Truyện cổ tích Nhật Bản – Cậu bé ngủ 3 năm Sannen Netaro
Trong những câu chuyện cổ tích Nhật Bản, như Momotaro hay Kintaro, luôn có nhân vật chính là những nhân vật nam anh hùng có phần đuôi tên là “taro".
Tuy nhiên, câu chuyện về “cậu bé ngủ 3 năm Sannen Netaro" lại kể về 1 nhân vật nam chính có hơi… khác biệt một chút.
Tóm tắt câu chuyện về Sannen Netaro
Ngày xửa ngày xưa ở 1 ngôi làng nọ, nạn hạn hán cứ kéo dài liên tục, khiến nơi đây lâm vào cảnh thiếu nước, hoa màu thì không sinh trưởng được. Vì làng quá nghèo nên người dân trong làng ai ai cũng cố gắng hết sức để tồn tại, ấy vậy mà lại có 1 câu bé nọ suốt ngày chỉ ở trong ngày và… ngủ thôi.
Mọi người thấy cảnh đấy thì đương nhiên là rất tức giận, nhưng dù cho ai nói gì đi chăng nữa thì cậu bé vẫn chẳng buồn nhúc nhích.
Sau 3 năm suốt ngày chỉ ngủ trong nhà, bỗng 1 ngày nọ, cậu bé đột nhiên tỉnh giấc rồi đi về phía núi, đẩy mạnh 1 tảng đá khổng lồ. Hòn đá lăn từ trên núi xuống chặn dòng chảy của 1 con sông, khiến dòng nước đổi chiều và chảy về làng, tưới cho hoa màu tốt tươi.
Hóa ra không phải do cậu bé lười biếng không làm gì, mà là do cậu mải suy nghĩ phải làm thế nào để cứu được cả dân làng.
Sau khi ngủ suốt 3 năm, người dân trong làng đã gọi cậu bé anh hùng đã cứu cả làng bằng cái tên Sannen Netaro.
Hình mẫu cho nhân vật Sannen Netaro
Câu chuyện về Sannen Netaro có rất nhiều dị bản tại Nhật. Nhưng người ta cho rằng, nhân vật được lấy làm hình mẫu cho Sannen Netaro là 1 người đàn ông sống ở tỉnh Yamaguchi vào thế kỷ thứ 16.
Vốn ông có xuất thân võ sỹ, nhưng do người cha đã tử trận trong chiến tranh khiến cho địa vị của ông thay đổi, phải dời đến Asa của tỉnh Yamaguchi và trở thành 1 người nông dân bình thường. Thế nhưng, khu vực Asa này vốn là 1 vùng đất khô kiệt, không có nước. Nên ông đã phải mất đến 3 năm 3 tháng suy nghĩ làm sao để cứu được những người nông dân ở đây.
Do bộ dạng khi đang mê mải suy nghĩ đó nhìn giống như đang lười biếng, thế nên mới bị gọi là Netaro (ghép giữa động từ “neru" (寝る), nghĩa là “ngủ", với đuôi “taro" hay có trong tên của các nhân vật nam ngày xưa), nhưng hóa ra ông chỉ đang bí mật suy nghĩ đối sách thôi. Sau đó ông đến đảo Sado (佐渡ヶ島) – nơi có mỏ vàng – để trao đổi những đôi dép rơm waraji mới với những đôi waraji của những người thợ mỏ tại đây đang mang (waraji là 1 loại dép truyền thống của Nhật được bện bằng rơm).
Dưới đế những đôi waraji của những người thợ mỏ này có giắt rất nhiều bụi vàng. Ông đã giàu lên nhờ kiếm tiền từ những bụi vàng này, nhờ đó ông mới tiến hành công tác trị thủy để giải nguy cho cảnh ngộ của dân làng. Nhưng ông lại là 1 người võ sỹ chạy trốn khỏi chiến tranh nên ông không thể để lộ tên mình được. Vì vậy mà không biết từ bao giờ, ông đã được người dân gọi là Netaro-sama (hậu tố “sama" sau tên được thêm vào để thể hiện sự tôn kính đối với người được gọi).
Những vùng đất liên quan đến Sannen Netaro
Ở vùng đất Asa của tỉnh Yamaguchi, Netaro-sama vẫn nổi tiếng là người anh hùng đã cứu giúp dân làng. Ở trước ga Asa (厚狭駅) – trạm đầu cuối của tuyến JR Mine (JR美祢線), tuyến chính JR San’you (JR山陽本線) và tuyến tàu shinkansen San’you (山陽新幹線) – có bức tượng đồng của Sannen Netaro.
Gần ga có kênh dẫn nước Netaro-seki (寝太郎堰) do Netaro cho đào, và ngôi đền Netaroko-jinja (寝太郎荒神社) – nơi thờ phụng Netaro. Và vào ngày 29/4 hàng năm, nơi đây lại tổ chức Lễ hội Netaro (寝太郎祭り).
Nơi 2 bên bờ sông Asa có công viên Asagawakahan Netaro (厚狭川河畔寝太郎公園) với chủ đề là câu chuyện về nhân vật Sannen Netaro, toàn thể công viên được chia thành 5 khu vực theo dòng chảy của câu chuyện.
Ngoài những thiết bị vui chơi trong khuôn viên, nơi đây còn là nơi ngắm hoa anh đào vào mùa Xuân, hay đom đóm vào mùa Hè, và cũng rất thích hợp để tản bộ.
Địa danh | Khu vực Asa |
Website | https://www.city.sanyo-onoda.lg.jp/site/bunkazai/netaro.html |
Địa chỉ | Asa, thành phố San’you Onoda, tỉnh Yamaguchi |