Bạn chuẩn bị gì cho lần đầu tiên mang thai ở Nhật Bản?

Bất kể bạn sống ở quốc gia nào, “cuộc sống bầu bì" nói chung là rất vất vả nhỉ!

Chi phí mang thai lần đầu ở nước ngoài là bao nhiêu? Bạn nên làm gì lúc đầu? Và nhiều lo lắng khác có thể khiến bạn mệt mỏi. Trong bài này, tôi sẽ giải thích những việc cần làm cũng như các chi phí tương đối khi mang thai, để bạn không phải lo lắng mấy về việc mang thai ở Nhật nữa.

Đầu tiên là đến phòng khám sản phụ khoa để được tư vấn

Lý do nên đến phòng khám sản khoa là để kiểm tra các bất thường như việc mang thai ngoài tử cung. Ngay cả khi que thử thai có cho kết quả dương tính thì vẫn có khả năng đó là thai ngoài tử cung. Vì vậy, bạn nên xét nghiệm ở phòng khám sản khoa để biết thai có bình thường hay không. Lỡ bạn có thai ngoài tử cung thì sẽ rất nguy hiểm, nên nếu bạn nhận thấy mình đã có thai thì trước tiên hãy đến phòng khám sản khoa để được kiểm tra kỹ lưỡng.

Ngoài ra, tại nhiều phòng khám sản khoa, bạn có thể nhận được “Giấy thông báo mang thai" sau khi kiểm tra. Mẫu thông báo này là một tài liệu quan trọng để bạn nộp cho văn phòng chính quyền địa phương để sau này nhận được “Cẩm năng Sức khỏe mẹ và bé" (boshi-kenko-techo). Bạn nhớ giữ tài liệu này cẩn thận nhé (đôi khi có thể bạn sẽ không nhận được giấy thông báo mang thai tại phòng khám sản khoa mà bạn đã khám. Trong trường hợp đó thì hay đến văn phòng chính quyền địa phương nơi bạn sống để xin giấy thông báo mang thai nhé!).

Hãy đảm bảo bạn có một chỗ để khám thai và đặt trước bệnh viện để sinh con

Tại Nhật Bản, người ta thường đặt trước phòng sinh tại các phòng khám phụ sản dựa trên ngày dự sinh. Do đó, bạn nhớ đặt phòng sinh sớm nhé! Nếu chủ quan không đặt vì nghĩ còn quá sớm, thì việc đặt chỗ trước có thể bị từ chối, và có khả năng bạn sẽ không thể sinh tại khu vực hoặc bệnh viện mà bạn mong muốn.

Ngoài ra, không chỉ ở khoa phụ sản của các bệnh viện đại học, bệnh viện tổng hợp hay bệnh viện tư, bạn còn có thể đăng ký sinh tự nhiên tại các trung tâm hộ sinh. Bạn nên kiểm tra cẩn thận trước khi đặt phòng sinh. Đặc biệt, nếu bạn gặp các vấn đề với việc sinh như lớn tuổi, đa thai (sinh hai hoặc nhiều em bé cùng một lúc), hay bệnh mãn tính v.v…, bạn cần chọn một bệnh viện phù hợp với bạn.

Tùy thuộc vào bệnh viện, chi phí khám thai và sinh nở có thể rất khác nhau. Trong đó, bệnh viện công là đỡ tốn kém nhất.

Nhận Cẩm nang Sức khỏe mẹ và bé cùng phiếu khám thai

Bạn sẽ nhận được “Cẩm nang Sức khỏe mẹ và bé" (gọi tắt là boshi-techo) nếu bạn nộp thông báo mang thai tại các văn phòng hành chính (yakusho) hay trung tâm bảo hiểm sức khỏe (hokensho) của chính quyền địa phương nơi bạn đăng ký thẻ cư trú của mình. Nhiều địa phương còn có boshi-techo bằng tiếng nước ngoài, bao gồm cả tiếng Việt, hoặc bạn có thể mua riêng sổ này nữa đấy! Khi được kiểm tra y tế hoặc hướng dẫn về sức khỏe từ bác sỹ khi đang mang thai, bạn sẽ cần phải có boshi-techo vì bạn cần điền vào sổ này mỗi lần khám.

Nhân tiện, tại Nhật Bản, bản sẽ được hỗ trợ chi phí kiểm tra y tế khi mang thai bằng chi phí công. Để nhận được hỗ trợ, bạn phải có Phiếu khám thai (受診券 – jushinken) (tùy nơi mà còn có cách gọi là 補助券 (hojoken) hay 受診票 (jushinhyo) nữa). Để không bị thiệt thòi, bạn nhớ làm đầy đủ thủ tục để nhận được bộ phiếu này nhé! Ngoài ra, bạn còn được giới thiệu đến các buổi tư vấn của y tá, lớp học làm mẹ/lớp học làm bố mẹ (dạy kiến thức và thông tin cơ bản về việc mang thai, sinh nở, chăm sóc em bé, v.v…). Bạn đừng bỏ lỡ nha!

Số lần khám thai được khuyên ở Nhật Bản là 14 lần. Vậy chi phí khoảng bao nhiêu?

Số lần khám thai trung bình được khuyên ở Nhật là 14 lần. Bạn được khuyến khích kiểm tra y tế thường xuyên mỗi tháng 1 lần cho đến khi thai được 23 tuần tuổi, 2 lần hoặc nhiều hơn mỗi tháng sau 24 tuần tuổi, và 1 lần mỗi tuần sau khi thai được 36 tuần. Nếu bạn sinh đúng ngày, tổng cộng bạn sẽ đi khám 14 lần.

Vậy chi phí khám khoảng bao nhiêu? Mỗi lần bạn sẽ tốn khoảng 5000 yên. Tổng cộng là khoảng 70.000 yên. Điều này còn phụ thuộc vào bệnh viện mà bạn đến khám, thời kỳ mang thai và tình trạng của thai nữa. Có khi bạn sẽ phải trả đến 100.000 yên. Mang thai và sinh nở ở Nhật không được bảo hiểm y tế, nên việc khám định kỳ là khá tốn kém.

Có một chương trình trợ cấp từ chính quyền địa phương để giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ nữ mang thai. Như tôi có nói sơ bên trên, đó là sử dụng phiếu khám thai (jushinken) mà bạn nhận được cùng với Cẩm nang Sức khỏe mẹ và bé, chi phí cho mỗi lần khám sẽ rẻ hơn. Tuy tùy vào từng địa phương, nhưng trung bình bạn sẽ được hỗ trợ khoảng 100.000 yên. Vì vậy, trừ khi bạn phải khám bổ sung, thì hầu như bạn sẽ không tốn phí gì cả. Nếu phải khám thêm thì bạn sẽ chỉ phải trả thêm chừng 10.000 yên.

Bạn nhớ giữ lại hết biên lai khám chữa bệnh và chi phí di chuyển để chứng mình đó là tiền phí mang thai và sinh con nhé. Vì có thể sau này bạn sẽ cần những giấy tờ này để được hoàn thuế lại phần nào đấy. Còn có những chính sách khác để giảm gánh nặng tài chính khi mang thai và sinh con nữa. Tôi sẽ giới thiệu đến các bạn vào một dịp khác nhé!

Mang thai lần đầu chắc chắn là một sự kiện lớn của các cặp vợ chồng. Nếu bạn mang thai lần đầu ở Nhật thì mong bạn sẽ nhớ tới bài viết này nha!

mang thai

Posted by nakamine