Các loại hoa văn truyền thống Nhật Bản
Hoa văn trong văn hoá truyền thống Nhật Bản bao gồm các loại hoạ tiết và thiết kế hình học, bắt nguồn từ hình ảnh động thực vật.
Những mẫu hoa văn này không chỉ ứng dụng trong vật dụng hằng ngày như đồ ăn, trang phục kimono mà từ lâu đời còn được dùng trang trí cho những nơi trang nghiêm như đền thờ.
Trong bài viết này, WAppuri xin giới thiệu về các loại hoa văn và ý nghĩa của chúng. Hãy cùng cảm nhận sự quyến rũ của các loại hoa văn truyền thống Nhật Bản thông qua tâm tư được gửi gắm nhé!
Những loại hoa văn truyền thống và thông điệp gửi gắm bên trong
Sakura (桜)
Hoạ tiết hoa anh đào sakura biểu tượng đặc trưng của Nhật Bản được ứng dụng vào nhiều khía cạnh như trang phục kimono, đồ nội thất, đồ gia dụng thiết yếu. Hoạ tiết này mang ý nghĩa của sự thịnh vượng và giàu có, bắt nguồn từ hình ảnh những chùm hoa nở rộ khi vào xuân.
Hoa văn sakura có nhiều loại khác nhau. Tiêu biểu nhất là sakurachirashi (桜散らし), hình vẽ những đoá hoa anh đào rải rác. Ngoài ra còn có sakuragawa (桜川) kết hợp hoa anh đào và dòng sông, tạo hình thành một dòng sông hoa trải dài, hay kết hợp với cây phong lá đỏ kaede (楓) để tạo thành hoạ tiết oufuu (桜楓) với hình ảnh lá phong điểm xuyết hoa anh đào.
Asanoha (麻の葉)
Asanoha là hoạ tiết lục giác đều được ghép lại bằng những hình tam giác, tạo hình giống như một chiếc lá gai có sức sống mãnh liệt. Vì cây gai mọc thẳng và phát triển nhanh nên thường được sử dụng làm hoa văn cho đồ dùng và kimono của trẻ em, với ý nghĩa cầu chúc mau lớn và khỏe mạnh.
Vào thời Heian, hoạ tiết lá gai còn được dùng để trang trí cho những bức tượng Phật. Ngày nay, hoa văn này còn được sử dụng để trang trí vật dụng hằng ngày và đồ nội thất như cửa lùa hay giấy dán tường.
Koujitsunagi (工字繋ぎ)
Koujitsunagi là hoa văn được vẽ nên bằng cách sử dụng chữ kou (工), thường được dùng cho jimon (地紋) của kimono.
Jimon chỉ hoạ tiết tạo ra bằng phương pháp dệt sợi vải, khác với họa tiết được tạo bằng cách nhuộm hay thêu. Các hoạ tiết dệt thoi tạo cảm giác hoa văn nổi theo từng góc nhìn do hiệu ứng phản xạ ánh sáng.
Trong hoạ tiết koujitsunagi, chữ 工 được lồng vào nhau dường như kéo dài đến vô tận. Do đó nó mang ý nghĩa vận mệnh lâu dài, biểu tượng cho sự trường thọ và được sử dụng như một dấu hiệu mang đến điềm lành.
Shippo (七宝)
Shippo là hoa văn có các vòng tròn chồng lên nhau trong giống như cánh hoa và mỗi điểm giao nhau của những cánh hoa lại tạo thành một ngôi sao sáng. Hình ảnh kết nối liên tục của các vòng tròn khiến nó được coi là biểu tượng cho sự kết nối giữa con người và con người, mang đến sự thịnh vượng cho con cháu, tạo ra những mối quan hệ tốt và mang lại sự hài hoà.
Hoạ tiết này đã được sử dụng từ lâu đời ở Ai Cập và Trung Quốc cổ đại, ở Nhật Bản được biết đến với tên gọi wachigai (輪違い) sử dụng trong trang phục và đồ dùng của tầng lớp quý tộc thời Heian.
Tên gọi shippo được bắt nguồn từ thuật ngữ thất bảo trong Phật giáo, đề cập đến bảy báu vật gồm vàng, bạc, pha lê, lưu ly, mã não, san hô và sò tai tượng. Có thể nói đây là hoa văn truyền thống có kiểu cách cao quý do nguồn gốc tên gọi và hình thức thể hiện.
Tachiwaki/tatewaki (立湧)
Tachiwaki là hoạ tiết với hai đường cong trông giống như hơi nước đang bốc lên. Hoa văn này được sử dụng trong trang phục kịch Noh, một loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Nhật Bản. Từ hoa văn tachiwaki gốc có thể tạo ra nhiều loại hoạ tiết bằng cách vẽ thêm vào phần gấp khúc dày.
Kumotatewaki (雲立湧) là hoạ tiết cao quý mô phỏng những đám mây bay lên bầu trời. Dưới thời Heian, nó được sử dụng trong trang phục của các hoàng tử và chính trị gia cao cấp. Ngoài ra còn có các biến thể như kikutatewaku (菊立涌) được tô điểm bằng hoa cúc hay hattatewaku (波立涌) với những tia nước bắn gợi hình ảnh một làn sóng vỗ.
Ryusui (流水)
Ryusui là hoa văn truyền thống với hình dáng dòng nước uốn lượn. Dòng nước có thiết kế dạng hình học được thể hiện bằng nhiều đường cong đi kèm những hoạ tiết vẽ tay tinh tế.
Kanzemizu (観世水) là một biến thể của ryusui với các dòng nước xoáy tròn. Hoạ tiết này hướng đến sự thanh bạch không vướng bụi bẩn, với ý nghĩa tránh những điều xấu, phòng chống thiên tai. Hình vẽ nước chảy tinh tế cũng là hoa văn đẹp với ý nghĩa điềm lành, thường được sử dụng trong trang phục kimono.
Hơn thế nữa, ryusui còn có nhiều loại đa dạng khi kết hợp với các hoạ tiết khác. Điển hình như hoạ tiết senmennagashi (扇面流し) kết hợp với quạt hay kikusuijmon (菊水文) được vẽ cùng với hoa cúc.
Yagasuri (矢絣)
Hoạ tiết yagasuri dựa trên hình ảnh lông chim ưng, đại bàng thường được dùng để gắn vào mũi tên thời xưa. Ban đầu, loại vải có hoa văn mũi tên được làm từ một phương pháp dệt có tên kasuri, nên tên gọi ya-kasuri cũng bắt nguồn từ đó.
Mũi tên mang ý nghĩa chống lại những điều xấu và hoạ tiết mũi tên này cũng mang ý nghĩa tốt lành. Đặc biệt là mũi tên màu tím và trắng thường được sử dụng trong kịch kabuki và phim truyền hình lịch sử, tô điểm cho trang phục kimono dành cho những người phụ nữ phục vụ cho tầng lớp thượng lưu.
Hoạ tiết này cũng nổi tiếng khi có mặt trên trang phục của nhân vật chính trong shoujo manga Haikara-San: Here Comes Miss Modern (はいからさんが通る) lấy bối cảnh thời Taisho. Và ngày nay cũng không ít các cô gái chọn mặc hakama hoạ tiết yagasuri tại lễ tốt nghiệp.
Karakusa (唐草)
Karakusa là hoạ tiết với hình ảnh cây thường xuân vươn nhánh leo trải dài bốn hướng. Hình ảnh thường xuân cho thấy sức sống mạnh mẽ, chính vì dây leo phát triển theo nhiều hướng nên đây là biểu tượng điềm lành tượng trưng cho sự trường thọ và thịnh vượng.
Tương truyền karakusa bắt nguồn từ hoa văn cây cỏ trên tàn tích đền Hy Lạp và được du nhập theo con đường tơ lụa qua Trung Quốc vào Nhật Bản. Khăn furoshiki với họa tiết karakusa màu trắng trên nền xanh là hình mẫu quen thuộc được dùng trên mũ lân trong các lễ hội.
Kikko (亀甲)
Hoa văn kikko được ghép lại từ nhiều hình lục giác trông như mai rùa xếp thành hàng. Rùa là biểu tượng của tuổi thọ và mai rùa cũng là một dấu hiệu mang đến điềm lành. Trong thời Heian, kikkou được sử dụng trong trang phục và đồ đạc của tầng lớp quý tộc.
Sự sắp xếp đơn giản của các hình lục giác dẫn đến một số lượng lớn các biến thể trong cùng một mẫu hoa văn. Ví dụ như kikko hanabishi (亀甲花菱) có hoa tô điểm ở giữa mỗi hình lục giác, hay bishamon kikko (毘沙門亀甲) được tạo ra bằng cách nối ba hình lục giác lại với nhau.
Ứng dụng hoa văn truyền thống trong đời sống
Đền Thần đạo
Từ lâu đời, các loại hoa văn truyền thống khác nhau đã được sử dụng để trang trí mái nhà, cửa đền chùa. Chúng ta thường thấy hoa văn hiun (飛雲) trang trí trên mái nhà, thể hiện hình ảnh những đám mây bay. Trên những tấm cửa lùa fusuma thường bắt gặp hoa văn seigaiha (青海波) mô phỏng những con sóng cuộn đến vô tận, đây là biểu tượng của hạnh phúc trường tồn và cuộc sống bình yên.
Trong khi đó, hoa văn hình thoi hishi (菱) và hoa văn tam giác uroko (鱗) thường được thấy trên đường viền của chiếu tatami. Hoa văn kagome (籠目) thường được sử dụng trang trí cho cửa ra vào, là một chuỗi mắt lưới được hình thành bởi sự giao nhau của nhiều đường ngang và đường dọc.
Karesansui (枯山水)
Karesansui là một trong những phong cách vườn cảnh được sử dụng trong trí sân vườn của người Nhật. Đặc trưng của loại vườn cảnh khô này là dựng phong cảnh thiên nhiên bằng cát và đá. Sử dụng các hoạ tiết truyền thống như sóng cuộn seigaiha và xoắn ốc uzumaki (渦) vẽ nên cảnh bờ biển. Hoa văn vẽ trên cát được gọi là samon (砂紋) và đây là một phần quan trọng tạo nên phong cách của karesansui.
Trong khu vườn cảnh khô của chùa Ryuanji (龍安寺) ở Kyoto, người ta đặt 15 viên đá lớn nhỏ trên cát. Đặc điểm của khu vườn này là từ bất kì vị trí nào cũng chỉ có thể nhìn thấy 14 viên đá. Ngoài ra, chùa Kozenji (興禅寺) ở tỉnh Nagano có một khu vườn cảnh khô lớn tên là kan’untei (看雲庭) mô phỏng những đám mây. Một trong những nét hấp dẫn của kan’untei chính là sự kiến tạo để những rặng núi bằng cây và karesansui hoà làm một khi nhìn từ phía xa.
Dụng cụ ăn uống
Hoa văn truyền thống Nhật Bản cũng được sử dụng trong vật dụng hằng ngày như tách trà hay đĩa trang trí. Những loại hoa văn phổ biến trên dụng cụ ăn uống là seigaiha và ume (梅).
Seigaiha thường xuất hiện trong tách trà và đĩa làm bằng gốm sứ. Bên cạnh đó, ume là loại hoa văn truyền thống không chỉ phổ biến trên đồ gốm mà còn có trên đồ gỗ sơn mài. Hoa mơ nở vào đầu mùa xuân lạnh giá, do đó chúng được cho là điềm lành, là biểu tượng của sự kiên nhẫn.
Tenugui (手ぬぐい) / furoshiki (風呂敷)
Các hoạ tiết truyền thống như namichidori (波千鳥) và ichimatsu (市松) thường được thấy trên khăn tay tenugui và khăn xếp furoshiki.
Hoạ tiết namichidori là sự kết hợp của những ngọn sóng và một đàn chim. Nó mang ý nghĩa cùng nhau vượt qua biển động và là một biểu tượng tốt, tượng trưng cho sự hoà thuận của vợ chồng và sự an toàn của gia quyến.
Trong khi đó hoạ tiết ichimatsu bao gồm những ô vuông nhiều màu sắc nối liền không điểm dừng. Nó mang ý nghĩa con đàn cháu đống, ứng dụng không chỉ trong tenugui, furoshiki mà còn xuất hiện trên trang phục kimono và các vật dụng cần thiết hằng ngày.
Kimono (着物)
Các mẫu hoa văn truyền thống được sử dụng cho kimono gồm shouchikubai (松竹梅) và kaiawase (貝合わせ).
Shouchikubai thường được sử dụng làm họa tiết cho những bộ kimono mặc đi tiệc mừng. Ngoài những hoạ tiết hoa mơ đã giới thiệu ở trên, shouchikubai còn có thêm cây tùng có khả năng chống chọi với giá rét và cây trúc mọc thẳng tắp. Chính vì thế, hoa văn shouchikubai tùng trúc mơ trở thành biểu tượng cho sự kiên nhẫn và thịnh vượng.
Bên cạnh đó, kaiawase lại được biết đến như một biểu tượng của sự hoà hợp trong hôn nhân, với hình ảnh vỏ trai vừa khít với nhau, hoàn toàn không có bất kì khoảng cách nào. Ngoài ra, hoạ tiết quạt sensu (扇子) và hoạ tiết châu báu trải đầy takaradzukushi (宝尽くし) cũng là những hoa văn truyền thống thường xuất hiện trên trang phục kimono trong các buổi tiệc mừng.
Hy vọng bài viết này đã phần nào giúp các bạn hiểu thêm về ý nghĩa cũng như lý do mà người Nhật chọn sử dụng những loại hoạ tiết truyền thống này trong cuộc sống hằng ngày.