Trẻ em và dinh dưỡng (giai đoạn bắt đầu cuộc sống tập thể)
Tầm quan trọng của việc “ăn"
Tôi đã chọn gửi con trai độc nhất của mình vào một trường mầm non tư thục tại địa phương. Một trong những lý do cho quyết định này là gần khuôn viên trường có một cánh đồng – một môi trường thiên nhiên phong phú. Thời điểm đó, câu cửa miệng của những giáo viên lâu năm có nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm ngoài giờ đứng lớp chính là “Ăn để sống”. Phương châm đó đã được phản ánh trong cả hoạt động giáo dục hàng ngày, có rất nhiều chương trình liên quan đến việc “ăn" như “trồng cây khoai lang“, “thu hoạch rau mùa hè" và “làm Bánh bao Shiratama“, …
Tại Nhật, “Luật giáo dục ẩm thực cơ bản" được ban hành vào năm 2005, và việc “ăn" được coi là quan trọng nhất đối với trẻ em. Ngay cả trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta cũng đang chú ý đến việc “ăn" và tăng thêm cơ hội để nhìn nhận lại bản thân và cuộc sống hàng ngày thông qua các “bữa ăn“.
“Cân bằng" hơn “số lượng"
Hơn cả số lần ăn, điều quan trọng đối với trẻ khi bắt đầu cuộc sống tập thể đó chính là độ cân bằng dinh dưỡng. Thông thường, các trường mẫu giáo và nhà trẻ của Nhật Bản đều được bố trí các chuyên gia dinh dưỡng. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ xem xét thực đơn và bữa phụ theo từng tháng để trẻ có đủ chất dinh dưỡng cần thiết với số lượng cân đối và phù hợp. Vì vậy, chúng tôi rất an tâm về các suất cơm trưa tại trường. Những người làm ba mẹ tuy không có “sự am tường về dinh dưỡng" như những nhà chuyên gia, nhưng bằng cách bổ sung các bữa ăn phong phú hai lần vào sáng và tối, ba mẹ vẫn có thể giúp con cái mình phát triển và khỏe mạnh.
3 nhóm màu thực phẩm
Hãy hình dung đến bữa ăn mà con bạn đã ăn trước đó. Đó có phải là bữa ăn bao gồm các thực phẩm cơ bản được gọi là “3 Nhóm màu thực phẩm" không?
“3 nhóm màu” chính là 3 màu đỏ -vàng – xanh. Đỏ là các loài thực phẩm “cấu tạo nên cơ thể“. Đó là những thực phẩm có chứa protein, chẳng hạn như thịt, cá và các sản phẩm từ sữa. Tiếp theo là màu vàng , gồm các thực phẩm “cung cấp năng lượng” có chứa carbohydrate như gạo, bánh mì, khoai tây. Màu xanh lá cây là màu của rau củ nên rất dễ để hình dung. Đó là các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất có tác dụng “hồi phục cơ thể”.
Ngay cả tôi khi nghĩ về thực đơn hàng ngày cũng phải đảm bảo đủ ba món: cơm, thịt và rau. Khi đó, đối với các loại thực phẩm có màu đỏ và xanh sẽ là “thực phẩm theo mùa" (với nguyên liệu được lựa chọn thay đổi theo mùa, không chỉ tươi ngon mà còn được biết đến với giá trị dinh dưỡng cao).
Ở Nhật Bản, tất cả người dân đều được học về “3 nhóm màu thực phẩm" này qua chương trình giáo dục bắt buộc. Tuy nhiên hơn cả học ở trường, tôi nghĩ phần lớn đó là nhận thức được truyền lại một cách tự nhiên từ cha mẹ sang con trong cuộc sống sinh hoạt gia đình thường nhật. Nếu nhìn lại thì đúng là mẹ tôi luôn nói với các con về các loại thực phẩm và tác dụng của chúng, chẳng hạn như “Ăn thịt làm tăng cơ bắp” hay “Ăn lá màu xanh sẽ giúp con không bị bệnh”.
Bây giờ đã đến lượt của chúng ta làm phần của mình. Giờ bạn đã là cha mẹ, hãy khiến con bạn quan tâm đến “thực phẩm" và sau này lớn lên sẽ trở thành một người có thể lựa chọn và tận hưởng việc “ăn" vì sức khỏe của chính mình và khiến cuộc sống trở nên phong phú.