Giải pháp đơn giản cho nỗi lo giảm cân sau khi sinh của phụ nữ

Có lẽ giảm cân là một trong những nỗi phiền muộn của các chị em sau sinh.

Tôi từng có cân nặng 47kg trước khi mang thai. Vào thời kỳ đầu của thai kỳ, tôi bị chứng thai nghén khá nặng nên không ăn uống được gì và đã giảm 1.2kg. Tuy nhiên sau khi qua khỏi thời kỳ ấy, tôi ăn uống lại được và em bé trong bụng ngày càng phát triển, cân nặng của tôi đã lên đến 57kg.

Người ta phân tích trọng lượng trung bình khi phụ nữ mang thai như sau: thai nhi nặng 3kg, nhau thai và nước ối là 1.5kg, cơ tử cung là 1kg, tuyến sữa 1kg, lượng máu lưu thông trong cơ thể là 1.5kg, tổng cộng khoảng 8kg. Do đó số kilogam tăng lên của người mẹ mang thai sau khi loại trừ 8kg này chính là cân nặng của lượng mỡ tăng lên trong cơ thể người mẹ.

Như các mẹ bầu khác, tôi cũng đã quyết tâm rằng “sinh xong sẽ trở về cân nặng thời con gái". Sau khi ra viện, không biết có phải do tất tả với việc chăm con nhỏ nên không để ý đến chế độ ăn uống hay không nhưng cân nặng của tôi đã giảm xuống 49kg sau một tháng hậu sản. Sau khi có sữa và bắt đầu cho con bú mẹ hoàn toàn, tôi đã giảm còn 42kg vào thời điểm 5 tháng sau sinh.

Nhưng mặc cho cân nặng có giảm, phần bụng và đùi của tôi vẫn không giảm kích thước. Chỉ số BMI (chỉ số khối lượng cơ thể – Body Mass Index) của tôi thuộc nhóm cân nặng thấp nhưng tôi rất hay gặp tình trạng chóng mặt, đứng không vững, dễ mệt mỏi nên không những không ăn kiêng mà tôi vẫn nhớ mình đã lo lắng rằng nếu không mập lên thì thể nào cũng ngất mất thôi.

Thời gian gần đây có rất nhiều quảng cáo kiểu “Thon gọn sau sinh" hay “Ăn kiêng thành công sau sinh". Nhưng khoan, đợi đã ! Cơ thể các mẹ vừa trải qua cuộc “đại sự của đời phụ nữ" nên đang rất mệt mỏi. Chưa kể, chỉ riêng với việc cho con bú hay chỉ ngủ được những giấc ngủ ngắn thì người mẹ đã phải chú trọng nâng cao sức khỏe của mình rồi!

Chế độ ăn uống sai lầm có thể ảnh hưởng đến bản thân và em bé của bạn. Khoảng hai tháng sau khi sinh con được gọi là giai đoạn ở cữ, một giai đoạn mà cơ thể và tâm trí của người mẹ thay đổi mạnh mẽ. Đặc biệt, hãy nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Cho đến khi con bạn sinh hoạt đi vào quỹ đạo và nhịp sống ổn định lại thì khi đó bạn bắt đầu ăn kiêng thì cũng chưa muộn.

Tuy nhiên, tôi cũng không khuyến khích việc giảm khẩu phần ăn quá mức hoặc chỉ ăn rau mà không có chất đạm và chất béo. Chúng ta nên chú trọng chế đô ăn cân bằng chất dinh dưỡng hơn là giảm lượng calo.

Khi được khoảng ba tháng tuổi, cổ bé sẽ cứng cáp hơn và bạn có thể bế đứng hoặc cho bé nằm trên tay bạn. Khi đó, hãy tích cực đi bộ dạo quanh với em bé của bạn nhé.

Ngay cả vào những ngày bạn không thể ra ngoài, bạn vẫn có thể địu bé và làm việc nhà, khi bé ngủ trưa thì tranh thủ làm giãn cơ thể, cố gắng tạo cơ hội cho cơ thể vận động trong mọi lúc mọi nơi cũng là một cách giảm cân.

Và còn nữa, các mẹ hãy nhớ là luôn cười thật tươi nhé!

Nuôi con là một thời kỳ cực kỳ stress với các bà mẹ. Khi cơ thể chúng ta bị stress, nó sẽ tiết ra nội tiết tố tên là Cortisol. Việc gia tăng của nội tiết tố này sẽ khiến cho nội tiết tố Serotonin, vốn được xem là hormone hạnh phúc, giảm xuống đáng kể. Hormone Serotonin có tác dụng kích thích vị giác và giảm sự bức bối, nó sẽ được sản sinh khi chúng ta mỉm cười.

Thay vì lo âu về việc quay trở lại cân nặng trước khi sinh, các mẹ hãy tận hưởng những giây phút hạnh phúc chỉ có thể có lúc này cùng con. Biết đâu đó lại là cách giảm cân tốt nhất thì sao các mẹ nhỉ ?

mang thai

Posted by hanabusa