Di sản thế giới tại Nhật Bản – Tác phẩm kiến trúc nổi bật đến ngày nay của Le Corbusier

Trong số các di sản thế giới có những di sản “vượt khỏi biên giới quốc gia". Chẳng hạn những di tích trải dài qua nhiều nước hay các di sản thiên nhiên rộng khắp các biên giới.

Trong những “di sản thế giới vượt khỏi biên giới quốc gia" của Nhật Bản, có công trình Bảo tàng quốc gia Mỹ thuật Tây dương thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Le Corbusier, người đã đem lại ảnh hưởng mang tính toàn cầu cho Kiến trúc Hiện đại thế kỷ XX.

Lý do được chọn là di sản thế giới

Công trình được công nhận di sản không chỉ là một kiệt tác kiến trúc thấm đẫm ý tưởng sáng tạo của kiến trúc sư Le Corbusier mà còn có tầm nhìn đi trước thời đại hướng đến giải quyết vấn đề nhà ở và vấn đề đô thị thế kỷ XX.

Các tác phẩm của ông thể hiện sự phát triển và tiến trình của phong trào “cách mạng" Kiến trúc Hiện đại (Modernism) về xây dựng và quy hoạch đô thị thế kỷ XX.

Về sau nó phát triển thành tiêu chuẩn kiến trúc quốc tế dưới tên gọi Phong cách Quốc tế (International Style), các tác phẩm của Le Corbusier cũng có mối liên hệ rất mật thiết.

Bảo tàng quốc gia Mỹ thuật Tây dương

Bảo tàng chủ yếu trưng bày các tác phẩm điêu khắc, hội hoạ thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Đây vốn là bộ sưu tập cá nhân Matsukata Collection do doanh nhân Matsukata Kōjirō (松方幸次郎) sưu tập vào nửa đầu thế kỷ XX.

Một số tác phẩm nổi tiếng như bức tranh Nymphéas (Hoa súng) của Monet, tác phẩm điêu khắc La Porte de l’Enfer (Cổng địa ngục) và Le Penseur (Người suy tư) của Rodin cũng có ở đây.

Sau Thế chiến thứ 2, Nhật Bản bại trận nên bộ sưu tập Matsukata nhất thời bị Pháp chiếm giữ. Về sau Pháp lấy danh nghĩa quyên tặng lại cho Nhật Bản nhưng với điều kiện là phải cho xây Bảo tàng quốc gia Mỹ thuật Tây dương.

Và người thiết kế công trình này chính là kiến trúc sư người Pháp Le Corbusier.

Mối liên hệ với Le Corbusier

Các tác phẩm của Le Corbusier rải rác khắp Thuỵ Sĩ, Bỉ, Pháp, Ấn Độ, Đức, Argentina. Tại châu Á chỉ có duy nhất Bảo tàng quốc gia Mỹ thuật Tây dương tại Nhật Bản.

Le Corbusier chỉ phụ trách phần thiết kế cơ bản, còn thiết kế thực thi cụ thể do ba kiến trúc sư đại diện cho Nhật Bản đảm đương. Tuy nhiên ý tưởng của ông vẫn phản ánh rõ nét.

Cấu trúc bảo tàng

Chỗ trung tâm của bảo tàng trưng bày tác phẩm điêu khắc của Rodin, là sảnh giếng trời, được Le Corbusier đặt tên là Sảnh thế kỷ XIX. Cửa sổ tam giác trên trần hướng ánh sáng tự nhiên chiếu xuống.

Từ sảnh đi tiếp ta bắt gặp không phải là bậc thang mà là một đoạn dốc thoải để khách tham quan có thể vừa di chuyển vừa chiêm ngưỡng các bức điêu khắc từ góc độ khác. Le Corbusier gọi kiến trúc này là “lối dạo chơi mang tính kiến trúc".

Khu vực tầng hai trưng bày theo đường xoắn ốc như ôm lấy giếng trời. Theo lời Le Corbusier, đây là Ý tưởng phát triển vô hạn, trong tương lai khi cần mở rộng chỉ cần cơi nới thêm như đắp vỏ sò là được.

Tuy nhiên trong thực tế khi có nhu cầu mở rộng, người ta đã không cơi nới thêm gian nhà chính mà cho xây thêm một gian mới.

Bên cạnh đó, đứng trong phòng trưng bày tầng 2 nhìn lên, ta có thể thấy dãy đèn chiếu sáng giống như những ô cửa sổ hình vuông ở trên. Ban đầu đây là những cửa sổ thu ánh sáng tự nhiên, độ sáng thay đổi liên tục theo thời gian tạo nên cảm giác không gian sống động. Ý tưởng chiếu sáng này cũng là ước mơ ấp ủ nhiều năm của ông, tuy nhiên ánh sáng mặt trời có hại cho các tác phẩm mỹ thuật nên người ta đã cho thay bằng đèn điện.

Phòng trưng bày tầng 2 còn có cầu thang lên tầng 3 lửng nữa. Nhưng cầu thang này chỉ có tay vịn một bên khá nguy hiểm và tầng 3 lửng hơi tối nên hiện tại không đưa vào sử dụng.

Nếu có cơ hội đến Bảo tàng quốc gia Mỹ thuật Tây dương, bạn hãy chiêm ngưỡng không chỉ các tác phẩm trưng bày mà còn cả phong cách kiến trúc độc nhất vô nhị của toà nhà nhé!

Tên gọi Bảo tàng quốc gia Mỹ thuật Tây dương
Trang chủ https://www.nmwa.go.jp/jp/index.html
Điện thoại 03ー5777ー8600
Địa chỉ 7-7 công viên Ueno, Taitō-ku, thủ đô Tōkyō
Bản đồ
Giờ mở cửa Cơ bản 9:30~17:30 ※Thứ Sáu, thứ Bảy sẽ mở đến 20:00
(có lúc đóng cửa sớm, muộn hơn, bạn hãy xem trang chủ để biết chắc)
Nghỉ định kỳ Thứ Hai hằng tuần (thứ Ba nếu trùng dịp lễ)
28/12~1/1
Vé vào cổng Vé thường: 500 yên, sinh viên: 250 yên
Học sinh THPT trở xuống hoặc trên 65 tuổi: miễn phí
Sau 17:00 thứ Sáu và thứ Bảy: miễn phí