Vì sao cha mẹ nên “âm thầm quan sát” việc trẻ chơi một mình?
Con tôi bắt đầu đi nhà trẻ và làm quen với cuộc sống tập thể vào lúc bé khoảng 3 tuổi. Tôi có nhiều nỗi lo lắng về đứa con trai duy nhất này, và một trong số đó là về việc con “không thể chơi chung với bạn bè".
Vì là con một, không có anh chị em, nên bình thường thì con tôi vẫn chơi một mình ở nhà. Ngoài ra, trước giai đoạn đi nhà trẻ, tôi có thói quen dẫn con đến “Trung tâm Hỗ trợ Trẻ em" ở gần nhà. Thế nhưng, không biết có phải do có mẹ ở cạnh hay không mà con tôi không có tương tác gì với những đứa trẻ cùng tuổi khác mà chỉ chơi đồ hàng với tôi, hoặc nài nhỉ tôi “Đọc sách tranh cho con nghe đi mẹ!".
Thỉnh thoảng khi tôi rủ một đứa trẻ khác “Hãy chơi cùng nào!" thì con lại tuyên bố độc quyền rằng “Đây là mẹ của tớ mà!". Thế nên trong lúc vẫn chưa thể cho con biết đến “niềm vui khi chơi với bạn bè" thì con đã phải bắt đầu cuộc sống ở nhà trẻ rồi.
Nhiều khi tôi cũng đến nhà trẻ để phụ làm tài liệu giảng dạy hay chăm sóc bồn hoa, thì lại bắt gặp cảnh con mình tha thẩn quanh sân chơi, tách biệt khỏi nhóm các bạn nhỏ khác hoặc ngồi bệt trước kệ để giày.
Khi tôi lo lắng hỏi thăm cô giáo thì cô cho hay rằng: “Đúng rồi, bé rất hay ở một mình. Nếu để ý một chút thì thấy hình như bé đang chơi trò biến thân trong thế giới tưởng tượng của mình. Tôi thường quan sát bé một lúc rồi lại rủ bé “Đến đây nào!", hoặc gọi bé “Giờ mình đi đến chỗ XYZ nè!" mỗi khi nhóm các bé lại thay đổi chỗ tập trung sinh hoạt." Và cô giáo cũng mỉm cười nói rằng: “Nếu không có gì nguy hiểm thì chơi một mình cũng là một trong những cách chơi quan trọng nên tôi luôn tôn trọng điều đó."
Nhắc mới nhớ, bản thân tôi cũng từng thích “chơi một mình". Tưởng tượng rằng cỏ và đá là bữa cơm mình ăn, hay ngồi tô vẽ tranh công chúa. Bây giờ lớn rồi, nghĩ lại, tôi thấy mình cũng đã rất vui khi dành thời gian đắm chìm vào “thế giới của chính mình". Tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm khi giáo viên ở nhà trẻ đã nói rằng “Có chơi một mình cũng không có gì phải lo lắng cả", và từ đó tôi đã dõi theo việc chơi một mình của con trai.
Ở nhà mà đưa cho con giấy bìa gói kẹo hay bìa gói viên sốt cà ri là con đem đi tỉ mẩn làm thủ công luôn. Ngay cả những thứ “rác" đã hoàn thành vai trò là thùng chứa hay giấy gói thì cũng ngay lập tức tái sinh thành rô bốt một cách diệu kỳ sau khi được chạm vào bởi cây kéo của con trai.
Giờ con mới 9 tuổi mà trong nhà đã có mấy thùng các tông chứa những con “rô bốt từ phế liệu" mà con làm suốt từ khi con biết dùng kéo lúc khoảng 3 tuổi (tôi mà bỏ đi là con sẽ nổi giận ngay). Chẳng biết nên cảm thấy hạnh phúc hay phiền phức nữa. Con mà tập trung làm rô bốt thì quên cả ăn cơm và ăn vặt luôn nữa cơ!
Và rô bốt của con làm ra càng ngày càng tiến hóa. Con không giấu được dáng vẻ khoái chí trong các buổi “ra mắt" thành phẩm của mình (khi con khoe với tôi): “Tên lửa sẽ xuất hiện từ đây, và chùm tia sáng sẽ chiếu ra từ đây… “. Để con có thể làm ra những con rô bốt, tôi đã chuẩn bị sẵn các dụng cụ và vật liệu như băng dính, bút, nilon, vải, v.v… rồi để con một mình tự làm theo ý mình.
Thỉnh thoảng con cũng cắt phạm vào ngón tay, nhưng có như vậy con mới biệt được là có những công cụ nguy hiểm, biết đau và chảy máu, rồi từ đó biết được làm thế nào để sử dụng công cụ thành thạo hơn. Đó là cách con trai vừa làm vừa sửa theo cách riêng của mình.
Nếu bạn đang lo lắng vì con mình thường chơi một mình thì tôi muốn nói với bạn rằng “Hãy cứ dõi theo con đi, không sao đâu!". Khi lớn lên, con sẽ hiểu được niềm vui khi chơi với bạn bè. Mặc dù chúng ta không thể nhìn được những gì diễn ra trong đầu con, nhưng cũng sẽ rất thú vị khi vừa dõi theo con vừa nghĩ rằng “Chắc hẳn là con đang vừa bận rộn suy nghĩ về nhiều thứ và vừa chơi đây!".