Thế nào là quấy rồi? Nhận thức về hiện tượng quấy rối ở Nhật Bản

Hôm nay sấm sét và mưa như trút nước suốt từ 4 giờ sáng nên tôi dậy sớm. Dạo này mưa lớn triền miên, hôm nay cũng vậy, nằm trên giường nhưng tôi vẫn biết ngoài trời đang mưa. Sấm sét chắc cũng không xa vì chớp giật liên hồi và sấm rền dữ dội. Thường thì phải dậy lúc 6 giờ nhưng hôm nay từ 4 giờ tôi đã chập chờn và rốt cuộc thức giấc cực kỳ khó chịu. Sau đó khi tới nhà ga, hệ thống tín hiệu bị hư hại do sấm sét rồi biểu đồ tàu chạy thành ra lộn xộn, tôi đến chỗ làm vừa kịp nhưng một ngày kỳ lạ của tôi đã bắt đầu như vậy.

Trời đang vào thu thấy rõ. Tôi là AY, đến từ Kyoto, Nhật Bản.

Hôm nay tôi xin nói về tình trạng quấy rối trong môi trường công sở Nhật Bản. Quấy rối (harassment) nghĩa là phiền nhiễu, quấy rầy, nhưng nổi trội hơn cả là quấy rối tình dục sekuhara (sexual harassment). Ở Nhật, sau khi sửa đổi Luật bình đẳng giới trong tuyển dụng vào năm 1997, đã có nhiều lần sửa đổi lặp đi lặp lại, thêm vào nhiều điều khoản khác nhau. Gần đây xuất hiện thêm khái niệm matahara: quấy rối liên quan đến thai sản, sinh con, nuôi con. Ngoài ra còn có akahara “quấy rối đại học” chỉ những hành vi giảng viên lợi dụng chức quyền quấy rối sinh viên, pawahara “quấy rối quyền lực” chỉ những hành vi cấp trên lợi dụng chức quyền quấy rối cấp dưới, sukuhara “quấy rối học đường” chỉ những hành vi giáo viên lợi dụng chức quyền quấy rối học sinh, vân vân… Dường như có đến hàng chục loại như vậy.

Việt Nam thì thế nào? Ở Nhật thì trong vài năm gần đây vấn đề này ngày càng gia tăng đến mức hơi quá nhạy cảm thì phải.

Cái khó của những khái niệm quấy rối là cảm giác khó chịu của đối phương là nhân tố chủ chốt và phải xuất hiện của những nỗi đau về thể xác hay tinh thần. Nhưng khi nào thì người ta cảm nhận nỗi đau thể xác, tinh thần? Không có mức độ, tiêu chuẩn nhất định nên khó có thể vạch ranh giới rõ ràng. Có những lời nói, hành vi bị cấm nhưng có người không thấy cảm thấy phiền, trái lại, cũng có những lời nói, hành vi có vẻ nhẹ nhàng nhưng một số người lại thấy rất khó chịu. Hơn nữa, lại có trường hợp có những lời nói, hành vi rõ ràng là phiền nhiễu, khó chịu, nhưng tuỳ thuộc vào mối quan hệ của những người trong cuộc mà thậm chí họ còn thấy thoải mái nữa.

Vì vậy, thay vì xem cái gì tốt, cái gì xấu ở hình thức bên ngoài, cần phải suy xét những cảm xúc hướng đến đối phương ẩn phía sau những lời nói, hành vi đó.

Có một câu nói trong Kinh Thánh:”Hãy đối xử với người khác theo cách mà mình muốn được đối xử” (Matthew 7:12)

Cần chú ý hai bước. Bước đầu là suy xét kỹ lời nói, hành vi của mình có làm phiền lòng người khác hay không. Chẳng hạn như để tránh sumehara “quấy rối mùi hương”, chúng ta phải nghĩ xem mùi nước hoa của mình có mang lại cảm giác khó chịu cho người khác hay không; hoặc là pettohara “quấy rối do thú cưng”, cảm giác khó chịu do động vật gây ra ở những người không thích thú cưng , v.v..

Sau đó, ở bước tiếp theo, điều quan trọng là lời nói, hành vi phải bắt nguồn từ động cơ tích cực rằng chúng ta mong muốn nó đem đến lợi ích cho đối phương. Ví dụ những lời như “nên lấy chứng chỉ này, sẽ tốt cho công việc tương lai”, “chúc cậu sớm tìm được đối tượng kết hôn tâm đầu ý hợp”, “kết quả học tập cứ thế này thì hơi khó tốt nghiệp đấy”, v.v. hay những hành động như một cái vỗ vai khích lệ, một cử chỉ xoa bụng thai phụ nhẹ nhàng, v.v. Những điều nhỏ nhặt như vậy nhiều khi lại rất quan trọng để phân biệt một hành vi bình thường và hành vi quấy rối.

Ở Nhật hiện nay nhận thức về quấy rối đã thành ra quá mạnh mẽ đến nỗi phản tác dụng: mọi người hầu như không thể thổ lộ tâm tình với nhau nữa. Có nhiều trường hợp mối quan hệ giữa người với người vì thế mà càng ngày càng mờ nhạt.

Con người vốn dĩ mang những cá tính khác nhau, không ai giống ai, nên khi sống chung trong một môi trường, tiếp xúc với nhau trong công việc, ở trường lớp hay xóm giềng, dù sao cũng không tránh khỏi xung đột.

Thay vì cứ lo ngại đối phương nghĩ mình “quấy rối”, phải chăng mọi người chúng ta nên cùng nhìn nhận nhau một cách nhẹ nhàng, tự nhiên hơn.

Vậy để không “quấy rối bằng văn chương dài dòng” (cười), tôi xin dừng bút ở đây.