị cho con khoảng 1/2 lượng cho một người lớn là được. Tuy nhiên, đối với trẻ em đang cần phát triển, nên lưu ý phân các loại dinh dưỡng như đạm (thịt, cá, …) và canxi (sữa, cá nhỏ, …) nhiều hơn “một nửa lượng của người lớn" một chút. Về cơ bản, nên cho con ăn ba bữa một ngày vào buổi sáng, buổi trưa và buổi tối, đồng thời cần phải bổ sung vitamin (trái cây, v.v… ) và khoáng chất (các loại hạt v.v… ) bằng đồ ăn nhẹ vì đây là những chất trẻ thường bị thiếu.

Việc ăn uống trong “giai đoạn phản kháng"

Như tôi đã nói, đây là thời kỳ mọi thứ không thể theo ý bố mẹ vì con cứ nói “Không thích" rồi bỏ bữa hay không chịu ăn một số món nhất định, gây ra nỗi lo về việc mất cân bằng dinh dưỡng.

Hiện tại con trai tôi đã 11 tuổi, ăn uống vô cùng hứng khởi, không có chuyện đặc biệt ghét hay thích thứ gì. Thế nên, ai mà tin được là hồi 2 tuổi cu cậu lại ăn uống khó khăn đến vậy. Vì thế, dù biết quý vị phụ huynh rất chuyên tâm trong việc nuôi con nhưng hãy cứ nghĩ thoáng lên rằng “10 năm nữa chuyện này cũng trở thành chuyện kể vui thôi" và thoải mái hơn với chuyện con ăn uống thất thường, thích cái này, ghét cái kia, bạn nhé!

Giờ ăn của con tuy không cố định do mải chơi hay mệt quá mà ngủ luôn nhưng rồi con cũng sẽ ăn khi đói bụng thôi. Bạn có thể cho con ăn những món con không thích bằng cách trộn chúng với những món con yêu thích hoặc thay đổi gia vị nêm nếm. Ngoài ra, bạn nên cho con bổ sung các chất bị thiếu hụt từ những thực phẩm con thích mà có thành phần dinh dưỡng tương tự. Ví dụ như con tôi không chịu ăn cơm mà chịu ăn bánh mì nên bé có thể hấp thu carbohydrate từ bánh mì thay cơm. Như thế, cả bố mẹ và con đều sẽ không cảm thấy quá căng thẳng.

Nếu người lớn chúng ta ăn một cách ngon lành và vui vẻ, các con sẽ cảm nhận được rằng “giờ ăn là thời gian hạnh phúc". Còn nếu bạn ép con ăn hoặc la mắng “Ăn xong mới được chơi!" thì sẽ vô tình gắn việc ăn uống với một hình ảnh tiêu cực. Vì vậy, việc quan trọng mà bạn cần phải nhớ chính là để con có thể vui vẻ thưởng thức bữa ăn, nên hãy để giờ cơm của gia đình bạn ngập tràn tiếng cười nhé!