đồ da sơn mài koshu ở tình yamanashi

Đồ da sơn mài Koshu ở tỉnh Yamanashi

Phần lớn chúng ta nhắc đến samurai như biểu tượng cho sức mạnh và tính cách đặc trưng của người dân Nhật Bản. Thế nhưng không chỉ có vậy, sự phát triển của tầng lớp quyền lực này còn là khởi nguồn của nhiều nghề thủ công truyền thống, tạo ra các giá trị nghệ thuật đậm nét văn hoá Nhật Bản.

Một trong số đó là đồ da sơn mài Koshu ở tỉnh Yamanashi: dòng sản phẩm da hươu với hoạ tiết sơn mài tinh tế.

Nguồn gốc

Từ hơn 1.000 năm trước, người Nhật đã biết may trang phục và làm đồ dùng sinh hoạt từ da động vật hoang dã như gấu, hươu hay da cá hồi. Theo thời gian các kỹ thuật gia công sản xuất không ngừng cải tiến và phát triển.

giày da cá hồi người ainu
Đôi giày làm từ da cá hồi của người Ainu, tộc người thiểu số vùng Hokkaido (ảnh: アイヌ文化情報オンライン)

Dưới thời Nara, vùng Koshu thuộc tỉnh Yamanashi đã mang đến một trào lưu mới cho thế giới đồ da khi ứng dụng kỹ thuật sơn mài truyền thống tạo nên họa tiết trên nền da hươu quen thuộc.

Đây chính là nguồn gốc ra đời của dòng đồ da sơn mài Nhật Bản với tên gọi chính thức là Koshu Inden (甲州印伝).

Nguyên liệu sản xuất

  • Da hươu
đồ da hươu
(ảnh: INDEN EST.1582)

Da hươu có đặc tính nhẹ, dễ gia công và chế tác. Tương tự các dòng da tự nhiên khác, đây cũng là chất liệu bền bỉ với thời gian, đặc biệt càng sử dụng càng được lên nước, mềm mịn hơn nhiều so với lúc mới mua.

  • Sơn mài

Nghệ thuật sơn mài Nhật Bản sử dụng nhựa cây sơn được trồng trên chính đất Nhật. Từ thời cổ đại loại sơn này đã được dùng như lớp bảo vệ phủ bên ngoài những công cụ săn bắn.

Ban đầu sơn mài Nhật Bản chỉ có hai màu cơ bản là đỏ và đen, sau này để đáp ứng nhu cầu trang trí mà xuất hiện thêm nhiều màu sắc khác.

sơn mài màu đỏ
Sơn mài màu đỏ (ảnh: INDEN-YA Co.,Ltd)
sơn mài màu đen
Sơn mài màu đen (ảnh: INDEN-YA Co.,Ltd)

Theo thời gian, sơn mài dần được coi là nguyên liệu đặc trưng của Nhật Bản và nghệ thuật sơn mài trở thành đại diện cho tinh hoa nghệ thuật Nhật Bản trên toàn cầu.

Được sinh ra từ sự kết hợp sáng tạo, tinh tế của hai nghề thủ công tiêu biểu, đồ da sơn mài Koshu nhanh chóng mê hoặc tầng lớp quý tộc, đặc biệt làm nên một trong các chi tiết trang trí đắt giá giúp tôn lên sự uy nghiêm của bộ áo giáp samurai thời bấy giờ.

sơn mài koshu trên giáp samurai
Chi tiết đồ da sơn mài Koshu trên áo giáp samurai truyền thống (ảnh: INDEN-YA Co.,Ltd)

Ngày nay, tuy hình ảnh quý tộc hay võ sĩ đã lùi xa vào quá khứ, đồ da sơn mài Koshu vẫn giữ vững vị thế của dòng sản phẩm cao cấp và thời thượng trong ngành đồ da Nhật Bản cũng như quốc tế.

đò da sơn mài koshu trên ví và túi xách
Chi tiết đồ da sơn mài Koshu trên túi sách và ví (ảnh: INDEN-YA Co.,Ltd)

Kỹ thuật chế tác

Cả ba kỹ thuật truyền thống từ khi đồ da sơn mài mới xuất hiện vẫn đang được truyền lại cho các thế hệ nghệ nhân tiếp nối và ứng dụng vào sản xuất các sản phẩm ngày nay.

  • Kỹ thuật quét sơn mài (漆付け技法)

Người nghệ nhân sẽ chồng lên tấm da hươu một khung giấy hoa văn Ise katagami, sau đó tỉ mỉ thực hiện thao tác quét sơn mài bên trên.

(ảnh: INDEN-YA Co.,Ltd)
(ảnh: inden-yamamoto)

Bước tiếp đến là cẩn trọng tách tấm da hươu ra khỏi phần khung giấy để có được được những hoa văn nổi sắc nét với màu sơn óng ánh.

(ảnh: INDEN-YA Co.,Ltd)

Từ 5 đến 8 năm là khoảng thời gian mà một người thợ cần có để thành thạo kỹ thuật này.

  • Kỹ thuật hun khói Fusube (ふすべ技法)

Đây là phương pháp “độc quyền” được phát triển ở các xưởng sản xuất đồ da sơn mài tại Koshu, Yamanashi.

Các tấm da hươu sẽ được gắn bên trên một trục gỗ lớn và quay đều trong màn khói được đốt từ rơm và nhựa thông.

(ảnh: INDEN-YA Co.,Ltd)
Lò đun để hun khói da (ảnh: INDEN-YA Co.,Ltd)

Những sản phẩm được tạo ra từ kỹ thuật này có màu nâu cam đặc trưng cùng hương khói thơm dịu có thể lưu giữ đến nhiều năm sau.

(ảnh: INDEN EST.1582)

Có hai cách để tạo hoa văn cho các tấm da hươu nằm trên trục quay:

Một là người nghệ nhân dùng dao để rọc các đường thẳng trên bề mặt da đã được hun.

(ảnh: INDEN-YA Co.,Ltd)

Hai là đặt các tấm da đã được quét sơn mài bên trên và thực hiện hun, sau đó cạo lớp sơn mài khô bên ngoài để lộ các chi tiết hằn trên mặt da.

  • Kỹ thuật Sarasa (更紗技法)

Đặc điểm của sản phẩm áp dụng kỹ thuật Sarasa là đa dạng hoạ tiết và màu sắc trên bề mặt.

Các mẫu giấy hoa văn katagami khác nhau cùng màu sắc tương ứng được kết hợp lần lượt để tạo ra bức tranh sống động trên mỗi tác phẩm.

(ảnh: INDEN-YA Co.,Ltd)

Hoa văn trang trí

Nếu kỹ thuật chế tác đồ da sơn mài là nét đẹp ngầm cần thời gian tìm hiểu thì vẻ đẹp của hoạ tiết lại có thể được nắm bắt chỉ qua một ánh nhìn hay một cái chạm nhẹ.

(ảnh: INDEN-YA Co.,Ltd)

Mỗi cửa hàng Koshu Inden tại Yamanashi đều có gia tài hàng trăm mẫu họa tiết khác nhau, tất cả đều được lưu giữ bằng khung giấy Ise katagami, sản phẩm thủ công truyền thống của tỉnh Mie.

Phần lớn các hoạ tiết đều được lấy cảm hứng từ cảnh vật thiên nhiên, miêu tả đầy sống động vẻ đẹp bốn mùa của Nhật Bản.
(ảnh: INDEN-YA Co.,Ltd)
(ảnh: inden-yamamoto)

Bạn có thể xem thêm các mẫu họa tiết trang trí đặc trưng của đồ da sơn mài Koshu tại đây.

Đồ da sơn mài Koshu ngày nay

Với nhiều người Nhật việc sở hữu một sản phẩm da sơn mài Koshu không chỉ để thỏa mãn sở thích sử dụng đồ da mà còn là cách để đưa các giá trị nghệ thuật truyền thống đi vào cuộc sống thường nhật.

Nhờ đó ngành thủ công đặc biệt này được tiếp tục phát triển rực rỡ thay vì trở thành một phần của quá khứ.

(ảnh: INDEN-YA Co.,Ltd)
(ảnh: INDEN-YA Co.,Ltd)
(ảnh: INDEN-YA Co.,Ltd)
(ảnh: inden-yamamoto)

Đặc biệt nhất trong các sản phẩm đồ da sơn mài ngày nay là dòng Urushinashika sử dụng da hươu không qua tẩy trắng và nhuộm màu.

Được biết đây là sáng tạo hướng tới phát triển bền vững nghề thủ công này gắn với bảo vệ môi trường của tỉnh Yamanashi.

Tổng kết

Sẽ thật tuyệt nếu chúng ta có thể tận mắt nhìn thấy và cảm nhận những sản phẩm da sơn mài Koshu cao cấp. Vì chính bên trong mỗi tác phẩm nhỏ bé là sự kết nối của các tinh hoa nghệ thuật Nhật Bản cùng tài năng và tình yêu dành cho sản phẩm thủ công truyền thống của các thế hệ nghệ nhân.