Xây dựng mối quan hệ cấp trên với cấp dưới tốt đẹp với quy tắc “sa-shi-su-se-so”

Trong kinh doanh, không chỉ riêng lĩnh vực sale hay tiếp đãi khách hàng mà có rất nhiều tình huống khác đòi hỏi đến kĩ năng giao tiếp . Trong số đó, “trò chuyện" là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Kĩ năng trò chuyện không chỉ quan trọng đối với các đối tác kinh doanh hay khách hàng mà còn quan trọng đối với các mối quan hệ với sếp hay các tiền bối làm việc chung.

Tuy nhiên, chắc hẳn có không ít người đang phiền não về việc “Tôi không thể nắm bắt được mạch của câu chuyện" hay “Tôi không biết cách nối tiếp câu chuyện như thế nào" với sếp hay tiền bối của mình. Những lúc như thế, quy tắc “Sashisuseso" sẽ giúp bạn giải quyết phiền muộn của mình. Tôi sẽ giải thích về cách sử dụng quy tắc “Sashisuseso" – thứ giúp cho các mối quan hệ trở nên suôn sẻ hơn trong các cuộc trò chuyện, đặc biệt hiệu quả hơn khi kết hợp với các cử chỉ tán dương người khác trong giao tiếp.

Hãy tích cực sử dụng quy tắc “Sashisuseso" để giao tiếp với sếp của bạn!

Quy tắc “Sashisuseso" là một kĩ năng giao tiếp được sử dụng kết hợp với cử chỉ tán dương trong hội thoại. Nó không chỉ đơn thuần là việc tán dương người khác mà chính là quy tắc vàng được sử dụng rộng rãi để khen, tâng bốc đối phương trong mọi tình huống từ môi trường công sở cho đến các cuộc hội thoại hàng ngày, hẹn hò v.v… Bằng cách sử dụng quy tắc này một cách thành thục, chúng ta sẽ có thể dễ dàng tiếp tục câu chuyện với đối phương hơn. Tôi xin phép giới thiệu về quy luật và cách sử dụng lần lượt như sau.

Thứ nhất là “Sa": Sasuga ○○san desune! (さすが、○○さんですね) (Quả không hổ danh là anh/chị ○○!)

Con người bất kể ai cũng vậy, họ đều cảm thấy vui sướng khi được người khác công nhận. Thêm vào đó, nếu bạn có thể khéo léo truyền đạt cảm giác “tôn trọng" hay “đúng như mong đợi" thì sẽ làm cho đối phương cảm thấy thích thú hơn. Khi bạn sử dụng cách nói “Sasuga + tên người" sẽ khiến cho hiệu quả tăng lên gấp bội. Đây chính là cách khen giúp cho bất kì ai cũng đều có cảm giác thỏa mãn mong muốn được người khác công nhận của mình. Bạn cũng nên tích cực sử dụng cách nói “quả đúng như mong đợi" này cho cả cấp dưới của mình.

Thứ hai là “Shi": Shirimasendeshita (知りませんでした) (Ồ tôi chưa hề biết đến điều đó)

Sếp và đàn anh càng hiểu biết nhiều thì họ càng có thể chỉ bảo cho cấp dưới và đàn em những gì họ biết. Những người như thế thường thích thú khi thấy biểu hiện thán phục của đàn em, cấp dưới của mình trước những điều mình kể. Tuy nhiên, cần phải chú ý khi sử dụng cách nói này. Nếu đó là một vấn đề khó thì bạn có thể đơn giản nói rằng “Ồ tôi chưa hề biết về việc đó", nhưng nếu bạn sử dụng nó cho điều gì đó mà mọi người đều biết thì nó sẽ để lại ấn tượng là bạn cố tình vờ như không biết gì. Bạn nên sử dụng khéo léo tùy thuộc theo nội dung của câu chuyện, chẳng hạn như “Đó quả thực là một cách nhìn mới."

Thứ ba là “Su": Sugoi! (すごい) (Thật xuất sắc!), Subarashii (すばらしい) (Tuyệt vời)

Đây là cách tán dương thường hay sử dụng không chỉ trong môi trường kinh doanh phải không nào. Nếu bạn lạm dụng thì nó sẽ để lại ấn tượng bình thường chung chung về bản thân mình. Vì vậy, bạn nên sử dụng nó ở những điểm mấu chốt trong hội thoại. Bạn không nên chỉ nói mỗi “thật tuyệt vời nhỉ" không thôi, mà hãy tiếp nối theo sau những câu như “Rồi tiếp theo thì như thế nào?" hay “Chuyện gì đã xảy ra sau đó?" chắc chắn sẽ khiến cho cuộc trò chuyện trở nên thật sôi nổi.

Thứ tư là “Se": Sensu ga arimasu ne (センスがありますね) (Anh/chị quả thật có mắt nhìn)

Quy tắc “Sashisuseso" về cơ bản nhận là phát ngôn thuận theo cảm nhận từ lời nói của đối phương. Tuy nhiên, cách nói “Anh/chị quả thật có mắt nhìn" này cũng là một cách diễn đạt gây tác động đến đối phương. Có thể nói, cách nói này chạm đến bản chất và cá tính của con người hơn là kết quả hay thành quả công việc của họ. Khi được ai đó để ý đến những thứ đang gắn trên người hay những chỗ mình để tâm chăm chút và được nói rằng “anh/chị thật có mắt nhìn" thì bản thân mình sẽ cảm thấy tự tin hơn và có thể lời khen đó sẽ dẫn đến một cuộc nói chuyện thú vị. Ngoài cách nói trên ta còn có thể sử dụng cách nói “Sensu ga chigaimasu ne" (センスが違いますね, nghĩa là “Anh/chị có cách nhìn độc đáo nhỉ").

Thứ năm là “So": Sou nan desu ka! (そうなんですか) (Thật thế à!), Sou nan desu ne (そうなんですね) (Quả đúng thật là thế nhỉ)

Trong giao tiếp cần tuyệt đối tránh “bác bỏ" và “đổ lỗi" cho đối phương. Nếu như bạn không thấu hiểu, “đồng điệu" hay “đồng ý" với đối phương thì bạn sẽ không thể xây dựng một mối quan hệ viên mãn được. Trường hợp khi câu chuyện bị gián đoạn giữa chừng thì cách nói “Sore de dou datta no desuka? (それでどうなったのですか, nghĩa là “Sau đó chuyện như thế nào?") sẽ giúp ta đào sâu được câu chuyện của đối phương hơn. Ngoài ra, những cách nói “Sore wa" (それは, nghĩa là “Việc đó thì…") như “Sore wa taihen deshita deshou" (それは大変でしたでしょう, nghĩa là “Việc đó quả thật rất vất vả phải không"), hay “Sore wa omoshiroi desu ne" (それは面白いですね, nghĩa là “Việc đó thật là thú vị nhỉ") kết hợp với cử chỉ tán dương sẽ giúp cho cuộc hội thoại có chiều sâu hơn.

Tích cực sử dụng cách nói “Sore wa ii desune" (それはいいですね, nghĩa là “Điều đó tuyệt nhỉ") với cấp dưới, đàn em của mình sẽ giúp cho đối phương cảm giác mình được công nhận và câu chuyện được tiếp tục.

Những điểm cần lưu ý khi sử dụng quy tắc “Sashisuseso"

1. Đối phương là chính, đừng thể hiện bản thân nhiều hơn mức cần thiết Mục đích của việc tán dương là truyền tải cảm xúc phù hợp với đối phương. Cho nên quan trọng là cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp với nhịp điệu của đối phương.

2. Lặp lại lời nói của đối phương giúp rút ngắn khoảng cách đôi bên Khi không biết cần phải nói gì thì lặp lại lời của đối phương chính là một biện pháp hữu ích. Việc đó giúp tạo ra cho đối phương cảm giác rằng bản thân mình đang đồng cảm với họ.

3. Cùng một ý nhưng hãy sử dụng nhiều cách diễn đạt khác nhau Ta thường có xu hướng nói “Hai, hai" (はい、はい, nghĩa là “Vâng, vâng") khi gật đầu tán thành đối phương. Thế nhưng, nếu như ta cứ lặp đi lặp lại mãi một cách nói thì chắc chắn sẽ khiến cho đối phương bất an rằng “Người này liệu có thật sự đang lắng nghe câu chuyện của mình không nhỉ?". Vì vậy, ta nên sử dụng nhiều cách nói hơn như là “Ee" (ええ = Ừa) hay “Sou desune" (そうですね = Đúng thế nhỉ).

4. Lắng nghe câu chuyện đến cuối cùng Đặc biệt, khi nói chuyện với cấp trên tuyệt đối không được ngắt quãng câu chuyện. Hãy cố gắng chờ đợi, lắng nghe, kết hợp sử dụng cử chỉ tán dương cho đến hết câu chuyện.

Căn bản là phải tiếp cận đối phương một cách vui vẻ, tích cực

Cuộc hội thoại, giao tiếp trở nên suôn sẻ được chính là nhờ khả năng truyền đạt đến cho đối phương cảm giác “đồng cảm", “đồng thuận". Cùng một cách tán dương nhưng nếu như bạn tiếp cận đối phương với vẻ tích cực và vui vẻ thì cho dù có chút yên lặng trong câu chuyện cũng vẫn sẻ ổn thôi. Mọi người hãy cùng nhau cố gắng ghi nhớ, luyện tập thuần thục cách tán dương kết hợp sử dụng quy tắc “Sashisuseso" này nhé!