Làm cách nào để nhớ mặt chữ
Bài tập về nhà của học sinh tiểu học ở Nhật Bản
Bài tập về nhà tiêu biểu của học sinh tiểu học ở Nhật Bản đó là “tập viết”
Hình thức bài tập này được áp dụng từ lớp 1 ( các em khoảng 6 đến 7 tuổi), giúp các em ghi nhớ mặt chữ trong khi viết các chữ cái vào quyển vở có kẻ ô vuông sẵn. Con trai tôi đang học lớp sáu tiểu học (hệ thống giáo dục Nhật Bản chia cấp tiểu học thành 6 năm) và ngày nào con cũng viết một trang 100 ô vuông. Tuy nhiên, một số người bạn của con tôi lại lười làm việc tương tự. Tất nhiên chúng ta không thể trách chúng vì quả thật việc viết các con chữ vào vở là việc đơn giản nhưng dường như là một “nhiệm vụ nhàm chán” đối với trẻ con.
Kinh nghiệm “Tập viết”
Tuy nhiên, khi còn học tiểu học, tôi đã rất thích bài tập “tập viết”. Lý do là tôi cảm thấy rằng tôi có thể ghi nhớ các ký tự Kanji (Hán tự) khi tôi viết chúng ra. Bằng cách đó, tôi đã có thể trả lời chính xác trong bài kiểm tra, sử dụng thành thạo Hán tự khi làm văn và tôi đã rất vui vì điều đó. Tất nhiên, việc được cô giáo khen vì chăm chỉ hàng ngày và trả lời chính xác trong bài kiểm tra là một sự khích lệ lớn. Trong trường hợp của tôi, tôi không nghĩ rằng tôi đã có được kiến thức về Hán tự chỉ bằng cách viết chúng ra.
Khi vô tình nhìn thấy các Hán tự khác nhau trong khi đọc hay có Hán tự nào mà tôi không hiểu khi viết bài luận hoặc viết bức thư, tôi đã sử dụng từ điển để tự tra cứu. Điều này đã giúp tôi hình thành được nền tảng Hán tự của mình.
Nhiều trường tiểu học ở Nhật Bản sử dụng tài liệu giảng dạy bổ sung có tên “Kanji Doriru" để viết các Hán tự trong phạm vi được chỉ định là “từ trang… đến trang…" vào vở. Khi đó, tôi vừa đọc to những chữ đó vừa viết lại vào vở để ghi nhớ chúng. Ngoài ra, thay vì viết đi viết lại những chữ giống nhau, tôi viết theo thứ tự từ đầu đến hết dãy, viết đến cuối thì lại quay về đầu, cứ như vậy tôi viết nhiều chữ khác nhau. Không phải tôi đã tự nghĩ ra cách làm này mà nhờ cô giáo chủ nhiệm lúc bấy giờ đã khuyên tôi nên làm theo phương pháp đó.
“Đường cong lãng quên Ebbinghaus"- Tầm quan trọng của việc luyện tập thường xuyên
Trong một môn học mà tôi đã tham gia khi học lấy bằng giáo viên tại trường đại học, tôi đã biết được rằng: “Phương pháp viết mà giáo viên dạy cho trẻ khi còn nhỏ là sự luyện tập lặp đi lặp lại dựa trên quy tắc “Đường cong lãng quên Ebbinghaus”. Đây là một khảo sát nổi tiếng trong lĩnh vực tâm lý học, thể hiện ở dạng biểu đồ cho thấy mức độ ghi nhớ của một người đối với những sự vật không liên quan về ý nghĩa. Theo đường cong lãng quên này, chúng ta sẽ quên 79% những gì đã được học trước đó 31 ngày. Tuy nhiên, chúng ta có thể ghi nhớ dễ dàng hơn bằng cách làm cho những thứ cần nhớ trở nên tương quan nhau (trong trường hợp chữ Hán là hiểu ý nghĩa của các bộ phận cấu thành và sự hình thành của các ký tự) và luyện tập lặp lại nhiều lần. Ngoài ra, khi viết, nếu kết hợp đọc to (kích thích thính giác) bên cạnh hành động nhìn (kích thích thị giác) và viết bằng tay (kích thích xúc giác) thì trẻ sẽ dễ nhớ hơn.
Không chỉ với chữ cái mà với cả từ vựng, phương pháp tính toán cần thuộc lòng, chúng ta cũng có thể dễ dàng lưu trữ vào não bằng cách làm cho chúng có sự liên quan (hiểu được mối liên hệ về mặt nghĩa) và luyện tập lặp đi lặp lại để kích thích giác quan.