Gốm sứ địa phương Nhật Bản – khu vực Kanto – Tohoku
Kanto – Tohoku là vùng đất thuộc đảo Honshu vốn được thiên nhiên ưu ái ban tặng khí hậu, cảnh sắc cũng như tài nguyên đất phong phú. Bên cạnh đó, những làng nghề thủ công truyền thống được biết đến cũng nhờ thế mà phát triển hơn. Gốm sứ khu vực này cũng vậy! Bên cạnh những cảnh sắc nên thơ xao xuyến lòng người, gốm sứ nơi đây có điều gì hấp dẫn nhỉ? Chúng ta cùng khám phá ngay xem sao nhé! 😍
1. Gốm sứ Kasama (tỉnh Ibaraki)
Gốm sứ Kasama (笠間焼) là các sản phẩm đồ gốm (toki) truyền thống có lịch sử lâu đời được chế tác quanh khu vực thành phố Kasama, tỉnh Ibaraki. Trong những năm gần đây, bên cạnh kỹ thuật truyền thống, một số kỹ thuật mới cũng đã được các nghệ nhân bổ sung và phát triển.
Đồ gốm Kasama thường được nhắc đến với đặc trưng không có đặc trưng gì cả. Sở dĩ như vậy vì chúng tùy thuộc vào khả năng cảm thụ và cá tính sáng tạo của các nghệ nhân khi vừa kết hợp kĩ thuật truyền thống xen lẫn kĩ thuật hiện đại. Đồ gốm Kasama mang trên mình những nét quyến rũ rất riêng.
Từ ngày 29/4 đến ngày 5/5 hằng năm, tại lễ hội gốm Himatsuri lớn nhất tỉnh Ibaraki, nhiều thợ gốm, lò nung, cửa hàng địa phương sẽ tập trung tại Trung tâm tổ chức sự kiện Kasama Art Forest Park rộng lớn và đón chào khách tham quan với những tác phẩm độc đáo của dòng gốm này.
2. Gốm sứ Mashiko (tỉnh Tochigi)
Gốm sứ Mashiko (益子焼) là những sản phẩm đồ gốm (toki) có lịch sử từ cuối thời kỳ Edo, được sản xuất xung quanh thành phố Mashiko, tỉnh Tochigi. Các lò nung kết hợp phát triển như một trung tâm sản xuất gốm, nổi tiếng với Chợ đồ gốm Mashiko được rất nhiều người ghé thăm hàng năm.
Với kết cấu được tạo nên từ nguyên liệu đất sét đặc biệt của địa phương, đồ Mashiko nổi bật lên với độ dày đáng kể, để lại ấn tượng sâu sắc với độ nhám của cát trộn lẫn trong đất sét, kết hợp hài hoà với lớp men kẹo và men ngọc trong khu vực được phủ lên đầy bắt mắt.
Hoa văn đơn giản nhưng không kém phần sinh động, được vẽ bằng các công cụ quen thuộc như bút lông hay lược, càng tô điểm cho nét mềm mịn và ấm áp của dòng gốm này. Những bộ đồ ăn Mashiko được ưa chuộng sử dụng rộng rãi, khiến các món ăn thêm đầy hấp dẫn và ngon miệng.
3. Gốm sứ Oborisoma (tỉnh Fukushima)
Gốm sứ Oborisoma (大堀相馬焼) là những sản phẩm đồ gốm (toki) truyền thống được chế tác xung quanh khu vực thị trấn Namie, quận Futaba, tỉnh Fukushima, thuộc vùng Tohoku của Nhật Bản. Có lịch sử từ thời Edo, xuyên suốt hơn 300 năm, đồ Oborisoma vẫn phát triển cho đến ngày nay.
Hình ảnh những chú ngựa đang chạy, vết nứt xanh và cấu trúc hai lớp là những nét đặc trưng không thể lẫn vào đâu được của đồ gốm Oborisoma. Cầm một chiếc cốc Oborisoma trên tay là bạn đã chạm được đến sự may mắn, vẻ đẹp âm thanh tan chảy của thị trấn và sự mát lành từ kết cấu sản phẩm.
Cấu trúc hai lớp cách nhiệt là một kỹ thuật chỉ có ở đồ gốm Oborisoma giúp nước nóng lâu nguội và cầm trên tay cũng không thấy nóng. Đó là một kỹ thuật được tạo ra từ kết quả của sự khéo léo và tài tình lặp đi lặp lại bởi các nghệ nhân, dựa trên nhu cầu tiện nghi trong cuộc sống hằng ngày.
4. Gốm sứ Aizu-hongo (tỉnh Fukushima)
Gốm sứ Aizu-hongo (会津本郷焼) là những sản phẩm đồ gốm (toki) và đồ sứ (jiki) truyền thống lâu đời nhất ở Tohoku, có lịch sử từ những năm 1593. Những sản phẩm phổ biến như bộ đồ ăn, lọ hoa hay bình trà chắc chắn sẽ khiến bạn thích thú bởi nhiều kiểu họa tiết, hoa văn khác nhau.
Với hơn 100 lò nung lớn nhỏ, người ta nói rằng số lượng lò nung càng ngày càng tăng dần và không có ngày nào mà khói không bốc lên từ đó. Đặc biệt, các nghệ nhân vùng Hongo đã phát minh ra bộ phận tráng trà trong bình trà kyusu từ thời Minh Trị và được sử dụng cho đến ngày nay.
Thiết kế đơn giản và ấm áp của đồ gốm cùng kết cấu rắn chắc, trong trẻo của đồ sứ Aizu-hongo, thông qua những sản phẩm phục vụ đời sống thường ngày càng trở nên gắn bó và quen thuộc hơn với mọi người. Dư vị mộc mạc, nhẹ nhàng vẫn luôn lan tỏa đến mọi thứ xung quanh mỗi khi đồ Aizu-hongo hiện diện.
Tổng kết
Như vậy một lần nữa những điều thú vị và hấp dẫn của gốm sứ địa phương đã được chúng ta khám phá. Chắc hẳn mỗi khi nhắc đến gốm sứ vùng Kanto – Tohoku, những cảm xúc ấm áp, nhẹ nhàng sẽ len lỏi đến từng giác quan và để lại dấu ấn riêng của chúng trong tâm trí ta đúng không nào. Các bạn cũng đừng quên còn nhiều điều độc đáo khác vẫn đang chờ bạn tìm hiểu tại chuyên mục Tham quan du lịch của Wappuri đó nha! Đừng bỏ lỡ nhé! 💓
Related Posts
Xu hướng đồ uống không cồn tại nhật bản
Trong những năm gần đây, nhu cầu về đồ u ...
10 món ngon truyền thống ở Tokyo và địa điểm thưởng thức
Hôm nay tôi sẽ giới thiệu với các bạn nh ...
Tokyo Tarot Museum – bảo tàng bài Tarot đầu tiên tại Nhật Bản
Bảo tàng là điểm đến quen thuộc thường đ ...
Các biểu tượng địa phương Nhật Bản – khu vực Kanto (1)
Là một trong tám khu vực địa lý của Nhật ...
Lễ rước đuốc Olympic Tokyo 2020 – Ngày 30 tháng 3 (2) – Từ thành phố Sakura đến thị trấn Mibu, tỉnh Tochigi
Lễ rước đuốc Olympic 2020. Ngày thứ 5 sẽ ...
Lễ rước đuốc Olympic Tokyo 2020 – Ngày 27 tháng 3 (2) – Thành phố Iwaki, tỉnh Fukushima
Lễ rước đuốc của Thế vận hội Tokyo 2020 ...