Nhân một dòng tweet, cùng ôn lại lịch sử các thùng thư ở Nhật

Trong xã hội Nhật Bản hiện đại ngày nay, thói quen viết thư tay vẫn tồn tại như một nét đẹp văn hoá, niềm tự hào của người dân xứ mặt trời mọc. Cứ mỗi dịp năm mới, giao mùa, hay đơn giản chỉ là hỏi thăm sức khoẻ, tặng quà, người Nhật lại gửi cho nhau thiệp mừng năm mới (nengajō), bưu thiếp hay những bức thư tay xinh xắn. Thư từ cũng không thể thiếu trong văn hoá kinh doanh của người Nhật như một phương tiện trao đổi thông tin thể hiện sự tôn trọng đối với đối tác, khách hàng.

Cùng hiện hữu với thói quen viết thư của người Nhật là hình ảnh những chiếc thùng thư màu đỏ với bề dày lịch sử lâu đời. Trải qua bao năm tháng, có những thùng đã cũ kĩ, bạc màu. Cũng có những thùng thư được người ta tái sinh với hình ảnh mới lạ hơn. Những chiếc thùng thư bưu điện nằm rải rác khắp nước Nhật khiến người qua đường không khỏi cảm thấy thú vị mỗi khi bắt gặp, thậm chí trở thành nét đặc sắc của những con phố Nhật Bản.

Dòng tweet gây bão mạng ở Nhật

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi Nhật Bản ngừng sử dụng loại thùng thư hình trụ tròn, kiểu thùng thư phổ biến nhất tại Nhật lúc trước, thế nên chúng cũng dần bị lãng quên trong đời sống của người dân Nhật Bản. Thế nhưng, gần đây một bài đăng Twitter về hình ảnh những chiếc thùng thư trụ tròn cũ xuất hiện tại một vùng quê hẻo lánh đã gây sốt cộng đồng mạng Nhật Bản.

えぬびい

@enuenuenubi

Có một nơi thật kỳ lạ tập trung những thùng thư đã hết công năng sử dụng. Có rất nhiều thùng thư, người ta chỉ gom lại để đó thôi. Cứ nghĩ một trong số thùng này đã từng trao gửi những bức thư đến một nơi nào đó không phải nơi này… thật xúc động! (Oh, sao lại có cả khủng long ba sừng kia???)

Đi kèm dòng tweet là những hình ảnh vô cùng thú vị tại thị trấn Ogose, tỉnh Saitama. Tác giả là Enuenuenubi (@enuenuenubi), một nhà nhiếp ảnh với thích những thứ đồ máy móc, bảng hiệu hư cũ, địa điểm bỏ hoang, v.v..

Những chiếc thùng thư nhuốm màu thời gian đứng cạnh nhau, mặc dù lớp sơn đã bong tróc đi ít nhiều, trông vẫn nổi bật một cách kỳ lạ. Thoạt trông như một nhóm cựu binh đang chuyện trò hồi tưởng về những ngày tháng huy hoàng: lao động và cống hiến hết mình cho con người.

Những chiếc thùng thư đặt trong một góc vườn hẻo lánh, phía sau là mái nhà truyền thống, bên cạnh còn có bức tượng chú khủng long ba sừng? Quả thật khung cảnh này gợi cho người xem cảm giác hoài niệm, như lội ngược dòng thời gian trở về quá khứ.

Cư dân mạng bày tỏ sự thích thú qua những dòng tweet như:

— Muốn thư giao đến đây, không biết phải gửi cho địa chỉ hòm thư nào?(•́ω•̀)?

— Trong số này chắc có cái gửi đến nhà yêu quái Kitarō nhỉ ^^

— Trông kìa, có cái thùng thư trông như yêu quái kìa!

— Tôi nghĩ còn có cả hình người nhện nữa cơ!

— Trông như một nghĩa địa voi!

Lịch sử thùng thư Nhật Bản

Những thùng thư đầu tiên tại Nhật

Năm 1871, khi hệ thống bưu điện mới xuất hiện ở Nhật, những chiếc thùng thư đầu tiên cũng được ra mắt. Thời kỳ này, thùng thư có thiết kế vô cùng đơn giản: chỉ là giá để thư bằng gỗ, có chân đế dựng đứng. Các hộp thư này được tại 12 địa điểm ở Tōkyō, 5 địa điểm ở Kyōto, 8 địa điểm ở Ōsaka va2 62 trạm bưu điện dọc theo tuyến đường Tōkaidō kết nối ba thành phố.

(ảnh: postalmuseum.jp)

Quá trình phát triển

Năm 1872, dịch vụ bưu chính được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, số lượng bưu cục cũng tăng đột biến. Thùng thư thời kỳ này có thiết kế hình trụ đen, đóng bằng ván tuyết tùng và cố định các góc bằng miếng sắt và sơn màu đen.

(ảnh: postalmuseum.jp)

Đến năm 1901, màu sơn đen được thay thế bằng màu đỏ để dễ nhìn vào ban đêm. Chất liệu gỗ được thay bằng gang chịu lửa. Phần chân đế thì chuyển sang hình tròn nhằm hạn chế cản trở người đi đường.

(ảnh: postalmuseum.jp)

Dần dần thùng thư tròn được cải tiến thiết kế với mái che, mái vòm để chống mưa.

Trụ thư tiêu chuẩn thời trước Thế chiến với mái hiên tròn (ảnh: Japan Post)

Từ năm 1937, Nhật Bản bước vào thời kỳ chiến tranh Trung – Nhật. Sự thiếu hụt vật tư sản xuất vũ khí dẫn đến các thùng thư bê tông ra đời như một giải pháp thay thế tạm thời.

(ảnh: postalmuseum.jp)

Đến năm 1949, thiết kế thùng thư số 1 (trụ tròn) được hoàn thiện và trở thành thiết kế sau cùng cho mẫu thùng thư trụ tròn huyền thoại một thời. Thùng thư số 1 (trụ tròn) có chiều cao trung bình khoảng 135cm, đường kính 40cm, chiều rộng phần mái 24cm, nặng khoảng 150kg.

(ảnh: Wikipedia Japan)

Và kể từ năm 1970, những mẫu thiết kế kế nhiệm thùng thư số 1 dạng hình vuông lần lượt xuất hiện, dần thay thế cho dạng thùng trụ tròn. Cũng chính từ đây, những mẫu thiết kế thùng thư mới, đẹp mắt và nhiều công năng hơn ra đời song song với sự phát triển nhanh chóng của ngành bưu chính Nhật Bản.

(ảnh: Twitter)

Những thùng thư kỷ niệm đặc biệt

Tại Nhật, có rất nhiều thùng thư được xây dựng như một công trình kỷ niệm ghi dấu những cột mốc quan trọng của ngành bưu chính nói riêng và đất nước Nhật Bản nói chung. Chúng ta cùng xem qua một số công trình thùng thư kỷ niệm nổi tiếng tại Nhật nhé!

Thùng thư kỷ niệm 75 năm gia nhập Liên minh Bưu chính Thế giới (trước Bưu điện Trung tâm Tōkyō)

(ảnh: postalmuseum.jp)

Thùng thư kỷ niệm 100 năm ngành bưu chính Nhật Bản (trước Ngân hàng Nhật Bản chi nhánh Ōsaka)

(ảnh: picuki)

Thùng thư kỷ niệm 100 năm bưu điện Shiba (trước bưu điện Shiba)

(ảnh: gramho.com)

Thùng thư kỷ niệm cột mốc 0km tại nhà ga Shinagawa (bên trong cổng soát vé ga JR Shinagawa)

(ảnh: sst-am.com)

Thùng thư kỷ niệm 120 năm ngày khai trương ga Omiya (bên trong nhà ga JR Omiya)

(ảnh: seesaa.net)

Những thùng thư độc đáo

Theo dòng phát triển của xã hội hiện đại, việc sử dụng thư từ giao tiếp trong đời sống hằng ngày cũng dần ít đi. Tại Nhật, số lượng thùng thư bưu chính cũng giảm đi đáng kể. Mặt khác, người ta đã tái sinh những chiếc thùng thư với những kiểu thiết kế độc đáo, lạ mắt đặt ở các khu vực công cộng, đường phố. Từ đây, những chiếc thùng thư Nhật Bản như được sống lại lần nữa và trở thành hình ảnh quen thuộc đối với du khách trên đường phố.

Một chiếc thùng thư hình gấu trúc đáng yêu tại vườn thú Ueno, Tōkyō

(ảnh: tokyo-colors.com)

Thùng thư với thiết kế hình trái tim Angel Post tại quận Hakata, thành phố Fukuoka

(ảnh: ameblo.jp)

Bạn có nghĩ đây là một thùng thư không? Đừng nhầm lẫn nó với ấm trà nhé!

(ảnh: co-trip.jp)

Thùng thư có hình dáng búp bê kokeshi (trước bưu điện Shiogama)

(ảnh: design.style4.info)

Nhân vật Makoto-chan nay cũng xuất hiện trong bộ dạng thùng thư nổi tiếng trước Bảo tàng Tem, Tōkyō

(ảnh: Twitter)

Thị trấn biển Susami, nơi nắm giữ kỷ lục Guinness thế giới về bưu điện đặt dưới mặt nước sâu nhất thế giới

(ảnh: jalan.net)

Tổng kết

Nhân một dòng tweet, chúng ta đã cùng quay ngược dòng thời gian khám phá lịch sử thùng thư thật thú vị tại Nhật Bản. Có thể nói lịch sử phát triển thùng thư đã phần nào phản ánh rõ quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Nhật Bản. Không chỉ vậy, những chiếc thùng thư vẫn còn tồn tại đến ngày nay và trở thành biểu tượng văn hoá đặc sắc, linh hồn của những con phố thu hút đông đảo khách du lịch tìm đến để check-in.

Tại Việt Nam, mặc dù quá trình phát triển của thùng thư không đa dạng và nhiều cột mốc như Nhật Bản, trước thời đại công nghệ phát triển như ngày nay, người Việt cũng đã từng đi qua năm tháng gắn liền với những những hòm thư sơn vàng với dòng chữ thân thương Bưu điện Việt Nam. Hà Nội, TP.HCM ngày nay những chiếc thùng thư đang dần vắng bóng… Trong tương lai, liệu những thùng thư cũ tại Việt Nam có thể nào được tái sinh lần nữa trên các đường phố như ở Nhật Bản không nhỉ?