Lễ rước đuốc Olympic Tokyo 2020 – Ngày 7 tháng 4 (1) – Từ thành phố Toyohashi đến thành phố Anjou, tỉnh Aichi

Ngày thứ 13 trong đợt rước đuốc thiêng của kỳ Olympic Tokyo 2020 sẽ chạy hướng về phía Đông từ thành phố Nagoya của tỉnh Aichi.

1. Công viên Toyohashi (豊橋公園), thành phố Toyohashi

Thành phố Toyohashi vẫn còn sót lại các di tích của thời kỳ đồ đá. Đặc biệt, từ thời Trung cổ thì thành phố này đã luôn là thị trấn trung tâm của các khu vực xung quanh. Hơn thế nữa, do khu vực này còn có ngành công nghiệp xe hơi phát triển mạnh, nên đây cũng là nơi có nhiều người lao động nước ngoài sinh sống của tỉnh Aichi, chỉ đứng sau thành phố Nagoya mà thôi.

Tọa lạc tại khu vực trung tâm của thành phố Toyohashi chính là công viên Toyohashi (nằm gần tòa thị chính thành phố), nơi đây vốn từng là lâu đài Yoshida (吉田城) nay đã được tu sửa lại thành công viên.

Những phần kiến trúc đương thời nay đã không còn sót lại nữa, chỉ còn sót lại đê đào và những bức tường thành, nhưng tháp pháo của lâu đài đã được tái hiện lại và miễn phí vé tham quan cho người dân.

Ở đây còn có khu thể thao, bảo tàng và đền thần, nên nơi này đã trở thành địa điểm hoàn hảo để bạn thư thả tản bộ trong khuôn viên.

Ngoài ra, đội “Toyohashi Tengu" chính là đội đại diện của Nhật Bản trong bộ môn thể thao giả tưởng từng xuất hiện trong tác phẩm Harry Potter nổi tiếng thế giới – môn Quidditch. Vì nhân vật Tengu rất hay xuất hiện trong những lễ hội được tổ chức tại thành phố Toyohashi nên đội mới được đặt cho cái tên này.

Vào ngày 10 và 11/2 hàng năm, ở đền Akumi Kanbeshinmei-sha (安久美神戸神明社) có tổ chức lễ hội “Toyohashi Oni-matsuri" (豊橋鬼祭) nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước. Lễ hội mang 1 bầu không khí kỳ lạ và độc đáo như đang diễn tả hình ảnh huyền ảo về 1 thế giới huyền bí của ma pháp cho khách du lịch cũng như những người nước ngoài đang lưu trú tại đây.

Địa chỉ 3 Imahashi-cho, thành phố Toyohashi, tỉnh Aichi
Cách đi Xuống tại ga Toyohashi-kouen Mae (豊橋公園前, nghĩa là “trước công viên Toyohashi") của tuyến chính Azumada (東田本線) hãng đường sắt Toyohashi (豊橋鉄道)

2. Kênh Handa (半田運河), thành phố Handa

Thành phố Handa phát triển như 1 thành phố cảng, phồn thịnh nhờ ngành công nghiệp chưng cất rượu như rượu sake hay chưng cất giấm từ khoảng thế kỷ 17. Đến cả thương hiệu Mizkan (ミツカン) – 1 thương hiệu sản xuất các loại gia vị phổ biến trên bàn ăn Nhật Bản – cũng đã từng khởi nghiệp tại vùng đất này từ năm 1804.

Cảnh quan ở khu vực dọc 2 bên kênh Handa với tổng chiều dài ước chừng 5km, diện tích khoảng 8㎢, đến nay vẫn luôn được duy trì như những ngày xa xưa. Nơi đây vẫn còn những căn biệt thự và vườn tược của những nhà buôn cũ, và cây cầu vượt kết nối sân ga Home chính của nhà ga Handa (cũng chính là ga trung tâm) chính là cây cầu vượt cổ nhất của nước Nhật.

Địa chỉ Khu vực ở Nakamura-cho, thành phố Handa, tỉnh Aichi
Trang chủ https://www.handa-kankou.com/
Cách đi Xuống tại ga Handa (半田駅) của tuyến JR Taketoyo (JR武豊線)

3. Đền Toyokawa Inari (豊川稲荷), thành phố Toyokawa

Tên chính thức của đền Toyokawa Inari là đền Myougon-ji (妙厳寺), đây cũng chính là ngôi đền trung tâm của thành phố Toyokawa.

Inari là vị thần cai quản việc trồng lúa, vụ mùa, lương thực và sự trù phú của Nhật Bản, và loài cáo Kitsune là sứ giả của thần Inari. Vì vậy nên đương nhiên trong khuôn viên của những ngôi đền có tên thần Inari luôn luôn có tượng cáo Kitsune, và trong đền Toyokawa Inari thì có vô số các bức tượng cáo lớn nhỏ đến mức không thể đếm xuể.

Tại sao số tượng cáo ở đây lại tăng nhiều đến vậy ư? Vì thần Inari của đền Toyokawa Inari luôn phù hộ cho sự thành công trong sự nghiệp của 1 người, nên mỗi khi có ai đến đây cầu nguyện và được thần đáp ứng thì đều sẽ tạ lễ bằng bức tượng cáo cho đền.

Ở con đường đi đến khu vực đặt nhiều tượng cáo trong đền cũng treo rất nhiều cờ, tất cả đều là cống vật của những người đến tham bái ngôi đền, và trên lá cờ luôn viết lời câu nguyện gửi đến thần linh.

Bầu không khí ở đây thật sự rất khác biệt so với những đền chùa ở nơi khác, phải không nào!

Địa chỉ 1 Toyokawa-cho, thành phố Toyokawa, tỉnh Aichi
Thời gian hoạt động 9:00 – 17:00
Ngày nghỉ Quanh năm không nghỉ
Phí vào cửa Miễn phí
Trang chủ https://www.toyokawainari.jp/
Cách đi Đi bộ thêm 5 phút từ ga Toyokawa (豊川駅) của tuyến JR Iida (JR飯田線)

4. Công viên Văn hóa Công nghiệp DENPARK (安城産業文化公園デンパーク), thành phố Anjou

Thành phố Anjou vốn được tu sửa trên nền đất khai hoang quy mô lớn vào nửa đầu thế kỷ 20. Công viên được gọi là “làng Đan Mạch của Nhật Bản" do được xây mô phỏng theo đất nước Đan Mạch với nền nông nghiệp tiên tiến thời bấy giờ.

Chữ DENPARK trong tên công viên là tổ hợp của chữ “Den" trong Denmark (Đan Mạch), và chữ “Park" nghĩa là công viên. Ngoài ra, chữ “Den" này còn mang nghĩa “den-en" (田園, nghĩa là “miền quê") hay “dentou" (伝統, nghĩa là “truyền thống").

Trong khuôn viên luôn ngập tràn sắc hoa nở 4 mùa, cùng những khu chợ trời, khu ẩm thực, nhà kính khổng lồ, sân chơi trong nhà, thác trượt và khu vui chơi bằng gỗ, đủ sức để hấp dẫn cả người lớn lẫn trẻ em đến công viên.

Địa chỉ 1 Kaji, Akamatsu-cho, thành phố Anjou, tỉnh Aichi
Thời gian hoạt động 9:30 – 17:00 (vào mùa Đông thì mở cửa đến 16:30)
Ngày nghỉ Thứ Ba hàng tuần (nếu trùng ngày lễ thì nghỉ ngày kế tiếp), kỳ nghỉ năm mới, từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2
Phí vào cửa Học sinh THPT trở lên: 600 JPY
Học sinh Tiểu học/THCS: 300 JPY
Trang chủ http://denpark.jp/index.html
Cách đi Bắt xe buýt từ ga Anjou (安城駅) của tuyến chính JR Tokaido (JR東海道本線), sau đó đổi xe tại trạm “Anjou Kousei Byouin" (安城更生病院, nghĩa là “bệnh viện Anjou Kousei") và xuống xe tại trạm “DENPARK" (デンパーク)