Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (1) – Thiên Hoàng đầu tiên
Vào ngày 1/5/2019, Nhật Bản sẽ lại đổi Thiên Hoàng.
Ở Nhật Bản từ trước đến nay, ngôi vị luôn được trao cho người kế nhiệm sau khi vị Thiên Hoàng đương nhiệm qua đời. Tuy nhiên lần này, việc chuyển giao ngôi vị lại được tiến hành khi Thiên Hoàng đương nhiệm vẫn còn sống. Đây là sự kiện hiếm có, vì lần gần nhất đã cách nay ngót nghét… 200 năm.
Dĩ nhiên, đây là một nghi thức mà cả những người sống ở thời nay cũng chưa một ai từng chứng kiến, do vậy mà người Nhật có chút háo hức. Trong chuyên mục lần này, tôi sẽ giới thiệu đến các bạn một phần không thể thiếu trong lịch sử Nhật Bản, chính là lịch sử về Thiên Hoàng!
Vị Thiên Hoàng đầu tiên là nhân vật trong thần thoại
Thiên Hoàng đầu tiên là nhân vật của khoảng 2600 năm trước, đã xuất hiện trong một thần thoại của Nhật Bản. Vì đó là thần thoại nên đương nhiên không thể biết được ông có thật sự tồn tại hay không.
Cha của ông là con cháu của “Thần Trời" – người đã xuống trần gian để cai trị Nhật Bản, còn mẹ là con gái của “Thần Biển". Ông sinh ra ở tỉnh Miyazaki, vùng Kyushu, với tên gọi đầu tiên là Iwarebiko.
Đến năm 45 tuổi, ông chợt nảy ra suy nghĩ “Nếu đã trị vì Nhật Bản thì phải đến vùng trung tâm”, rồi tập hợp các huynh đệ cùng các gia thần của mình và hướng đến khu vực Kansai.
Trên đường đi, ông đã kết giao với rất nhiều bằng hữu, vừa chiến đấu với những kẻ thù, vừa thực hiện cuộc phiêu lưu kỳ thú của mình. Kẻ thù mạnh nhất của ông chính là Nagasunehiko ở Osaka (tham khảo: Dạo quanh lịch sử Osaka (phần 1).
Trong trận chiến này, Iwarebiko đã bại trận, đành đi vòng qua Osaka để tới Nara. Ông đã chiến đấu với hai anh em đang trị vì mảnh đất đó, đánh bại người anh và biến người em trai trở thành đồng minh của mình.
Cuối cùng, sau khi lật đổ được Nagasunehiko, Iwarebiko đã xây dựng một cung điện tại Nara và được phong là Thiên Hoàng Jinmu. Người ta cho rằng sự kiện đó xảy ra vào ngày 11/2/660 trước Công nguyên. Ở Nhật cũng có một “niên kỷ pháp", tức là kỷ nguyên của Thiên Hoàng tính từ năm đó đến nay, nhưng hiện tại rất ít cơ hội để sử dụng. Nhân đây thì năm 2019 này chính là năm 2679 trong kỷ nguyên Thiên Hoàng.
Nơi đặt cung điện được cho là Kashihara Jingu ở tỉnh Nara hiện nay. Đền Kashihara Jingu được thành lập vào năm 1890 bởi Thiên Hoàng thứ 122 theo yêu cầu của những người dân địa phương.
Địa danh | Kashihara Jingu (橿原神宮) |
Trang web | http://www.kashiharajingu.or.jp/ |
Số điện thoại | 0744-22-3271 |
Địa chỉ | 934 Kume-cho, thành phố Kashihara, tỉnh Nara |
Bản đồ |
|
Thời gian mở cửa | Từ sáng đến lúc mặt trời lặn |
Sau đó, ngôi vị Thiên Hoàng tiếp tục được truyền từ đời này sang đời khác, và mở rộng phạm vi quyền lực trên toàn Nhật Bản. Tuy nhiên, vì chỉ được ghi chép trong thần thoại nên cho đến đời Thiên Hoàng thứ 14 thì tính xác thực vẫn thấp.
Tính thực tế trở nên cao hơn kể từ đời Thiên Hoàng thứ 15 – Thiên Hoàng Ojin.
Đón đọc tiếp tại “Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (phần 2)“.