Lễ hội Nhật Bản – Lễ hội Jidai tổ chức ngày 22/10 tại Kyoto

Đoàn diễu hành ở các lễ hội Nhật Bản thường sẽ có nhiều người khoác trên mình trang phục truyền thống và đi diễu hành. Người ta gọi đó là “jidai gyouretsu (hàng người thời đại)", và nguồn gốc của cách gọi này xuất phát từ “Jidai Matsuri (lễ hội thời đại)" ở Kyoto.

Nguồn gốc của lễ hội

So với một lễ hội Nhật Bản thì tính lịch sử của Lễ hội Jidai khá ngắn, bắt đầu từ thời điểm một ngôi đền tên “Heian-jingu" (平安神宮) được xây dựng vào năm 1895.

Ngôi đền này được xây dựng để kỷ niệm 1100 năm thành lập phố cổ Heian-kyo – thủ đô Nhật Bản ở Kyoto. “Matsuri" (lễ hội) được tổ chức như một hoạt động kỷ niệm dịp đặc biệt đó, họ tổ chức một cuộc diễu hành tái hiện lại văn hóa và trang phục đặc trưng của những thời kỳ diễn ra trước lúc thủ đô được dời đến Tokyo, và đặt tên lễ hội đó là “Jidai Matsuri".

Ngày bắt đầu diễn ra lễ hội – 22 tháng 10 – cũng là ngày vị Thiên hoàng đương thời chuyển đến sống ở Heian-kyo. Nên ngày này có thể được ví như là sinh nhật của thủ đô.

Điểm nổi bật của Jidai Matsuri

Đoàn diễu hành được chia thành 8 thời kỳ.

Minh Trị duy tân

Đầu tiên là thời “Minh Trị Duy Tân“, thời kỳ mà Mạc phủ Edo – đứng đầu là các tướng quân (shogun) ở Tokyo, và chính phủ Meiji – đứng đầu là Thiên hoàng của Kyoto, cùng tranh ngôi. Sự kiện này diễn ra khoảng đầu thế kỷ 19.

Vì là lễ hội của Kyoto, nên hình ảnh đại diện cho “Meiji" chính là trang phục quân binh đã hợp sức gây dựng nên chính phủ Meiji. Cũng có những người cải trang thành các nhân vật nổi tiếng trong thời kỳ này như Sakamoto Ryoma (坂本龍馬), Saigo Takamori (西郷隆盛), Katsura Kogoro (桂小五郎), hay Takasugi Shinsaku (高杉晋作) v.v…

Thời kỳ Edo

Tiếp theo là đoàn diễn hành “Thời kỳ Edo" – thời kỳ kéo dài từ đầu thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19. Edo là tên gọi cũ của Tokyo, cũng là thời kỳ các vị tướng trong “gia tộc Tokugawa" sinh sống ở đây và nắm trong tay nền chính trị Nhật Bản.

Trung tâm chính trị ở thời kỳ này là vùng Kanto mà chủ yếu là Edo (Tokyo ngày nay), nhưng dù vậy thì Kyoto – nơi được bố trí chỗ ở cho Thiên hoàng – vẫn có vai trò quan trọng như một thủ đô của Nhật. Nếu Thiên hoàng mới lên ngôi thì các sứ giả của tướng quân sẽ xếp thành hàng để nghênh đón vị Thiên hoàng mới. Đoàn diễu hành thời kỳ Edo chính là phỏng theo điều này.

Ngoài ra cũng có nhiều người diễu hành đóng giả những người phụ nữ có đóng góp tích cực ở Kyoto trong thời kỳ Edo, giúp bạn có thể mường tượng ra dáng vẻ tầng lớp thượng lưu, hoàng tộc, và các nghệ sĩ đương thời.

Thời kỳ Azuchimomoyama

Người ta gọi thời kỳ Oda NobunagaToyotomi Hideyoshi cùng lên nắm quyền là “thời kỳ Azuchimomoyama" (安土桃山時代). Cái tên này được đặt theo tên lâu đài của Nobunaga ở Azuchi (tỉnh Shiga) và lâu đài của Hideyoshi ở Momomaya thuộc Kyoto.

Đoàn diễu hành sẽ cải trang thành Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và những vị chư hầu phục vụ họ.

Thời kỳ Muromachi

Thời kỳ Muromachi" – kéo dài từ giữa thế kỷ 14 ~ thế kỷ 16 – là thời kỳ mà các tướng quân trong “gia tộc Ashikaga" của Mạc phủ Muromachi đặt trung tâm chính trị ở quận Muromachi, Kyoto.

Thế nhưng, hoạt động diễu hành về thời kỳ Muromachi được diễn ra từ năm 2007, còn trước đó thời kỳ này bị cắt bớt đi. Lý do cho việc đó là vì vị tướng đầu tiên trong gia tộc Ashikaga, “Ashikaga Takauji", đã giành được quyền lực bằng cách lật đổ Thiên hoàng.

Từ thời Meiji khi bắt đầu lễ hội, đến khi kết thúc Chiến tranh Thái Bình Dương (Chiến tranh thế giới thứ II), Nhật Bản luôn được giáo dục để tôn thờ Thiên hoàng, nên khi gia tộc Ashikaga chống lại Thiên hoàng thì bị ghét rất nhiều. Đến mức không chỉ người dân mà cả những nhà nghiên cứu cũng cho rằng họ là “kẻ xấu".

Nhưng khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, trải qua một khoảng thời gian dài, ý niệm về Thiên hoàng cũng thay đổi, Ashikaga Takauji được đánh giá khách quan hơn nên thời kỳ của ông cũng được góp mặt trong lễ hội Jidai Matsuri.

Thời kỳ Yoshino

Khoảng thời gian giữa thế kỷ 14 được gọi là “thời kỳ Nam Bắc Triều" trong lịch sử chính thống Nhật Bản. Vào thời kỳ này, triều đình bị chia thành Kyoto và Yoshino ở tỉnh Nara, cũng như có cả hai Thiên hoàng.

Chiến thắng cuối cùng thuộc về triều đại Kyoto hay được gọi là Bắc Triều, nhưng về mặt lý thuyết Nam Triều ở Yoshino vẫn được cho là chính thống, nên vừa có đoàn diễu hành gồm những người cải trang thành “Kusunoki Masashige" – samurai đứng về phía Nam Triều – và vừa có đoàn diễu hành những người phụ nữ đóng góp tích cực trong thời kỳ Yoshino cùng thời kỳ “Kamakura" dưới đây.

Thời kỳ Kamakura

Đây là thời kỳ Mạc phủ Kamakura lên nắm quyền từ cuối thế kỷ 12 ~ nửa đầu thế kỷ 14. Trung tâm chính trị của thời kỳ này cũng là vùng Kanto mà chủ yếu tập trung ở tỉnh Kanagawa, nhưng vì “Cuộc nổi loạn Jokyu“, sự kiện mà Thiên hoàng và Mạc phủ giao chiến, nên cũng chỉ diễu hành những người đứng về phía Thiên hoàng.

Thời kỳ Fujiwara

Là thời kỳ mà giới quý tộc ở Kyoto phát triển rực rỡ nhất, kéo dài từ cuối thế kỷ thứ 9 ~ thế kỷ 12. Vào thời kỳ này, “gia tộc Fujiwara" – gia tộc có quyền lực nhất trong giới quý tộc – đã thực hiện một cuộc chiến chính trị với gia tộc của Thiên hoàng.

Trong đoàn diễu hành này có sự tham gia của những người cải trang thành các quý tộc hay những người phụ nữ có đóng góp tích cực ở thời kỳ Fujiwara.

Thời kỳ Enryaku

Đây là thời kỳ lần đầu thủ đô được thành lập ở Kyoto vào cuối thể kỷ thứ 8. Những người diễu hành cải trang thành các học giả hay samurai đương thời.

Và tiếp sau đó là diễu hành kiệu Mikoshi của đền Heian-jingu, xen lẫn những người dân sống ở Kyoto và tất cả con cháu của samurai từng phụng sự cho các vị Thiên hoàng thời xưa.

Như vậy, chỉ cần đến lễ hội Jidai Matsuri, bạn sẽ biết được lịch sử và văn hóa của Nhật Bản chỉ qua một cái liếc mắt đấy! Nhất định bạn hãy đến xem 1 lần nhé!

Tên gọi Jidai Matsuri (時代祭)
Trang chủ http://www.heianjingu.or.jp/festival/jidaisai.html
Địa điểm chính Đền Heian-jingu (平安神宮), số 97 Okazaki Nishitenno-cho, Sakyo-ku, Kyoto
Bản đồ
Ngày tổ chức Ngày 22/10